Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Dê Ở Huyện Như Xuân (Thanh Hóa)
Những năm gần đây, mô hình nuôi dê lấy thịt ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đang được nhân rộng và trở thành mô hình sản xuất bền vững quy mô hộ gia đình, mở ra nhiều triển vọng cho người dân địa phương. Nhất là từ khi có sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật từ các Chương trình 30a, 135 của Chính phủ.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dê của gia đình ông Nguyễn Văn Quyết, một trong những hộ nuôi dê thành công ở thôn Vật Tư, xã Bãi Trành.
Ông Quyết cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ nuôi vài con dê lấy thịt khi gia đình có việc. Từ năm 2011, được sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật từ Chương trình 30a, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác trong xã đã từng bước mở rộng quy mô đàn dê. Hiện nay, gia đình tôi có 30 con dê. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí cho thu nhập 25-30 triệu đồng”.
Khi hỏi về cách nuôi dê, ông Quyết cho hay: Dê là loại động vật ăn tạp, dễ nuôi nên tận dụng được nguồn thức ăn phong phú quanh nhà, đặc biệt dê có ý thức rất tốt, nếu chăn thả đúng giờ giấc dê có thể tự biết về chuồng đúng giờ. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao trong quá trình nuôi, người nuôi phải xác định được con giống tốt và chuồng trại phải bảo đảm độ thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ phòng ngừa dịch bệnh.
Hiện nay, ở xã Bãi Trành ngoài hộ ông Quyết còn có nhiều gia đình nuôi dê với số lượng lớn như gia đình chị Hồ Thị Thủy nuôi gần 30 con; gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến, thôn Vật Tư luôn duy trì từ 30-35 con... Được biết, tổng đàn dê của xã Bãi Trành hiện có gần 1.700 con, tăng 1.424 con so với năm 2010.
Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của các hộ gia đình, từ năm 2010 đến nay các Chương trình 30a và 135 đã hỗ trợ hơn 800 triệu đồng tiền mua giống cho 267 hộ trong toàn xã; đồng thời xã phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi cho các hộ dân.
Thực tế, với ưu điểm ít vốn, dễ mua, dễ bán, mô hình nuôi dê lấy thịt đang dần trở thành “cứu cánh” cho nhiều hộ nghèo ở xã Bãi Trành cũng như các xã Xuân Bình, Xuân Hòa, Thanh Sơn... Gia đình anh Ngô Văn Hương, ở thôn 4, xã Xuân Bình thuộc diện hộ nghèo, nhờ nuôi dê nên kinh tế gia đình anh đã bớt khó khăn.
Bắt đầu từ 2 con dê giống, sau 2 năm chăn nuôi, đàn dê của gia đình anh đã phát triển lên gần 20 con, mỗi năm trừ chi phí thu lãi vài chục triệu đồng. Theo thống kê của xã Xuân Bình, trong năm 2013 toàn xã có 84 hộ thoát nghèo nhờ tham gia mô hình nuôi dê. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 30,19%, giảm 23,11% so với năm 2010.
Trong khi chăn nuôi trâu, bò đang gặp khó khăn về nguồn vốn, về điều kiện chăn thả... thì nuôi dê là lựa chọn phù hợp, bởi dê là động vật ăn tạp, nguồn thức ăn phong phú.
Huyện Như Xuân hiện có tổng đàn dê gần 7.000 con, tập trung tại các xã như Bãi Trành, Xuân Bình, Xuân Hòa, Thanh Sơn, Thanh Phong, Thanh Quân... Để khuyến khích người dân chú trọng hơn trong phát triển đàn dê, thời gian qua, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, huyện có thêm những chính sách hỗ trợ hữu ích.
Ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: “Mô hình nuôi dê lấy thịt trên địa bàn huyện đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo ổn định cuộc sống.
Để mô hình phát triển bền vững, thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung tuyên truyền, tổ chức tập huấn kỹ thuật, chủ động trong công tác tiêm phòng dịch nhằm nhân rộng mô hình; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 15 triệu đồng cho những hộ gia đình có quy mô 100 con dê trở lên... qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương”.
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao