Hội chứng đốm trắng gây ra bởi vi khuẩn trên tôm sú
Tóm tắt
Bài viết này trình bày về hội chứng đốm trắng gây ra bởi vi khuẩn (sau đây gọi là đốm khuẩn) trên tôm sú Penaeus monodon. Đốm khuẩn nhìn giống với đốm trắng gây ra bởi virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV), tuy nhiên tôm vẫn hoạt động và phát triển bình thường mà không xuất hiện tôm chết nhiều. Kiểm tra dưới kính hiển vi điện tử, mô học và PCR cho thấy không có sự xâm nhiễm của virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV).
Quan sát dưới kính hiển vi điện tử, các đốm trắng hình thành có liên quan đến vi khuẩn, sự bào mòn của lớp mô sừng và các lớp phía dưới dẫn đến sự thoái hóa và mất sắc tố của vỏ. Đốm khuẩn và đốm trắng của WSSV nhìn bằng mắt thường giống nhau nhưng khi quan sát dưới kính hiển vi soi tươi thì chúng lại khác nhau. Đốm khuẩn nhìn giống địa y, có vùng trung tâm bị rỗ, không giống với vùng trung tâm của đốm trắng gây ra bởi virus là các chấm màu đen.
Kiểm tra vi khuẩn học cho thấy Bacillus subtilis chiếm ưu thế. Sự xuất hiện của đốm khuẩn có thể liên quan đến việc sử dụng các chế phẩm probiotics chứa B. subtilis. Đốm khuẩn thường xuất hiện trên các mô vảy như vỏ, lớp mô sừng hay các mô liên kết. Có thể ngăn chặn đốm khuẩn tấn công vào các mô dưới vỏ. Đốm khuẩn không gây chết tôm với điều kiện “vắng mặt” các mối nguy hiểm khác và sẽ mất trong lần lột xác tiếp theo.
Kết quả
Biểu hiện bệnh và kiểm tra mô học
Tôm bị đốm khuẩn vẫn hoạt động và ăn uống bình thường ngoại trừ có sự xuất hiện của các đốm trắng bất thường trên vỏ tôm. Chúng vẫn có thể lột mà không xuất hiện tôm chết nhiều một cách bất thường.
Một vài đốm có đường viền tròn màu trắng đục, có hoặc không có nhân trắng đục trong vùng trung tâm và các đốm nằm riêng rẽ chứ không dày đặc (hình 1).
Quan sát dưới kính hiển vi soi tươi, đốm khuẩn trông giống địa y màu nâu đậm với đường viền trơn hoặc nhám (hình 2a). Vùng trung tâm có màu đậm hơn chứng tỏ vỏ tôm bị phá hủy dẫn đến các vị trí trên vỏ bị bào mòn sâu hơn hoặc bị rỗ (Hình 2b). Trong các trường hợp bị đốm khuẩn nặng, các lỗ rỗ có kích thước lớn hơn rất nhiều và do đó có thể nhìn rõ bằng mắt thường. Trong một số trường hợp, lông vẫn còn hiện diện trong vùng trung tâm đốm khuẩn. Một lượng lớn các đường nối từ trung tâm đến đường viền bao quanh đốm khuẩn làm chúng càng giống với địa y. Các đường này không xuất hiện trong giai đoạn đầu của bệnh. Đốm khuẩn có lẽ phát triển kích thước từ trung tâm nên dẫn đến sự xuất hiện của các vòng tròn đồng tâm.
Quan sát dưới độ phóng đại cao hơn thì thấy một lượng lớn vi khuẩn và các tế bào máu bị hoại tử trên nền chất của đốm khuẩn (Hình 2c).
WSSV không xuất hiện trên bất kỳ mô nào khi kiểm tra mô học. Tuy nhiên, vỏ tôm, lớp biểu bì và các mô liên kết lại bị vi khuẩn tấn công. Phần trung tâm đốm khuẩn chính là lỗ rỗ trên vỏ, các tế bào máu thâm nhập vào các lớp phía dưới và mô liên kết nhằm khoanh vùng tiêu diệt vi khuẩn xâm nhiễm (Hình 3 & 4). Vi khuẩn cũng tấn công lớp biểu bì bên dưới và các mô liên kết nằm gần lỗ rỗ làm chúng bị hoại tử và bị tan rã thành các mảnh nhỏ (Hình 5). Sự nhiễm trùng không ảnh hưởng đến các mô sâu hơn (ví dụ như cơ). Trên lớp mô sừng là một lớp mỏng chứa các tế bào máu và vi khuẩn dày khoảng 1/3 đến 1/2 vỏ (Hình 6). Có lẽ vi khuẩn bám trên lớp mô sừng bị phân hủy và bị tiêu biến (Hình 6 – góc trên cùng bên phải).
Kiểm tra PCR
Kiểm tra bằng phương pháp PCR cho thấy tất cả các mẫu từ năm trang trại nuôi nuôi đều âm tính với WSSV. Sự có mặt của đoạn DNA 232 bp của tôm (mẫu đối chứng dương) và DNA 153 bp của virus cho thấy mẫu này dương tính với WSSV.
Phân lập và định danh vi khuẩn
Bacillus subtilis (A1), Flavobacterium odoratum (B1) và Vibrio cholera (C1) được phân lập và định danh từ mẫu số 3; B. subtilis (A2), Shewanella putrefacien (B2) và Vibrio cholerare (C2) được phân lập và định danh từ mẫu số 5. Phân lập bằng phương pháp đổ đĩa (Bảng 4) cho thấy B. sutilis và V. cholera là hai dòng vi khuẩn chính trong tất cả các mẫu. Tuy nhiên, B. subtilis là dòng chiếm ưu thế hơn cả do chúng hiện diện với một mật độ cao hơn rất nhiều.
Nguồn: Y. G. Wang, K. L. Lee, M. Najiah, M. Shariff, M. D. Hassan. A new bacterial white spot syndrome (BWSS) in cultured tiger shrimp Penaeus monodon and its comparison with white spot syndrome (WSS) caused by virus. Aquatic Animal Health Unit, Faculty of Veterinary Medicine, Universiti Putra Malaysia. 43400 UPM, Serdang, Selangor. Malaysia
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao