Mô hình kinh tế Hội Thảo Xác Định Nguyên Nhân Gây Chết Trên Ngao, Tu Hài Nuôi Và Giải Pháp Khôi Phục Nghề Nuôi

Hội Thảo Xác Định Nguyên Nhân Gây Chết Trên Ngao, Tu Hài Nuôi Và Giải Pháp Khôi Phục Nghề Nuôi

Publish date Thursday. August 28th, 2014

Hội Thảo Xác Định Nguyên Nhân Gây Chết Trên Ngao, Tu Hài Nuôi Và Giải Pháp Khôi Phục Nghề Nuôi

Ngày 21/8/2014, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh tổ chức Hội thảo xác định nguyên nhân gây chết trên ngao, tu hài nuôi và giải pháp khôi phục nghề nuôi. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền đã đến dự.

Thời gian qua dịch bệnh trên tu hài, ngao đã gây nhiều thiệt hại cho người nuôi, tác động tới sự phát triển nuôi hai đối tượng này. Do vậy, dịch bệnh trên tu hài cũng cần phải được tập trung nghiên cứu nguyên nhân, tác nhân gây bệnh và tìm ra giải pháp khống chế, phòng trừ.

Theo Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), những năm gần đây, nghề nuôi ngao ở Việt Nam đã gặp không ít khó khăn do hiện tượng ngao chết theo mùa hàng năm.

Năm 2014 được nhận định là ngao chết ít hơn. Tuy nhiên, sau đợt nắng nóng kéo dài kết hợp mưa dông lớn đã làm độ mặn vùng nuôi ngao giảm đột ngột nên diện tích nuôi ngao bị chết tăng. Riêng Thái Bình có khoảng 1.096 ha bị chết, gây thiệt hại khoảng 7.000 tấn ngao.

Đối với tu hài, năm 2012, tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), khoảng 200 triệu tu hài chết ước thiệt hại 200 tỷ đồng. Từ tháng 4/2014, đã xuất hiện tu hài chết ở các vùng ben biển thuộc vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa).

Theo nhận định ban đầu, tác nhân gây bệnh chính là bệnh truyền nhiễm do vi sinh vật có dạng giống virus với biểu hiện sưng vòi ở tu hài. Đối với hiện tượng ngao chết ở Thái Bình thời gian qua, Cục Thú y đã nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân ngao chết hàng loạt là do nắng nóng, mật độ nuôi cao, nhiệt độ cao.

Theo ông Đỗ Văn Tờ, chủ doanh nghiệp ở Quảng Ninh có nghề nuôi tu hài phát triển, những năm gần đây, bệnh trên tu hài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình nuôi trồng thủy sản ở địa phương.

Việc tu hài chết hàng loạt và chưa tìm ra nguyên nhân khiến người nuôi thiệt hại và lúng túng trong việc tiếp tục phát triển nghề này. Do nhu cầu nuôi phát triển rộng, nên sức ép về giống lớn. Năm 2009, doanh nghiệp của ông đã thuê trại nuôi tôm bỏ không để sản xuất giống tu hài tại Vân Đồn.

Thời gian đầu có kết quả tốt nhưng sắp đến thu hoạch thì tu hài chết hàng loạt tại vịnh Cam Ranh (năm 2010) và đến năm 2011 bệnh đã xuất hiện tại vịnh Lan Hạ, Cát Bà. Đến tháng 4/2012, bệnh trên tu hài đã lan sang Vân Đồn.

Tháng 4/2013, công ty sử dụng tu hài giống tự nhiên để sản xuất thử, tiếp tục ương nuôi tại Vân Đồn, nhưng sau cơn bão số 14, lại xuất hiện bệnh nên tháng 1/2014, công ty tiến hành thu non với tỉ lệ sống 5-7 con/lồng. Hiện doanh nghiệp đã chuyển sang nuôi ngao và nhận thấy những con tu hài tự nhiên vào lồng nuôi ngao không xuất hiện bệnh.

Tại hội thảo, ông Tờ đề nghị các viện nghiên cứu đưa nguồn bố mẹ sạch bệnh để nhân giống, không dùng kháng sinh cho tu hài giống. Bên cạnh đó, tuy ngao có giá trị kinh tế không cao nhưng có thể thay thế tu hài, đề nghị tiếp tục nghiên cứu và phát triển đối tượng này.

Theo một số đại biểu người nuôi tu hài ở Vân Đồn, nuôi tu hài phát triển nhanh do lãi lớn. Nhiều người nuôi nên nguồn giống không đáp ứng đủ. Giống chủ yếu được đưa về từ Nha Trang hoặc nhập của Trung Quốc. Một số người nuôi tự lai giống đến thế hệ F3, F4, khiến sức đề kháng của con giống kém ảnh hưởng đến chất lượng nuôi tu hài.

Hiện ở Vân Đồn có 3 loài tu hài: tu hài thông thường, tu hài vòi màu tím, tu hài méo miệng. Bệnh chỉ xảy ra với tu hài thông thường, hai loại còn lại không chết hoặc ít chết, tỉ lệ sống 50% sau khi ương, hiện đang phát triển tốt, nên có thể thay thế cho tu hài thông thường đang bị bệnh.

Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, tu hài chết do virus gây sưng vòi cộng thêm độ pH, độ mặn gây chết. Nguyên nhân do kỹ thuật nuôi, quy hoạch, kiểm soát con giống. Hiện nay, mật độ nuôi quá dày ảnh hưởng môi trường và thức ăn.

Vì vậy, quy hoạch nuôi tu hài cần tránh vùng triều cao, đảm bảo lượng thức ăn tự nhiên cho tu hài. Bên cạnh đó cần kiểm soát con giống. Hiện nguồn giống tu hài chưa được kiểm soát, nên cần có phương pháp chẩn đoán vius. Giải pháp lâu dài là phải có chiến lược đàn tu hài bố mẹ có khả năng chống chịu tốt môi trường, khả năng kháng bệnh tốt.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền nhận định, nuôi ngao, tu hài thời gian qua phát triển quá nhanh, thiếu kiểm soát về con giống, dịch bệnh.

Những vấn đề cần quan tâm giải quyết đã được đề cập tại hội thảo, tuy nhiên, đó mới chỉ là nhưng nhận định, đánh giá, chưa có nghiên cứu sâu. Thời gian tới, phải tập trung xác định nguyên nhân chính khiến ngao chết, mở rộng phạm vi nghiên cứu, thử nghiệm các yếu tố mật độ, nhiệt độ, pH, độ mặn…, xây dựng mô hình chẩn đoán bệnh.

Trước mắt, cần sớm đưa ra kết luận trong tháng 10/2014 tại diễn đàn công nghệ sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh và giải đáp thông tin liên quan đến dịch bệnh. Về lâu dài, các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản cần nghiên cứu tạo ra giống tu hài, giống ngao có sức đề kháng với môi trường, kháng bệnh. Xây dựng quy trình kỹ thuật chuẩn đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện nay.

Chuyển đổi một số diện tích nuôi tu hài sang nuôi ngao đá và ngao hoa, rà soát lại quy hoạch của từng địa phương, tránh tình trạng nuôi quá dày. Vụ Nuôi trồng thủy sản nghiên cứu xây dựng thông tư quy định về điều kiện nuôi, quản lý và kiểm dịch chất lượng con giống, bổ sung thêm đề tài, dự án khôi phục và khắc phục nghề nuôi này.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xác định nhuyễn thể là đối tượng mang lại giá trị kinh tế cao, do đó, việc tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục để khôi phục nghề nuôi này có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết.


Vì Sao Cá Chết Hàng Loạt Ở Vịnh Mân Quang? Vì Sao Cá Chết Hàng Loạt Ở Vịnh… Ngành Chăn Nuôi Đang Dần Hồi Phục Ngành Chăn Nuôi Đang Dần Hồi Phục