Hình thành những làng nghề sản xuất giống lúa lai
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội nghị "Đánh giá kết quả duy trì hạt giống bố mẹ và sản xuất hạt giống lúa lai F1 vụ đông xuân 2016 – 2017" thuộc dự án Khuyến nông Trung ương.
Đánh giá kết quả sản xuất lúa lai F1 tập trung của Cty Cường Tân tại huyện Trực Ninh (Nam Định)
Thu nhập cao hơn 40% sản xuất lúa thịt
Năm nay, do điều kiện thời tiết ấm, khu sản xuất hạt giống lúa lai F1 của Công ty TNHH Cường Tân ở Nam Định thu hoạch sớm hơn 10 ngày so với dự kiến. Năng suất lúa dự kiến đạt khoảng 28 tạ/ha. Ông Đoàn Văn Sáu – GĐ Cty Cường Tân cho rằng, đây là một vụ lúa thành công.
Sau nhiều năm đeo đẳng với hoạt động chọn tạo lúa lai, Cty Cường Tân đã tích luỹ được cả kinh nghiệm, công nghệ sản xuất và cơ sở sản xuất, đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất lúa lai F1 của nước ngoài. Sau khi được thu hoạch bằng máy gặt công suất lớn, lúa giống được đưa vào khu chế biến, bảo quản gồm 16 bộ máy sấy hạt giống; 15 kho đông lạnh dung tích bảo quản trên 850ha, đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Các dòng lúa bố, mẹ cũng được nhân dòng tại chỗ, với diện tích 12ha tại huyện Trực Ninh với năng suất và chất lượng cao. Vừa đáp ứng nhu cầu của Cty, vừa cung ứng cho các đơn vị thực hiện dự án sản xuất hạt lai F1. Doanh nghiệp này thu mua sản phẩm của các hộ với giá 150.000 đồng/kg dòng mẹ đạt tiêu chuẩn. Trừ chi phí đầu vào, nông dân thu lãi 75 triệu đồng/ha (cao hơn sản xuất lúa thịt gấp 4,5 lần).
TS Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: So với nhu cầu sản xuất, diện tích và sản lượng giống lúa lai F1 sản xuất trong nước còn thấp trước tiềm năng đất đai, lao động và thị trường. Do đó, việc tiếp tục triển khai dự án “Phát triển sản xuất hạt giống lúa lai F1” giai đoạn 2017 – 2019 là rất cần thiết nhằm góp phần thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập cho bà con nông dân và phát triển bền vững, chủ động hạn chế nhập khẩu lúa lai F1 từ nước ngoài, chủ động nguồn giống có chất lượng đảm bảo.
Trong năm 2017, Dự án tổ chức triển khai sản xuất khoảng 9 tổ hợp lúa lai do Việt Nam chọn tạo và một số tổ hợp lúa lai nước ngoài có năng suất cao, có tính thích ứng rộng, chất lượng cao và khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất lợi tốt.
Đến nay Việt Nam đã hình thành các vùng tập trung có điều kiện tự nhiên phù hợp để sản xuất giống lúa lai. Điển hình như các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Thắng (Lào Cai); Trực Ninh, Nghĩa Hưng (Nam Định); Bình Lục, Duy Tiên (Hà Nam); Yên Định, Hoằng Hoá (Thanh Hoá); Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam); Eakar (Đắk Lắk); Cờ Đỏ (Cần Thơ); Long Mỹ (Hậu Giang)...
Tổng diện tích sản xuất lúa lai khoảng 340ha với khoảng 1.700 hộ dân tham gia. Trong đó vụ đông xuân 2016 – 2017 khoảng 260ha. Năng suất lúa lai F1 đạt bình quân 27 tạ/ha trở lên. Nông dân tha gia sản xuất giống lúa lai F1 đạt thu nhập ổn định và cao hơn 35 – 40% so với các giống lúa địa phương.
Có nơi đạt năng suất 4 tấn/ha
Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cho rằng, nước ta đã hình thành nghề nhân dòng lúa bố, mẹ trong nước, nhưng nói chỉ mới dừng lại ở các giống lúa lai 2 dòng. Còn với các giống lúa lai 3 dòng, dòng mẹ chúng ta gần như phải nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc. Nếu sản xuất hạt lai F1 mà không chủ động duy trì nhân dòng bố, mẹ thì sẽ bị lệ thuộc.
“Tôi nghĩ không nên đặt dấu chấm hết ở đây. Chúng ta phải đẩy mạnh nghiên cứu để duy trì các tổ hợp lúa lai mới. Hiện nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chuyển được gen thơm vào dòng mẹ và có những tổ hợp lúa lai thơm năng suất cao đã trình diễn từ Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Phú Thọ, có thể trong năm nay sẽ đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận sản xuất thử”, bà Trâm nói.
Đồng thời, nữ PGS.TS cũng cho biết: Hiện nay, các nhà khoa học đã tạo ra được dòng mẹ CMS (lúa lai 3 dòng) có chiều dài cổ bông kéo dài, bởi vậy rất tiết kiệm GA3 trong giai đoạn gạt phấn trong quy trình sản xuất lúa F1. Đây là đột phá mới về lúa lai của Việt Nam. Và trong tiến tình tiếp theo, chúng ta cũng cần nghiên cứu, chuyển gen chịu mặn, chịu hạn cho các dòng lúa lai.
Đồng quan điểm, TS Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho biết: Nhìn bức tranh tổng thể của lúa lai ¼ thế kỷ có lúc thăng, lúc trầm. Nhưng theo ông, lúa lai vẫn có chỗ đứng, hiệu quả trong cấu trúc cây lúa, đặc biệt là miền núi. Sắp tới chúng ta cần nghiên cứu, sản xuất các tổ hợp lai chất lượng để xuất khẩu và cần các giống chịu hạn, chịu mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: "Qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy rằng, ở Tây Nguyên làm hạt giống lúa lai năng suất rất cao (từ 3 – 4 tấn/ha) và cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp trong nước đã làm chủ được công nghệ. Tuy nhiên, sản xuất hạt lai chịu rủi ro rất lớn, bởi vậy nhà nước cần có thêm cơ chế hỗ trợ kịp thời để khuyến khích các doanh nghiệp ổn định và mở rộng sản xuất".
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao những thành tích trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất hạt lai F1 và duy trì các dòng bố, mẹ trong thời gian qua, đặc biệt là các nhà khoa học và các doanh nghiệp. Qua đó, góp phần chủ động về giống cây trồng và nâng cao thu nhập của nông dân.
“Thăm các khu sản xuất của Công ty Cường Tân, chúng tôi rất vui mừng khi nhận thấy nơi đó đúng giống như các “làng nghề” sản xuất lúa lai F1. Mô hình này rất cần được nhân rộng trong thời gian tới”, Thứ trưởng chia sẻ.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao