Tin thủy sản Hỏi đáp thủy sản tháng 9

Hỏi đáp thủy sản tháng 9

Author Ban KHKT, publish date Tuesday. September 12th, 2017

Hỏi đáp thủy sản tháng 9

Nước đục sẽ làm hạn chế vi sinh vật phát triển, từ đó ảnh hưởng đến sinh trưởng của cá chép 

Hỏi: Nước ao nuôi cá chép có màu đỏ của đất. Xin hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục? (Đặng Xuân Nam, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội)

Trả lời:

Theo mô tả, nước ao đục nguyên nhân có thể do nguồn lấy vào đã bị đục hoặc do cá chép hoạt động mạnh sục bùn lên khiến nước đục. Để khắc phục tình trạng trên, cần dừng không lấy nước vào ao và tiếp tục theo dõi 2 - 3 ngày, nếu nước vẫn đục thì dùng vôi bột với liều lượng 2 - 4 kg/100 m3 nước té xuống ao. Để phòng bệnh cho cá định kỳ 1 tháng té vôi 2 lần với liều lượng như trên. Nước đục ít tức độ trong khoảng 10 - 20 cm chưa thể làm cá chết, tuy nhiên, nước đục sẽ làm hạn chế vi sinh vật phát triển, từ đó ảnh hưởng đến sinh trưởng của cá, nước đục lâu cá chuyển sang màu theo nước đục, cá không có màu sắc tự nhiên giá bán sẽ giảm.

Hỏi: Cá chép có hiện tượng mọc rêu ở vẩy, bỏ ăn, mắt cá lõm vào, cá gầy yếu, chết nhiều, trong mang cá có bùn. Xin hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục? (Lê Tiến Dũng, huyện Tiền Yên, tỉnh Quảng Ninh)

Trả lời

Theo mô tả, cá chép có thể bị bệnh xuất huyết virus. Biện pháp khắc phục hiện tại như sau: Cần định kỳ 7 - 10 ngày khử trùng nước bằng viên sủi TCCA, liều lượng 0,5 - 0,7 g/m3 nước hoặc Povidin 90%, liều dùng 0,5 ml/m3 nước. Cho cá ăn thuốc thảo dược như KN-04-12, liều lượng 4 g/kg cá/ngày; Hoặc cho ăn tỏi tươi liều lượng 5 g/kg cá/ngày, cho cá ăn 5 - 7 ngày. Bổ sung cho cá Vitamin C, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cho ăn trong 7 ngày liên tục

Hỏi: Ao nuôi tôm thẻ chân trắng của tôi được 50 ngày, thời gian gần đây, tôm có hiện tượng đi ngoài phân trắng nổi trên mặt ao. Xin hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục? (Trần Công Bình, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre)

Trả lời:

Theo mô tả, tôm đã mắc bệnh phân trắng, nguyên nhân chính là do thức ăn bị ẩm mốc hoặc hết hạn sử dụng (cần kiểm tra lại) hoặc cũng có thể có nguyên nhân khác nữa là do nước ao bị ô nhiễm đặc biệt là ô nhiễm đáy, vi khuẩn đường ruột phát triển gây bệnh cho tôm. Tôm bị bệnh nặng hơn khi ao nuôi cho ăn thức ăn dư thừa. Khi phát hiện bệnh, cần lập tức dừng không cho tôm ăn. Tiến hành xi phông đáy ao, khử trùng nước, đồng thời mở hết quạt nước với tốc độ cao nhất nhằm hỗ trợ nhanh chóng phân hủy chất thải trong ao nuôi, bổ sung nước mới từ ao lắng. Sau khi ngừng cho ăn khoảng 1 ngày thì chất lượng nước sẽ được cải thiện đáng kể, màu nước trở nên sáng hơn và phân trắng giảm đi hoặc sẽ có khi hết hoàn toàn. Khi đó, cho tôm ăn lại với lượng thức ăn ít hơn. Đồng thời, bổ sung thêm chế phẩm sinh học, Vitamin C và thuốc bổ gan vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.


Đầu tư 10 tỷ đồng nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà Đầu tư 10 tỷ đồng nuôi cá lồng… Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường mới nổi tăng Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường…