Hướng dẫn kỹ thuật che phủ nilon chống rét cho mạ xuân
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, vụ Xuân năm 2019 sẽ xuất hiện các đợt rét đậm rét hại tập trung trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2, rét hại có khả năng kéo dài từ 4 - 7 ngày, như vậy rét muộn sẽ trùng với thời gian gieo mạ xuân muộn và cấy sớm.
Trong những ngày rét đậm, rét hại nếu che được nilon, nhiệt độ bên trong luống mạ sẽ luôn cao hơn nhiệt độ bên ngoài khoảng 3-4 độ C, giúp cho cây mạ có điều kiện thuận lợi để sinh trưởng.
Sở Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn kỹ thuật che phủ nilon cho mạ vụ Xuân 2019 như sau:
1/ Chuẩn bị nguyên vật liệu làm vòm
- Tre, nứa vật vót mỏng, hoặc dây thép phi 6-8 làm khung vòm che
- Nilon màu trắng, mỏng, dai, không bị rách thủng, không sử dụng nilon màu sẽ làm cho mạ thiếu ánh sáng, sinh trưởng kém, dễ bị nấm bệnh hại.
2/ Kỹ thuật làm vòm nilon
Dùng dây thép phi 6-8 hoặc thanh tre, nứa cật vót mỏng có chiều rộng từ 2cm, dài 2 - 2,2m đủ làm khung cho luống mạ rộng 1,2m, cao 0,4 - 0,7m, cứ 1,5 - 1,7m chiều dài luống cắm 1 thanh làm vòm khung. Sau đó, lấy 1 thanh tre hoặc dây thép dài buộc liên kết các vòm ở phần đỉnh, hai bên hông khung được buộc liên kết bằng thanh dài hoặc nối dây mềm làm toàn bộ khung có kết cấu vững chắc, gặp gió bấc mạnh cũng không bị gẫy đổ.
Dùng nilon màu trắng, mỏng, dai, không bị rách thủng trùm kín luống mạ trên khung vòm; Nilon được kéo lợp kín cả hai đầu vòm, hai bên mép nilon được đè chèn bằng bùn ở hai bên rãnh luống tạo thành một buồng kín trong vòng 1 tuần đầu.
Trong thời gian che nilon cho mạ, nếu gặp trời nồm, nhiệt độ ngoài trời tăng đột ngột trên 250C, cần phải mở hai đầu nilon vào ban ngày để thoát hơi nước, tránh cho mạ bị cháy xém do nhiệt độ tăng cao đột ngột, nếu đêm giá lạnh lại tiếp tục đậy nilon lại. Luôn giữ ẩm trên bề mặt luống để cây mạ khỏe, trẻ và ra nhiều ngạnh trê. Trước khi cấy 2 - 3 ngày nên mở dần nilon để cho mạ làm quen với nhiệt độ môi trường bên ngoài, hạn chế mạ bị sốc nhiệt khi đem ra cấy.
Những lưu ý khi che nilon không đúng cách:
- Nếu che nilon không đúng cách như dùng nilon màu, làm cho cây mạ thiếu ánh sáng, sinh trưởng kém,…; mạ yếu dễ bị nấm bệnh gây hại. Che nilon rách, thủng sẽ thoát nhiệt bên trong luống mạ ra môi trường bên ngoài, làm cân bằng nhiệt độ trong và ngoài nilon, không có tác dụng chống rét cho mạ.
- Nếu che nilon dạng "bệt" như trải chiếu trên bề mặt luống mạ, gặp rét đậm, rét hại đọng sương trên bề mặt nilon bị trũng, nước sương giá lạnh sẽ làm mạ bị héo chết loang lổ, lá mạ sinh trưởng lướt, yếu. Khi trời ấm, nhiệt độ ngoài trời trên 250C, ngọn lá mạ sẽ bị cháy vàng úa do nhiệt độ tăng cao đột ngột.
Áp dụng kỹ thuật ngâm ủ hạt giống, gieo, chăm sóc và bảo vệ mạ đúng cách sẽ đảm bảo có đủ mạ chất lượng tốt, đảm bảo cấy được trong khung thời vụ tốt nhất và cơ cấu giống theo đúng kế hoạch là tiền đề để sản xuất vụ Xuân 2019 thắng lợi.
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao