Mô hình kinh tế Hồi sinh đặc sản tiêu Ba Lế Quảng Ngãi

Hồi sinh đặc sản tiêu Ba Lế Quảng Ngãi

Publish date Tuesday. September 29th, 2015

Hồi sinh đặc sản tiêu Ba Lế Quảng Ngãi

Giờ đây, cây tiêu tàn lụi dần và có nguy cơ xóa sổ. Để khôi phục phát triển cây tiêu Ba Lế, các ngành chức năng huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đang nỗ lực triển khai các giải pháp, xây dựng mô hình nhằm "hồi sinh" loại đặc sản này.

Đặc sản vùng cao Ba Tơ

"Lên Ba Lế nhớ... mua tiêu"- đó là câu nói của miệng của nhiều người khi người thân hay bạn bè có dịp lên công tác tại xã vùng cao Ba Lế. Bởi, từ lâu, sản phẩm tiêu Ba Lế được nhiều người biết đến với những đặc điểm riêng về chất lượng, khác với sản phẩm hạt tiêu trong nước.

Giống tiêu Ba Lế có lá nhỏ, chùm quả ngắn và hạt nhỏ, màu xanh của lá không đậm như các giống tiêu khác. Hạt tiêu được thu từ giống tiêu bản địa Ba Lế và trồng trên đất xã Ba Lế, có vị thơm, ngon và vị cay dễ chịu đặc trưng hơn so với các loại hạt tiêu khác.

Điều khá lạ là giống tiêu Ba Lế nếu đem trồng ở các vùng đất khác, thậm chí là các vùng lân cận trong huyện cũng rất khó sống, hoặc nếu phát triển thì hạt rất ít và chất lượng cũng không bằng so với tại vùng đất Ba Lế.

Đặc biệt, 100% gốc tiêu Ba Lế được thả bò tự nhiên trên một số loại cây rừng như: Gòn gai, mít, ké....

Hạt tiêu Ba Lế có hương vị riêng mà không loại tiêu nào có được

Theo các già làng ở vùng cao Ba Lế, vào thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, hầu hết người dân ở Ba Lế đều có tiêu trồng trong vườn, trên rẫy. Đến vụ thu hoạch có vườn cho vài ba tạ hạt tiêu khô là chuyện bình thường. Cây tiêu đã góp phần làm nên sự nổi tiếng cho vùng cao Ba Lế từ thuở đó.

Vậy mà, đặc sản tiêu Ba Lế nổi tiếng ấy bây giờ tìm không dễ, dù giá mua lúc nào cũng đắt hơn loại tiêu khác từ 2 - 3 lần.

"Nhiều người đến Ba Lế đặt mua hạt tiêu với giá 300 - 350.000 đồng/kg nhưng bà con chúng tôi không có bán. Bởi số lượng tiêu còn ít nên nhà nào có cũng chỉ để dùng trong nhà.

Bà con ở đây nhiều nhà không có để mà ăn thì lấy đâu ra bán"- ông Phạm Văn Sinh ở thôn Bãi Lế, xã Ba Lế bày tỏ.

Vì đâu nên nỗi ấy? Hoá ra, những năm gần đây cây tiêu từng góp phần làm nên hương vị đặc trưng, tạo thành thương hiệu hạt tiêu Ba Lế vang danh đã bị phá bỏ dần, thay bằng những rẫy keo, vườn keo.

Dẫn đến số lượng tiêu tụt giảm "không phanh", ước toàn xã chỉ còn một vài trăm gốc nằm rải rác nhiều nơi.

Bảo tồn cho mai sau

Với mong muốn vực lại cây tiêu Ba Lế, huyện Ba Tơ đã tiến hành thực hiện mô hình “Ươm giống và trồng cây tiêu Ba Lế".

Thời gian thực hiện mô hình từ tháng 7.2015 đến tháng 1.2016 nhằm mục tiêu khuyến khích nông dân bảo tồn nguồn giống tiêu bản địa, trồng và phát triển cây tiêu Ba Lế có chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện địa phương và có thị trường tiêu thụ ổn định.

Theo kế hoạch, Trạm khuyến nông huyện Ba Tơ sẽ thực hiện 2 mô hình gồm:

Vườn ươm cây giống tại chỗ trong nông hộ và trồng cây tiêu Ba Lế. Dự kiến sẽ trồng khoảng 800 gốc (trụ) trên diện tích 0,5ha với 8 hộ dân tham gia. Hiện, Trạm đang tiến hành tổ chức chọn các hộ dân tham gia mô hình để tập huấn, hướng dẫn và thực hành kỹ thuật tuyển chọn hom giống gốc, kỹ thuật ươm giống tại chỗ và trồng, chăm sóc, bảo quản...

Theo ông Lê Thanh Lực - Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ cho biết:

Cây tiêu Ba Lế có vòng đời từ 20 - 25 năm, thích hợp ở nhiệt độ trung bình 22 - 28 độ C và có thể trồng được trên nhiều vùng đất ở xã Ba Lế nhưng đất thích hợp phải là đất tơi xốp, nhiều mùn, thoát nước tốt.

Cây tiêu dễ trồng, dễ chăm sóc và chỉ sau khi trồng từ 2 đến 3 năm cây tiêu sẽ cho thu hoạch.

Vụ thu hoạch hàng năm của người dân địa phương diễn ra từ tháng 6 - 7, với số lượng hạt thu hoạch từ 3 - 6kg tươi/gốc. Với giá của tiêu Ba Lế cao như hiện nay, thì nguồn thu từ cây tiêu mang lại cho người dân là không hề nhỏ.

Huyện Ba Tơ đang nỗ lực để bảo tồn giống tiêu đặc sản của địa phương

Tuy nhiên, việc khôi phục cây tiêu Ba Lế không phải là chuyện một sớm một chiều, bởi hiện nay cây keo đang có giá khiến nhiều người dân đang quay lưng lại với cây tiêu, nguồn giống cũng đang dần cạn kiệt...

Song với những nỗ lực của các chính quyền địa phương, các cấp ngành liên quan cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền hy vọng thời gian không xa, cây tiêu Ba Lế sẽ trở về thời “hoàng kim” của nó.

Có thể nói, ngoài bảo tồn nguồn giống bản địa, việc thực hiện thành công mô hình bảo tồn cây tiêu Ba Lế sẽ mở ra nhiều cơ hội tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ dân xã Ba Lế và các vùng lân cận, góp phần phát huy tốt thế mạnh của địa phương trong công cuộc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

"Nhiều người đến Ba Lế đặt mua hạt tiêu với giá 300 - 350.000 đồng/kg nhưng bà con chúng tôi không có bán. Bởi số lượng tiêu còn ít nên nhà nào có cũng chỉ để dùng trong nhà."(Ông Phạm Văn Sinh ở thôn Bãi Lế, xã Ba Lế bày tỏ)


Giải pháp bảo vệ vườn cây ăn trái trước, trong và sau mùa lũ Giải pháp bảo vệ vườn cây ăn trái… Nghiệm thu nghiên cứu tạo cây giống ghép có khả năng chống chịu bệnh chết nhanh ở cây tiêu Nghiệm thu nghiên cứu tạo cây giống ghép…