Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Mô Hình Liên Kết Sản Xuất Và Tiêu Thụ Bắp Lai

Hiệu Quả Từ Mô Hình Liên Kết Sản Xuất Và Tiêu Thụ Bắp Lai

Publish date Wednesday. May 7th, 2014

Hiệu Quả Từ Mô Hình Liên Kết Sản Xuất Và Tiêu Thụ Bắp Lai

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Long An đã có chủ trương tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững; trong đó, tập trung chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa, nhất là những vùng đất cao, xám bạc màu kém hiệu quả theo phương thức luân canh nhằm tăng thu nhập cho người nông dân và nhóm cây trồng cạn chủ lực cần tập trung là mè, bắp và đậu phộng.

Để thực hiện chủ trương trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao cho Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các Viện, Trường và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả nhằm để chuyển đổi một phần đất sản xuất lúa có hiệu quả kinh tế không cao sang các loại cây trồng khác trong đó có cây bắp.

Theo kế hoạch của tỉnh thì trong thời gian tới Long An sẽ chuyển đổi 1.500ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp. Theo thống kê năm 2013, toàn tỉnh Long An có hơn 3.500ha trồng bắp (chủ yếu ở huyện Đức Hòa và Đức Huệ) và dự kiến sẽ mở rộng hơn 5.000ha trồng bắp lai trong thời gian tới.

Thông thường, thời vụ thích hợp trồng bắp tập trung là vụ Đông – Xuân, một số ít trồng vụ Hè - Thu do sâu bệnh dễ phát sinh gây hại, chi phí đầu tư cao. Hiện nay, hầu hết nông dân canh tác các giống bắp lai như LVN 10, DK 888, DK 999, PAC 848, Cargill 919,…

Năng suất thực tế của các giống bắp này vẫn còn thấp so với tiềm năng, chủ yếu là do trình độ thâm canh của nông dân chưa đạt so với yêu cầu, chưa chú trọng sử dụng phân hữu cơ, nhu cầu nước nước chưa đảm bảo. Ngoại trừ một số khu vực trồng bắp giống theo hợp đồng thu mua của doanh nghiệp, thì hầu hết các vùng trồng bắp còn lại chưa có nơi thu mua ổn định. Đây là một nguyên nhân rất quan trọng ảnh hưởng đến việc phát huy thế mạnh cây trồng chủ lực này trên vùng đất xám.

Vụ Đông-Xuân 2012-2013, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện mô hình “ứng dụng quy trình thâm canh trồng bắp lai” nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên vùng đất lúa của huyện Đức Hòa thuộc chương trình Khuyến nông Quốc gia.

Mô hình đã sử dụng giống bắp lai CP888, trong quy trình kỹ thuật có sử dụng phân hữu cơ sinh học để bón lót với số lượng 500 kg cho 1 ha trước khi gieo hạt; dùng chế phẩm sinh học trong quản lý côn trùng gây hại, áp dụng tốt quy trình “Kỹ thuật thâm canh bắp lai” vào sản xuất.

Theo ước tính ban đầu, mô hình đạt doanh thu khoảng 47-49 triệu đồng/ha, lợi nhuận trung bình từ 22-25 triệu đồng/ha. So sánh hiệu quả chương trình với sản xuất đại trà năng suất tăng bình quân 5-6% (0,4-0,5 tấn/ha) và chênh lệch 2,7-3,4 triệu đồng/ha.

Về tác động xã hội thì mô hình đã tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng theo yêu cầu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất. Về mặt kỹ thuật thì nông dân từng bước thay đổi dần tập quán canh tác cũ, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Nhìn chung, mô hình đã đạt được mục tiêu cải thiện phương pháp canh tác của nông hộ theo hướng thâm canh, sản xuất theo tổ nhóm, bước đầu ứng dụng cơ giới trong gieo hạt và năng suất tăng 5% so với ngoài mô hình. Đặc biệt mô hình được doanh nghiệp đăng ký thu mua sản phẩm ngay từ đầu vụ.

Năm 2013, thông qua dự án kinh doanh cùng người thu nhập thấp do Quỹ Thách thức doanh nghiệp Việt Nam (VBCF) tài trợ, công ty CP Nông Trại Sinh Thái Ecofarm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An thực hiện Dự án xây dựng vùng bắp nguyên liệu 500 ha từ năm 2013-2015 tại huyện Đức Hòa nhằm chuyển đổi cây lúa canh tác trên vùng đất cát pha có năng suất thấp, kém hiệu quả.

Dự án này thực hiện tại 3 xã Mỹ Hạnh Bắc, Đức Lập Hạ và xã Mỹ Hạnh Nam của huyện Đức Hòa, các hoạt động hỗ trợ của dự án tập trung cho các hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất. Sau khi tiến hành thành lập tổ hợp tác tại 3 nêu trên, Dự án đã bắt đầu triển khai trong Vụ Đông-Xuân 2013-2014.

Kết quả bước đầu đã thành lập 2 hợp tác xã : Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Mỹ Hạnh Bắc (xã Mỹ Hạnh Bắc) và Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tiến Đạt (xã Đức Lập Hạ); 1 tổ hợp tác: Tổ hợp tác trồng bắp Ecofarm xã Mỹ Hạnh Nam (xã Mỹ Hạnh Nam) với tổng diện tích là 52 ha, có 91 hộ tham gia.

Công ty đã đầu tư khu liên hợp tại địa phương để sấy bắp, thu mua phụ phế phẩm từ bắp để sản xuất phân hữu cơ sinh học (bio-chart) để cung cấp lại cho đất giúp cải tạo vùng đất nghèo dinh dưỡng, hạn chế tình trạng suy thoái.

Bên cạnh đó, công ty còn cung ứng giống, vật tư, hỗ trợ công cụ cơ giới trong quá trình canh tác từ khi gieo hạt đến thu hoạch, bảo quản nông sản và công ty tổ chức thu mua nguyên liệu với giá ổn định, đảm bảo người sản xuất có lãi.

Một điểm khác biệt về kỹ thuật của mô hình trong dự án là nông dân trong mô hình có sử dụng phân hữu cơ vi sinh do công ty Ecofarm sản xuất phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây bắp và bón phân theo công thức 116N – 62 P2O5 – 97 K2O: Bón lót trước khi gieo hạt phân hữu cơ vi sinh Ecofarm Biotin: 800 kg/ha và Ecofarm-01: 200kg/ha;

Thúc lần 1 lúc 20 ngày sau mọc mầm (khi bắp có 7-8 lá): sử dụng phân Ecofarm - 02: 200kg/ha; Thúc lần 2 là 45 ngày sau mọc mầm (khi trỗ cờ phun râu): sử dụng phân Ecofarm-03: 300 kg/ha. Bên cạnh đó, còn kết hợp sử dụng phân bón lá: NPK (6-30-30 + TE) và Canxi-Bore.

Kết quả thực tế cho thấy năng suất Đông-Xuân 2013-2014 khi áp dụng quy trình canh tác có sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân Ecofarm thì năng suất cao hơn so với quy trình canh tác của địa phương bình quân là 1,2 tấn/ha, công ty thu mua bắp trong mô hình với giá là 5.400 đồng/kg, còn ngoài mô hình thì nông dân bán tự do với giá là 5.000 đồng/kg.

Vụ Xuân-Hè 2014, Công ty tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và chính quyền địa phương đã mở rộng diện tích sản xuất bắp lai ra các 8 xã và đạt 87,4 ha. Theo nhận định của người dân sau khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh do công ty Ecofarm sản xuất thì cây bắp sinh trưởng và phát triển tốt, có một đặc điểm quan trọng là sau khi sử dụng phân thì quan sát thấy trên lớp đất mặt có phủ lớp rêu xanh giúp giữ ẩm cho đất, bộ rễ phát triển tốt.

Mặc khác, công ty còn xây dựng nguồn quỹ cho các thành viên trong tổ hợp tác vai vốn từ nguồn VBCF để đầu tư trang thiết bị cơ giới hóa, phân bón, giống với phương thức cho mượn không lãi suất.

Theo kết quả trên thì mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ bắp lai với việc hình thành vùng nguyên liệu 500 ha từ năm 2013-2015 có khả năng hoàn thành sớm so kế hoạch.

Có thể nói mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ bắp lai đã đem lại hiệu quả thiết thực, được người dân đồng tình hưởng ứng, giúp người dân chuyển đổi trồng lúa trên vùng đất xám cho hiệu quả kinh tế thấp sang luân canh cây trồng cạn cho hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước hình thành vùng nguyên liệu kết hợp với thị trường tiêu thụ ổn định, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững là xu thế phát triển tất yếu của tỉnh trong thời gian tới.


Tiêu Thụ Sôi Động, Gạo Thơm Tăng Giá Vùn Vụt Tiêu Thụ Sôi Động, Gạo Thơm Tăng Giá… Mô Hình Trồng Lúa Trên Đất Nhiễm Phèn, Mặn Đạt Hiệu Quả Cao Mô Hình Trồng Lúa Trên Đất Nhiễm Phèn,…