Tin nông nghiệp Hội Nông dân VN: Đổi mới, tự tin cùng nông dân trên đường hội nhập

Hội Nông dân VN: Đổi mới, tự tin cùng nông dân trên đường hội nhập

Author Phương Đông, publish date Friday. October 14th, 2016

Hội Nông dân VN: Đổi mới, tự tin cùng nông dân trên đường hội nhập

Kể từ ngày thành lập (14.10.1930) đến nay, Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) đã trải qua 6 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là 1 dấu mốc lịch sử quan trọng khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Lịch sử xây dựng và phát triển của dân tộc Việt Nam, nhất là lịch sử cách mạng Việt Nam - do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đã ghi nhận sự đóng góp to lớn của giai cấp nông dân. Đặc biệt trong hành trình 30 năm Đổi mới đất nước, dưới sự dẫn dắt của Đảng, giai cấp nông dân Việt Nam đã cùng các thành phần kinh tế khác vượt qua khó khăn, cùng đất nước hội nhập với thế giới, hòa thanh với năm châu. Có được những thành tựu đó, Hội NDVN luôn đề cao và hướng tới tinh thần “Đổi mới”.

Đổi mới - kim chỉ nam cho phát triển

Trong ảnh: Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn (phải) trao đổi với nhóm nông dân trồng vải thiều GlobalGAP phục vụ xuất khẩu ở xã  Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: N.C

Xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án trọng điểm
Thường trực, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN đang lãnh đạo, chỉ đạo 15 ban, đơn vị, trung tâm trực thuộc thực hiện nhiều nội dung, hoạt động, chương trình, đề án trọng tâm, trọng điểm. Trong đó có việc hoàn thiện đề cương Đề án ”Xây dựng người nông dân thời kỳ CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế”; triển khai Đề án xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp; xây dựng Đề án nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nông dân; Đề án ”Vai trò làm chủ của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới...”.

Tinh thần đổi mới, tăng cường bám sát thực tiễn sản xuất nông nghiệp, tình hình nông dân ở cơ sở đã được đẩy lên mạnh mẽ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội NDVN (từ ngày 27.3 - 31.3.1988).

Bà Nguyễn Thị Huệ - nguyên Phó Chủ tịch Hội NDVN nhớ lại: “Đại hội xong, theo tinh thần chỉ đạo của trên, chúng tôi từ Thường trực cho đến cán bộ các ban, đơn vị đều phải đi cơ sở để có thông tin về tình hình nông nghiệp, nông dân báo cáo kịp thời với T.Ư.

Một trong những nội dung quan trọng mà cán bộ Hội chúng tôi phải phổ biến, tuyên truyền tới các cấp Hội, hội viên nông dân là tinh thần của Nghị quyết 10 (khoán 10) của Bộ Chính trị ban hành ngày 5.4.1988…Tôi còn nhớ, tại Đại hội lần thứ nhất Hội NDVN, Bộ Chính trị đã đề nghị các đại biểu đọc lại, góp ý sửa chữa lần cuối trước khi ký ban hành Nghị quyết 10…”.

Cùng với nông dân cả nước, với các ngành, Hội NDVN đã góp phần đưa nước ta từ một nước thiếu đói triền miên trong những năm kinh tế bao cấp trở thành quốc gia lần đầu tiên xuất khẩu gạo vào năm 1989 với sản lượng hơn 1,4 triệu tấn, đạt kim ngạch 340 triệu USD- đặt cơ sở, dấu ấn quan trọng, nền tảng vững chắc cho những mặt hàng nông sản xuất khẩu khác của Việt Nam những năm sau này.

Bước sang nhiệm kỳ Đại hội lần thứ II (1993-1998), tinh thần đổi mới của Hội NDVN mới được thể hiện rõ qua chủ đề “Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động”. Nhiệm kỳ Đại hội III, Hội NDVN (1998-2003) đã xác định rõ hơn, cụ thể hơn vai trò, nhiệm vụ của mình.

Đó là bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết thu hút hội viên, Hội NDVN còn tổ chức thực hiện hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân. Nhiệm vụ này đã được Hội NDVN cụ thể hóa bằng Đề án 460-ĐA/HND ngày 20.9.1999. Đề án 460 đã tạo cơ sở thực tiễn, động lực để Hội NDVN các cấp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xác định lấy lợi ích thiết thực của hội viên làm mục đích để triển khai các nhiệm vụ, tổ chức các phong trào thi đua trong nông dân.

Tuy có nhiều nỗ lực, song hoạt động của Hội NDVN từ Đại hội III trở về trước chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động “chay”, hoạt động hỗ trợ dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu bức thiết của hội viên, nông dân. Chính vì vậy, từ Đại hội IV (2003-2008) trở đi, hoạt động của Hội NDVN đã có sự đổi mới căn bản.

Công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết, tập hợp hội viên, nông dân gắn liền với các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT góp phần giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên, nông dân…

Những kết quả trong nhiệm kỳ Đại hội IV đã tạo tiền đề, cơ sở vững chắc để hoạt động Hội NDVN thực sự có bước phát triển lớn mạnh cả về năng lực, nguồn lực trong nhiệm kỳ Đại hội V (2008-2013) và nhiệm kỳ Đại hội VI (2013-2018). Trong 2 nhiệm kỳ này, không chỉ Hội NDVN mở rộng về quy mô, chất lượng các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân mà các mối quan hệ hợp tác giữa Hội NDVN và các bộ, ngành trong nước và các tổ chức quốc tế cũng được mở rộng…

Nâng cao vai trò, vị trí , uy tín


Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Tu (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa lai cho hội viên.  Ảnh: T.L

Trong nhiệm kỳ Đại hội V và Đại hội VI của Hội NDVN, các chương trình phối hợp, hợp tác với các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong nước và các tổ chức quốc tế không chỉ giúp Hội NDVN tăng cường về năng lực mà còn tạo nguồn lực to lớn để quá trình đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội diễn ra mạnh mẽ hơn, hỗ trợ hiệu quả hơn cho hội viên, nông dân. Theo đó, vai trò, vị trí, uy tín của Hội NDVN trong hệ thống chính trị được nâng lên rõ rệt, tạo được sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội, thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân, tạo uy tín trong hợp tác đối với các tổ chức quốc tế.

Một trong những dấu ấn “Đổi mới” rõ nét nhất trong nhiệm kỳ Đại hội V và Đại hội VI, đó là Hội NDVN đã làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước, phối hợp với Chính phủ, các địa phương trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Rõ nhất là Hội NDVN đã chủ động, tích cực xây dựng Đề án ”Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”. Đề án đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng thông qua bằng Kết luận số 61 (KL 61) ngày 3.12.2009.

Thực hiện Đề án này, ngày 10.5.2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 673 (QĐ 673) ”Về việc Hội NDVN trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”. KL 61 của Ban Bí thư và QĐ 673 của Thủ tướng Chính phủ nhanh đi vào cuộc sống và đã tạo được những kết quả tích cực, thể hiện rõ sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo và tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với giai cấp nông dân, Hội NDVN.

Việc thực hiện KL 61 của Ban Bí thư và QĐ số 673 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã giúp Hội NDVN thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X về ”Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, đồng hành với nông dân trong bối cảnh Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...

Xét ở góc độ người đứng đầu, tổ chức hạt nhân trong tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, có thể khẳng định, những thành tựu mà Hội NDVN đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội V, VI có dấu ấn rất rõ nét của Ủy viên T.Ư Đảng khóa XI, nguyên Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường và tập thể Thường trực, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành...

Chuẩn bị hành trang cùng nông dân hội nhập

Ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (tháng 1.2016), các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị xã hội, các tập đoàn, doanh nghiệp ở T.Ư và địa phương bắt tay ngay vào chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuẩn bị mọi mặt để đưa đất nước hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, Hội NDVN không thể đứng ngoài cuộc, nhất là hội nhập đang ngày một tác động rõ rệt hơn đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Với tư cách là Ủy viên T.Ư Đảng-người đứng đầu tổ chức Hội NDVN, sau đó là Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Lại Xuân Môn đã có những ngày, tháng làm việc năng nổ, trách nhiệm, nhiệt huyết. Chủ tịch Lại Xuân Môn liên tục có những chuyến đi thực tế làm việc với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tại nhiều địa phương để nắm bắt tình hình thực hiện các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đồng thời tranh thủ xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ, hội viên, nông dân để lắng nghe những khó khăn, bức xúc của hội viên, nông dân; ghi nhận những đề xuất, kiến nghị chính đáng của hội viên, nông dân.

Thông điệp từ những chuyến đi của Chủ tịch Lại Xuân Môn thể hiện rõ rằng: “Phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, nông dân là 1 trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, ngành, trong đó có Hội NDVN. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thành công, trước hết phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

Một trong những nội dung nằm trong phương châm hành động của T.Ư Hội NDVN nhằm hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài đó là hoạt động đối ngoại và quan hệ quốc tế. Hiện nay, Hội NDVN đã có quan hệ hợp tác với gần 50 tổ chức nông dân, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính phủ, tổ chức quốc tế...

Hưởng ứng lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn trong nhiều cuộc họp trong hệ thống Hội cũng đã đề cao việc “Hội NDVN phải tập trung vào vai trò, nhiệm vụ hiến kế, tham mưu, kiến tạo chính sách, đề xuất giải pháp để góp phần giải quyết những khó khăn lớn của nông dân...”.

Cùng với nguồn lực tranh thủ được từ trong nước và thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, Chủ tịch Lại Xuân Môn xác định, năng lực, trình độ, trách nhiệm, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ Hội các cấp sẽ là yếu tố then chốt để Hội NDVN thực hiện hiệu quả 3 trụ cột quan trọng trong công tác Hội và phong trào nông dân. Ba trụ cột đó là bảo vệ nông dân; tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh tập trung, điển hình, quy mô hàng hóa dưới hình thức liên kết theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân...


Đến Xuyên Mộc, say với nhãn xuồng, thanh long Đến Xuyên Mộc, say với nhãn xuồng, thanh… Chè hồi sinh ở đất Minh Long Chè hồi sinh ở đất Minh Long