Tin thủy sản Hiệu quả từ nuôi cá hồng mỹ

Hiệu quả từ nuôi cá hồng mỹ

Author Hà Châu, publish date Thursday. March 16th, 2017

Hiệu quả từ nuôi cá hồng mỹ

Cá hồng mỹ có tốc độ sinh trưởng nhanh, dễ nuôi, giá trị kinh tế cao nên đã trở thành đối tượng nuôi hấp dẫn ở nhiều nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.

Trong ảnh: Cá hồng mỹ nhanh chóng trở thành đối tượng nuôi mang lại giá trị kinh tế

Đặc điểm sinh học

Cá hồng mỹ (hay còn gọi là cá đù đỏ) có tên khoa học là Sciaenops ocellatus. Đây là loại cá có kích thước lớn, sinh trưởng nhanh, kích thước cơ thể lớn nhất bắt gặp ngoài tự nhiên là 155 cm, nặng 45 kg. Trong nuôi thương phẩm bằng lồng trên biển, sau 1 năm cá đạt trọng lượng 0,9 - 1,2 kg. Đây là loài cá rộng muối, rộng nhiệt, có thể sống được ở độ mặn 0 - 35 ppt, nhiệt độ 10 - 300C, phạm vi phân bố rộng, khi trưởng thành thường di cư đến vùng cửa sông và vùng biển nông để sinh sản. Cá có thể sống trong nước ngọt, lợ, mặn, nhưng thích hợp nhất vẫn là nước lợ và nước mặn. Cá hồng mỹ là loài cá dữ, ăn thịt, thức ăn ưa thích của chúng ngoài tự nhiên như cá nhỏ, mực và giáp xác. Trong điều kiện nuôi, thức ăn cho cá con là các sinh vật phù du và các loại thức ăn tổng hợp khi cá đạt 15 mm trở lên, giai đoạn thương phẩm có thể cho cá sử dụng các loại thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein cao 40 - 45% hoặc cá tạp.

Cá hồng mỹ phân bố nhiều ở vịnh Mexico và vùng duyên hải Tây Nam nước Mỹ thuộc vùng biển Đại Tây Dương, hay ở vùng biển ôn đới và nhiệt đới. Những năm gần đây, cá hồng mỹ được di nhập vào nuôi ở một số nước châu Á như Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam… và nhanh chóng trở thành đối tượng nuôi quan trọng.

Hiệu quả kinh tế

Cá hồng mỹ có tốc độ sinh trưởng nhanh, dễ nuôi, giá trị kinh tế cao nên đã trở thành đối tượng nuôi hấp dẫn ở nhiều nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, cá hồng mỹ còn được coi như một đối tượng nuôi phù hợp trong các ao nuôi tôm bị dịch bệnh phải bỏ trống. Hơn nữa, cá hồng mỹ trong quá trình nuôi ít bị hao hụt nên năng suất rất cao. Sau một thời gian di nhập giống, Việt Nam đã cho sinh sản thành công đối tượng này và đáp ứng được nhu cầu con giống phục vụ nuôi thương phẩm. Theo đó, chúng được nuôi phổ biến bằng lồng bè ở vùng biển các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An.

Từ những lợi ích mà nó mang lại, trên cơ sở kế thừa những thành tựu về kỹ thuật sản xuất giống cá hồng Mỹ tại các tỉnh phía Bắc, Viện Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang đã thử nghiệm cho sinh sản và sản xuất giống cá hồng mỹ thành công trong điều kiện khí hậu, thời tiết tại Khánh Hòa. Qua kết quả nuôi thử nghiệm tại Vũng Ngán (thành phố Nha Trang) cho thấy, cá sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao. Sau 10 tháng nuôi bằng thức ăn công nghiệp cá đạt trọng lượng 1,3 - 2,2 kg/con, tỷ lệ sống gần 72%. Giá bán cá thương phẩm trên thị trường 100.000 - 120.000 đồng/kg, người nuôi có mức lãi khá và nhân rộng con giống ra nhiều tỉnh khác như Bình Định, Phú Yên, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu . Hiện, với hình thức nuôi thâm canh trong ao sau một năm, cá có thể đạt 1 - 1,3 kg/con, năng suất 9 - 24 tấn/ha. Với nuôi thương phẩm bằng lồng trên biển, lợi nhuận bình quân 1 tấn cá thương phẩm khoảng 25 - 30 triệu đồng.


Phòng bệnh do virus gây ra trên cá chép Phòng bệnh do virus gây ra trên cá… Nông dân Tây Ninh khóc cùng đàn cá lóc Nông dân Tây Ninh khóc cùng đàn cá…