Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Hệ VAC

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Hệ VAC

Publish date Monday. July 15th, 2013

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Hệ VAC

Được triển khai thực hiện trong năm 2012, mô hình nuôi cá hệ VAC tại 2 xã Chiềng Sinh và Nà Sáy, huyện Tuần Giáo do Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện chủ trì thực hiện được các cơ quan chức năng đánh giá đem lại hiệu quả kinh tế cao, là cơ hội giúp bà con thay đổi cơ cấu vật nuôi, phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo.

Ông Trang Đức Dũng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Tuần Giáo cho biết: Mục tiêu của chương trình là thông qua việc tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn kỹ năng nuôi cá giúp nông dân tham gia mô hình trình diễn và các hộ dân trên địa bàn nắm bắt nguyên lý và những kỹ thuật cơ bản nuôi cá hệ VAC.

Đặc biệt, là kỹ năng phòng, trừ một số loại bệnh thường gặp trong quá trình nuôi cá; nâng cao tính đa dạng trong chăn nuôi tại các gia đình, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân khu vực nông thôn. Đồng thời mở ra một hướng mới trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi; hỗ trợ người dân cải thiện đời sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Mô hình có tổng mức đầu tư trực tiếp 100 triệu đồng, được triển khai trên diện tích 0,8ha với sự tham gia của 16 hộ bản Ta Cơn (xã Chiềng Sinh), số lượng cá thả nuôi 16.000 con (trắm 8.000 con; rô phi đơn tính 5.000 con; mè 3.000 con). Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% cá giống, thức ăn tinh (cám gạo, cám ngô); thuốc phòng, chống bệnh cho cá.

Trước khi áp dụng mô hình, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện cử cán bộ kỹ thuật bám cơ sở hướng dẫn các hộ tham gia mô hình xử lý nguồn nước: vét cạn ao tù, khử khuẩn đáy ao bằng vôi bột, lắp đặt hệ thống ống cấp và thoát nước; đặc điểm sinh học của từng loại cá nuôi, thức ăn và cách cho ăn, cách chăm sóc và quản lý, tỷ lệ thả ghép, cách phòng và trị một số bệnh thông thường hay xảy ra ở cá; cách quản lý và chăm sóc ao nuôi, thu hoạch cá.

Trong quá trình thực hiện mô hình, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư tiến hành hội thảo giữa kỳ: Tổ chức cho các hộ tham quan mô hình của nhau, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình áp dụng KHKT; cán bộ kỹ thuật giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình nuôi cá. Đặc biệt, là việc hướng dẫn người dân cách cho cá ăn để tận dụng được hầu hết thức ăn tự nhiên, mùn bã hữu cơ lẫn các tảo lắng ở đáy ao, sinh vật phù du và thuỷ sinh.

Sau 5 tháng triển khai mô hình, tỷ lệ cá sống bình quân đạt 75%, trọng lượng tăng 3,5kg/con, sản lượng cá ước đạt 5,5 tấn, giá trị kinh tế ước đạt 350 triệu đồng. Trừ toàn bộ chi phí đầu vào, mô hình cho lợi nhuận đạt 250 triệu đồng. 

Ông Trang Đức Dũng khẳng định: Mô hình này cho hiệu quả gấp 1,5 - 2 lần so với cấy lúa 2 vụ và so với nuôi quảng canh, bán thâm canh. Nếu hộ nào nuôi gà, vịt, lợn (lấy phân làm thức ăn cho cá) và tận dụng được nguồn thức ăn từ các sản phẩm phụ trong trồng trọt: lá sắn, lá chuối, lá rau già… thì hiệu quả cao gấp 3 lần.

Thả cá theo tỷ lệ của mô hình, đã tận dụng được tối đa các tầng nước và tận dụng triệt để nguồn thức ăn trong ao. Để nâng cao hiệu suất sử dụng ao thả, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư hướng dẫn người dân trên địa bàn mua cá giống cỡ trung bình để nhanh được thu hoạch, quay vòng vốn nhanh.

Ông Bạc Cầm Tấn là một trong những chủ hộ tham gia mô hình cho biết: thực hiện đúng quy trình và kỹ thuật nuôi cá hệ VAC do cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện hướng dẫn, cá nuôi trong ao lớn rất nhanh, tỷ lệ sống cao. Tháng 6 vừa qua, gia đình bán được trên 1 tấn cá trắm thu trên 50 triệu đồng từ lứa cá được mô hình hỗ trợ (500 con). Sau 1 năm nuôi, bình quân cá đạt khoảng 3kg/con. Đây chính là động lực thôi thúc gia đình tôi mở rộng gấp đôi diện tích nuôi cá so với trước khi được tham gia mô hình.

Ông Lò Văn Thiêm, Trưởng bản Ta Cơn cho biết: Hiệu quả từ mô hình nuôi cá hệ VAC trên địa bàn đã góp phần quan trọng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con trong bản và các bản lân cận.


Người Nông Dân Mông Bắt Núi “Cúi Đầu” Người Nông Dân Mông Bắt Núi “Cúi Đầu” Đổi Thay Ở Mường Lói Đổi Thay Ở Mường Lói