Hợp tác xã trồng nấm theo quy trình VietGAP tại Đà Nẵng
Với tổng diện tích trồng nấm là 8.600m2, mỗi ngày, hợp tác xã đưa ra thị trường 150kg nấm chế biến sẵn và hỗ trợ tiêu thụ cho bà con 200-300kg nấm tươi.
Năm 1987, khi nhận thấy nấm là cây trồng có thể mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều nông dân Đà Nẵng đã cùng nhau thành lập câu lạc bộ sản xuất nấm Thanh Khê với 6 thành viên tham gia. Năm 2010, theo xu hướng sản xuất hàng hóa sạch, câu lạc bộ nấm Thanh Khê đổi tên thành hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Kim Thanh, là cầu nối giúp bà con trồng nấm có đầu ra ổn định.
Sản phẩm chủ lực thời điểm đó của hợp tác xã là nấm bào ngư, chủ yếu được tiêu thụ tươi, thời gian bảo quản ngắn. Do vậy, nông dân vẫn gặp khó vào những đợt thu hoạch đồng loạt.
Sản phẩm nấm bào ngư khô của hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Kim Thanh. Ảnh: Bizmedia.
Xác định nguồn giống và quy trình sản xuất sạch là cơ sở để mở rộng thị trường, ông Huỳnh Văn Mười - Giám đốc hợp tác xã cho biết, hợp tác xã đã liên hệ với trung tâm công nghệ sinh học Đà Nẵng, Đại học nông lâm Đồng Nai để có nguồn giống chất lượng. Bên cạnh đó, các thành viên cũng được hướng dẫn trồng thêm nhiều loại nấm ăn như đông cô, mộc nhĩ và linh chi dược liệu theo quy trình VietGAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Thời gian đầu, các thành viên gặp khó khăn bởi nhu cầu tiêu thụ nấm tươi thường chỉ vào ngày rằm, đầu tháng hoặc dịp lễ Tết. Bà con đã thử phương án làm nấm bào ngư sấy nhưng kết quả vẫn không khả quan hơn.
Không nản lòng, ông Mười cùng bà con thử chế biến nấm thành các sản phẩm ăn sẵn như bào ngư rim, nấm muối, mứt nấm, nước mắm từ nấm, nấm rơm hấp, nấm linh chi xay bột, rượu nấm linh chi… Từ nguồn nguyên liệu sạch tự sản xuất, nấm bào ngư sau khi rim chín, nêm gia vị vừa ăn có thể đóng hộp; mứt nấm được làm từ nấm thêm đường. Nước mắm từ nấm được chưng cất như nước mắm từ cá cơm nhưng quy trình kỳ công hơn…
Các món nấm chế biến sẵn sau khi được giới thiệu dùng thử trên thị trường cho kết quả khả quan. Do đó, hợp tác xã mạnh dạn đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị trong thành phố.
Mô hình trồng nấm của anh Trần Ngọc Long, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng - một thành viên hợp tác xã. Ảnh: Bizmedia.
Bên cạnh nấm bào ngư, hợp tác xã còn phát triển các sản phẩm rau củ quả và thủ công mỹ nghệ, tư vấn chuyển giao phương pháp sản xuất nấm, đào tạo nghề cho cho hơn 270 hộ sản xuất nấm tại quận Thanh Khê, huyện Hòa Vang… Đến nay, các sản phẩm này phần lớn được Sở Y tế Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn sản xuất an toàn thực phẩm và Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Sau 6 năm từ ngày sản xuất, doanh thu của hợp tác xã tăng từ 100 triệu đồng lên gần 3 tỷ đồng và tăng 10-15% mỗi năm từ 2013 đến nay. Mô hình góp phần giải quyết việc làm cho hơn 15 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân đầu người là 3,5 triệu đồng mỗi tháng (năm 2016). Với tổng diện tích trồng nấm hiện nay là 8.600m2, mỗi ngày, hợp tác xã đưa ra thị trường 150kg nấm chế biến và hỗ trợ tiêu thụ cho bà con 200-300kg nấm tươi mỗi ngày.
Ông Mười cho biết, 3 yếu tố chính giúp hợp tác xã hoạt động hiệu quả là quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng; sự nhạy bén, tích cực tìm hướng đi mới và cách giao việc cho thành viên trên cơ sở khoán sản lượng và để mọi người phát huy sức sáng tạo trong sản xuất.
Hợp tác xã cũng có quy chế rõ ràng để kiểm tra ngẫu nhiên về chất lượng sản phẩm tại các cơ sở thành viên, kiểm tra 6 tháng một lần với quy trình sản xuất VietGAP. Theo ông Mười, trong năm 2017, hợp tác xã dự định tăng diện tích sản xuất thêm 5.000m2 và mở rộng thị trường ra các địa phương lân cận.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao