Mô hình kinh tế Hỗ Trợ Nông Dân Trồng Cây Vụ Đông Nguyên Liệu Phục Vụ Chế Biến Xuất Khẩu

Hỗ Trợ Nông Dân Trồng Cây Vụ Đông Nguyên Liệu Phục Vụ Chế Biến Xuất Khẩu

Publish date Friday. November 8th, 2013

Hỗ Trợ Nông Dân Trồng Cây Vụ Đông Nguyên Liệu Phục Vụ Chế Biến Xuất Khẩu

Những năm qua, sản phẩm cây vụ đông nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu của tỉnh Nam Định như: Cà chua các loại, dưa chuột (trung tử, bao tử), ngô ngọt, ngô bao tử, cải dầu… đã được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức thu mua với giá trị cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần sản xuất đại trà, góp phần hình thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Tuy nhiên, thực tế việc mở rộng sản xuất cây vụ đông phục vụ chế biến, xuất khẩu gặp không ít khó khăn do cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ, chưa ổn định quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều hộ nông dân tùy tiện sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc kích thích sinh trưởng nên sản phẩm không đạt tiêu chuẩn ATTP trong chế biến, xuất khẩu.

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ công tác thị trường là phần lớn sản phẩm tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian nên giá thu mua thấp; việc ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng thực hiện hợp đồng không nhất quán, khi giá thị trường lên cao, nông dân bán sản phẩm ra ngoài, khi giá xuống thấp lại “ép” doanh nghiệp phải thu mua; hoặc doanh nghiệp ép giá khi ký hợp đồng... Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, khiến cho diện tích cây nguyên liệu chế biến xuất khẩu không mở rộng mà còn để lại ấn tượng xấu trong quan hệ giao dịch thương mại sau này.

Nhận diện những nguyên nhân hạn chế sự phát triển cây vụ đông nguyên liệu xuất khẩu, cùng với việc tập trung xây dựng quy hoạch và cơ sở hạ tầng như hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, dịch vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật và vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, các ngành chức năng đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất cây vụ đông trên đất hai lúa đến năm 2015 nhằm phát triển diện tích cây vụ đông, tăng thu nhập cho nông dân và góp phần xây dựng NTM ở địa phương. Trong đó tập trung vào nhóm cây nguyên liệu xuất khẩu như khoai tây, cây đậu tương và cây bí (bí xanh, bí đỏ) với mức hỗ trợ cho các hộ hoặc nhóm hộ nông dân, công nhân nông nghiệp, HTX nông nghiệp trực tiếp sản xuất cây khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu, phủ rạ trên đất hai lúa tại các vùng quy hoạch sản xuất cây vụ đông có quy mô từ 3ha trở lên.

Ngoài mức hỗ trợ 4,17 triệu đồng/ha và gần 2 triệu đồng/ha cây đậu tương và cây bí xanh, các địa phương trồng cây nguyên liệu xuất khẩu còn được chuyển giao khoa học kỹ thuật cả ở khâu giống, quy trình kỹ thuật chăm bón và thu hái, bảo quản sản phẩm. Qua đó, các giống cây cho năng suất, chất lượng cao như khoai tây: Đức, Hà Lan, Atlantics, KT3; cà chua TN 060 (Ấn Độ), Saviơ (Mỹ), cà chua quả nhỡ Thúy Hồng (Đài Loan); ngô nếp lù, nếp 97… đã được lựa chọn sản xuất. Bên cạnh đó các địa phương còn áp dụng tối đa hiệu quả việc làm đất theo phương pháp tối thiểu, cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, thu hái, bảo quản sản phẩm và tuân thủ quy trình kỹ thuật đối với từng loại cây trồng.

Để chủ động tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu, Sở NN và PTNT đã phối hợp với Sở Công thương mời các doanh nghiệp cung ứng giống cây trồng, thuốc BVTV, chế biến nông sản xuất khẩu của các tỉnh, thành phố trong khu vực tham gia hội nghị xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh và hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản cho nông dân… Cùng với các sở, ngành, các huyện cũng nỗ lực đưa ra các cơ chế ưu đãi khuyến khích phát triển sản xuất theo quy mô hàng hóa. Các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Ý Yên đều thực hiện hỗ trợ hàng trăm nghìn đến hàng triệu, chục triệu đồng với từng loại cây trồng, hay theo vùng sản xuất các cây chủ lực.

Huyện Hải Hậu hỗ trợ toàn bộ giống lúa ngắn ngày trồng vụ đông và giống ngô trồng vụ đông trên đất hai lúa và mời các Cty phân phối, chế biến nông thủy sản về làm việc trực tiếp với huyện, với người nông dân để nắm bắt tiềm năng và kế hoạch phát triển sản phẩm chủ lực, đồng thời trực tiếp ký hợp đồng với HTXDVNN về cơ chế phối hợp, liên kết trong cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm, thống nhất kế hoạch thu mua sản phẩm. Đến nay, khoai tây đã có Cty ký hợp đồng cung ứng giống và thu mua toàn bộ sản phẩm.

Các địa phương cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ cà chua, ngô ngọt với các doanh nghiệp trước khi tiến hành tổ chức sản xuất. Các huyện Vụ Bản, Trực Ninh, Xuân Trường đã đăng ký xây dựng 16 mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông như: ớt, dưa chuột bao tử, ngô ngọt và khoai tây trong vụ đông với quy mô gần 300ha với Cty TNHH Cường Tân (Trực Ninh), Cty TNHH Minh Hiền (Hà Nam), Cty CP Giống cây trồng Kiên Giang và Cty CP thương mại Hà nội. Huyện Ý Yên là đơn vị thu hút được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cả lĩnh vực CN-TTCN và nông sản thực phẩm.

Ngoài các bạn hàng truyền thống, năm 2013, Cty TNHH Minh Hiền (Hà Nam), Cty TNHH Ớt Việt Nam ký hợp đồng tiêu thụ nông sản như dưa chuột bao tử, dưa trung tử, ngô ngọt, bí xanh, ớt… trên tổng diện tích 88ha cây vụ đông của bà con nông dân các xã Yên Dương, Yên Cường, Yên Thành, Yên Xá. Đặc biệt năm 2013, huyện Ý Yên đưa cây ớt vào danh mục nhóm cây nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Cùng với việc mời các đơn vị kinh doanh, chế biến nông sản về tham quan, ký kết hợp đồng, huyện Ý Yên còn hỗ trợ kinh phí 1 triệu đồng/ha cho công tác chỉ đạo của UBND xã, thị trấn xây dựng mô hình ớt xuất khẩu và hỗ trợ thêm 3 triệu đồng cho 1ha diện tích trồng vượt trội so với kế hoạch.

Huyện còn tổ chức cho các hộ dân tham gia trồng ớt xuất khẩu đi tham quan nhà máy chế biến ớt xuất khẩu tại các tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, tổ chức tập huấn kỹ năng đàm phán và nguyên tắc ký hợp đồng kinh tế cho các cán bộ Ban NN xã và chủ nhiệm HTXDVNN để hạn chế, giúp nông dân yên tâm mở rộng sản xuất. Đồng chí Nguyễn Tấn Song, Trưởng phòng NN và PTNT huyện cho biết: Hiện nay, các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Xinh-ga-po… cần một lượng lớn ớt để phục vụ chế biến thực phẩm nên Cty TNHH Ớt Việt Nam đảm bảo thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân. Bước đầu Cty cung cấp toàn bộ cây giống, phân bón, khâu kỹ thuật...; cán bộ của Cty trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc ớt.

Như vậy, người nông dân sẽ chủ động hơn trong sản xuất và sẽ tổ chức thu mua tại chỗ với giá thỏa thuận ban đầu… Theo ước tính giá trị thu nhập bình quân từ cây ớt xuất khẩu là trên 100 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

Với sự nỗ lực “vào cuộc” của các ngành, các cấp trong việc tháo gỡ khó khăn cho phát triển cây nguyên liệu chế biến xuất khẩu về cả điều kiện sản xuất, cơ chế chính sách, thị trường là giải pháp cơ bản để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho nông sản hàng hóa. Thời gian tới các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, xuất khẩu tại địa phương để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm nông sản với giá trị gia tăng cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2013 toàn tỉnh đạt 400 triệu USD.


Xứng Danh Xứng Danh "Đệ Nhất Danh Trà" Công Bố Dịch Cúm A/H5N1 Trên Gia Cầm Tại 2 Xã Thuộc Tân Phú Đông (Tiền Giang) Công Bố Dịch Cúm A/H5N1 Trên Gia Cầm…