Tin nông nghiệp Hoài Nhơn (Bình Định) hỗ trợ nông dân phát triển bền vững cây tiêu

Hoài Nhơn (Bình Định) hỗ trợ nông dân phát triển bền vững cây tiêu

Author BẢO SƯƠNG - ÁNH NGUYỆT, publish date Friday. February 26th, 2016

Hoài Nhơn (Bình Định) hỗ trợ nông dân phát triển bền vững cây tiêu

Cán bộ khuyến nông huyện Hoài Nhơn (Bình Định) tham quan mô hình trồng tiêu sử dụng phân hữu cơ vi sinh Trichomix-DT cho năng suất cao của hộ ông Bùi Văn Trai ở thôn Giao Hội 2, Hoài Tân.

Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, đến cuối năm 2015, trên địa bàn huyện đã có gần 100 ha hồ tiêu, trong đó có trên 50 ha đã cho thu hoạch. Cây tiêu có khả năng thích ứng với nhiều vùng đất, nhưng yêu cầu kỹ thuật chăm sóc khá cao, vốn đầu tư lớn. Trong khi những vườn tiêu mới ở địa phương phát triển nhanh theo lối tự phát, chưa có sự đầu tư nhiều về kỹ thuật, nên năng suất còn thấp, bình quân mới chỉ đạt 680 kg/ha (khoảng 1.300 - 1.500 trụ tiêu).

Theo kỹ sư Mạch Đình Đồng, chuyên viên Trạm Khuyến nông Hoài Nhơn, bắt nhịp với xu hướng phát triển cây tiêu, những năm qua, các ngành chức năng của huyện và tỉnh đã quan tâm triển khai các mô hình trình diễn để chuyển giao kỹ thuật; tổ chức hội thảo về quản lý dịch bệnh tổng hợp trên cây tiêu, qua đó giúp cho người trồng tiêu nắm vững kỹ thuật, phương pháp trồng và chăm sóc cây hồ tiêu bền vững, tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu tư.

Ông Bùi Văn Trai, chủ hộ trồng tiêu ở thôn Giao Hội 2, xã Hoài Tân, cho biết: “Nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT từ các mô hình, hội thảo về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu; đặc biệt là phương pháp sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Trichomix-DT, men Trichoderma cộng với phân chuồng đã giúp cho vườn tiêu của tôi luôn phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh, giảm được 60% lượng phân hóa học và 40% chi phí đầu tư. Nhờ vậy liên tiếp trong 2 năm gần đây tui đã thu trên 200 triệu đồng lợi nhuận/1 ha tiêu 8 năm tuổi”.

Với giá tiêu liên tục tăng như hiện nay đã “kích thích” nhiều hộ mạnh dạn đầu tư tiền tỉ để có những vườn tiêu cả ngàn trụ, như hộ ông Nguyễn Văn Lâm (2.500 trụ), ông Hoàng Thiết (1.800 trụ), ông Nguyễn Văn Lọc (1.000 trụ) cùng ở xã Hoài Thanh; anh Bùi Văn Cường ở Hoài Tân (1.200 trụ), anh Nguyễn Văn Hoàng ở thị trấn Bồng Sơn (800 trụ), ông Nguyễn Tán ở xã Hoài Hảo (1.200 trụ)…

Cùng với sự đầu tư hỗ trợ kỹ thuật của ngành chức năng của huyện và tỉnh, các hộ trồng tiêu ở Hoài Nhơn đã thành lập các chi hội trồng tiêu để giúp nhau cùng phát triển. Hiện toàn huyện có 5 chi hội trồng tiêu ở các xã Hoài Hảo, Hoài Phú, Hoài Tân, Hoài Thanh và Hoài Thanh Tây. Anh Trần Ngọc Công, Chi hội trưởng Chi hội trồng tiêu xã Hoài Tân, chia sẻ: “Để phát triển cây tiêu theo hướng bền vững, năm 2014 chi hội trồng tiêu của xã được thành lập với 35 hội viên tham gia. Hiện nay toàn chi hội có 32 vườn tiêu với trên 7.000 trụ đang phát triển xanh tốt, mức lãi ròng từ cây tiêu đã đạt từ 30 - 40 triệu đồng/100 trụ/năm”.

Bà Nguyễn Thị Thao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Thanh, cho biết: “Qua theo dõi, mấy năm gần đây giá tiêu liên tục tăng giúp cho nhiều bà con trồng tiêu địa phương có thu nhập hàng năm từ 50 - 70 chục triệu đồng/vụ, đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến cáo bà con nông dân không nên trồng tiêu quá ồ ạt và cũng không nên trồng diện tích quá lớn trong một hộ, để tránh những rủi ro sau này”.

Để từng bước đưa cây tiêu trở thành cây kinh tế mũi nhọn của địa phương, huyện Hoài Nhơn đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương khẩn trương quy hoạch lại những vùng có tiềm năng, lợi thế để quản lý và cân đối nhu cầu có lợi cho nông dân. Đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, phát triển cây tiêu một cách lâu dài, kết hợp giữa đầu tư sản xuất, chế biến, thu mua, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để tạo nền tảng phát triển cây tiêu bền vững.


Cà phê tăng năng suất, tăng giá trị nhờ tham gia PPP Cà phê tăng năng suất, tăng giá trị… Cư Jut, Đăk Nông mót nước cứu cây, nguy cơ thiếu đói do hạn Cư Jut, Đăk Nông mót nước cứu cây,…