Hiệu quả từ mô hình nuôi cá nước ngọt
Mô hình nuôi cá nước ngọt tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) mang lại hiệu quả rõ rệt cho bà con nông dân, nhiều hộ dân có thu nhập khá, vươn lên làm giàu.
Mô hình nuôi cá nước ngọt của gia đình ông Cao Văn Mễ.
Với ao nuôi cá khoảng 2.000 m2, gia đình ông Cao Văn Mễ ở thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đang nuôi các loại cá như: ba sa, diêu hồng, mè, chép, mỗi loại cá khoảng 4.000 con. Mỗi năm, trừ chi phí, ông Mễ thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Ông Cao Văn Mễ cho biết, năm 2013, ông chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá trê. Nuôi loại cá này, lãi cao nhưng lại gây ô nhiễm môi trường nên ông chuyển sang nuôi cá mè, trắm cỏ, diêu hồng… Năm ngoái, gia đình ông Mễ là một trong 4 hộ dân của xã được chọn thực hiện thí điểm việc nuôi cá thác lác theo hướng an toàn sinh học.
Gia đình ông Mễ được Nhà nước hỗ trợ 100% về con giống, 30% thức ăn cho cá. Theo ông Mễ, hiện nay giá cá thịt thác lác cao hơn nhiều so với các loài cá nước ngọt khác. Đây là loài cá ăn tạp, thích nghi tốt với nhiều vùng sinh thái nước ngọt khác nhau như sông, rạch, ao, hồ, ruộng lúa.
“Năm 2018 tôi bắt đầu triển khai nuôi các loại cá này. Trước đây là tôi nuôi cá trê. Nhưng vì cá Trê làm ô nhiễm môi trường, các thôn bên cạnh có nguồn nước bị ô nhiễm do cá trê thải ra. Lúa cũng bị ảnh hưởng và không trổ bông được. Hiện nay, tôi chuyển sang nuôi cá khác như ba sa, mè, chép. Ở đây có lợi thế về nguồn nước, nước ra, nước vô thường xuyên, ao nuôi rộng nên cá phát triển tốt hơn” - ông Mễ chia sẻ.
Xã Hòa Khương hiện có 62 ha nuôi cá nước ngọt, chủ yếu là nuôi cá mè, trắm, chép. Năm 2013, các hộ nuôi cá ở đây thành lập Tổ sản xuất để liên kết và phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Ông Nguyễn Chí Trí, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, khi nông dân chuyển đổi diện tích nông nghiệp kém hiệu quả sang làm ao nuôi cá nước ngọt đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
“Hòa Khương có lợi thế về nuôi cá nước ngọt do hồ Đồng Nghệ dẫn nước xuống hàng năm. Ở đây tập trung khoảng hơn 60 ha nuôi cá nước ngọt. Hiện tại chúng tôi đã đăng ký xây dựng một tổ hợp tác nuôi cá rồi. Tổ chức cho các hộ vừa nuôi cá, vừa xây dựng phát triển du lịch sinh thái. Sắp tới, chúng tôi kiến nghị với huyện, thành phố là xây dựng nhãn mác đặc sản cá Hòa Khương” - ông Trí nói.
Nhiều hộ dân ở Hòa Vang giàu lên từ khi nuôi cá nước ngọt.
Mô hình cá nước ngọt ở xã Hòa Khương đã được địa phương chọn tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) của huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Trong thời gian tới, mô hình cá nước ngọt sẽ được đầu tư và nhân rộng thành vùng chăn nuôi đặc trưng.
Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố rất ủng hộ việc nhân rộng mô hình nuôi cá nước ngọt.
“Hiện nay, mô hình nuôi cá nước ngọt ở Hòa Khương đang chuyển dần qua nuôi cá an toàn sinh học. Bà con đã chuyển một số con cá nuôi sang loại ít ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, huyện cũng cùng với xã Hòa Khương để nhân rộng những mô hình chăn nuôi thủy sản, an toàn sinh học, phục vụ sản phẩm cho thị trường”, ông Lý thông tin thêm./.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao