Tin thủy sản Hướng dẫn sử dụng men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản (Phần 1)

Hướng dẫn sử dụng men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản (Phần 1)

Author TS Vũ Dũng Tiến, publish date Monday. October 7th, 2019

Hướng dẫn sử dụng men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản (Phần 1)

Trong nuôi trồng thủy sản, để giảm thiểu những bất lợi do sử dụng hóa chất và để xử lý chất hữu cơ dư thừa trong môi trường, việc sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng bệnh cho vật nuôi và cải thiện môi trường là ưu tiên hàng đầu.

Khái quát về chế phẩm sinh học

“Chế phẩm sinh học là các sản phẩm có nguồn gốc sinh vật, kể cả vi sinh vật, các thực liệu lấy từ nấm, vi trùng, virus và các nguyên sinh, độc tố, nọc độc từ nguồn động vật hoặc thực vật gây hại cho động vật để chẩn đoán, phòng bệnh, chữa bệnh cho thủy sản nuôi trồng và xử lý môi trường nước nuôi trồng thủy sản”. Tuy nhiên, để phù hợp với sự phát triển, cần hiểu “nguồn gốc sinh vật” trong định nghĩa trên không bao gồm sinh vật biến đổi gen. 

Thành phần chính của chế phẩm sinh học gồm: vi sinh vật có lợi, axit amin/protein, vitamin, khoáng chất, dinh dưỡng vi lượng.

 Một chế phẩm sinh học tốt cần phải đáp ứng các yêu cầu sau: (1) là sản phẩm sống hoặc duy trì hoạt tính ở quy mô kỹ nghệ; (2) không mang mầm bệnh và độc tố; (3) tạo ra tác dụng có lợi trên vật chủ; (4) có khả năng tồn tại và phát triển trong môi trường ruột của vật chủ hoặc trong môi trường ao nuôi; (5) duy trì tính ổn định để sử dụng được sau một thời gian tương đối lâu trong điều kiện bảo quản thông thường và điều kiện ngoài hiện trường.

 Các nhóm chế phẩm sinh học

Nhóm chế phẩm sinh học có tên chung là probiotic

Trong nuôi trồng thủy sản, hầu hết những sinh vật có lợi thuộc các nhóm vi khuẩn axít lactic, các giống Bacillus, Actinomycetes, Nitrobacteria… được sử dụng trong các bể ương nuôi, trong ao để hạn chế sự nhiễm bệnh của vật nuôi do các vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, một số thành phần khác cũng được tìm thấy trong probiotic là tập hợp các enzyme có nguồn gốc vi sinh vật như amylase, protease, lipase, cellulase, chitinase, một số vitamin thiết yếu và chất khoáng. Ngoài vi khuẩn có lợi, trong các chế phẩm sinh học giúp xử lý nước và nền đáy ao thường được bổ sung thêm các chủng nấm sợi và xạ khuẩn (thuộc nhóm Aspergillus, Streptomyses...).

Vi khuẩn axít lactic và một số nhóm vi khuẩn khác có khả năng tiết ra chất ức chế các vi khuẩn gây bệnh trong môi trường nước như Aeromonas hydrophila và Vibrio parahaemolyticus.

Một số vi khuẩn hữu ích có thể kích thích hoặc ức chế sự phát triển của tảo. Những vi khuẩn có lợi trong nước sẽ loại trừ nhanh NH3, H2S, vật chất hữu cơ có hại. Ngoài ra, chúng còn có thể cân bằng pH trong ao nuôi.

Nhóm chế phẩm sinh học có tên chung là prebiotic

Prebiotic là các loại chất bổ sung vào thức ăn giúp cho việc cân bằng hệ vi sinh đường ruột, kích thích tăng trưởng, hỗ trợ hệ thống miễn dịch cho vật nuôi, hoặc bổ sung vào nước ao nuôi giúp làm sạch môi trường (làm thức ăn cho các vi khuẩn có lợi sinh sôi và gia tăng quân số). 

Các nhóm vi khuẩn chủ yếu có trong chế phẩm sinh học

  - Bacillus là tên của một chi gồm các vi khuẩn hình que, gram dương, thuộc về họ Bacillaceae, thường được gọi là “trực khuẩn”. Trực khuẩn có ở mọi nơi trong tự nhiên và khi điều kiện sống bất lợi, chúng có khả năng tạo ra bào tử gần như hình cầu để tồn tại ở trạng thái “ngủ” trong thời gian dài. Chi này có rất nhiều loài, trong đó đa số là vô hại, nhiều loài là vi khuẩn có lợi. Nhiều loài vi khuẩn trong chi này như: B. subtilis, B. licheniformis, B. megaterium, B. mesentericus… đã được ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản để cải thiện sức khỏe, tăng cường các phản ứng miễn dịch của vật nuôi và cải thiện môi trường. Đặc tính nổi trội của vi khuẩn này là khả năng sinh các enzyme phân hủy hợp chất hữu cơ và kiểm soát sự phát triển quá mức của vi sinh vật gây bệnh (nhóm vi khuẩn Vibrio có hại) giữ cho môi trường luôn ở trạng thái cân bằng. Có thể đưa các vi khuẩn này vào ao hoặc trộn vào thức ăn cho thủy sản nuôi. Nhóm này có khả năng chịu nhiệt cao, thuận lợi trong quá trình chế biến thức ăn viên.

Những ứng dụng chính của vi khuẩn Bacillus gồm: cải thiện sức khỏe vật nuôi, cải thiện môi trường nuôi và ức chế tác nhân gây bệnh trong môi trường nuôi. 

- Lactobacillus là những vi khuẩn gram dương, tạo acid lactic, tạo thành một phần chính của vi khuẩn đường ruột thông thường. Lactobacillus spp. là nhóm vi khuẩn yếm khí tuỳ nghi, có khả năng phân giải bột đường thành axít hữu cơ (trong 1 giờ có thể phân giải một lượng đường lactozơ nặng gấp 1.000 - 10.000 lần khối lượng của chúng). Những vi khuẩn “thân thiện” này đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh sự kháng lại những sinh vật ngoại sinh nhất là sinh vật mang mầm bệnh. Nhóm này còn có ích trong việc sản xuất giống thủy sản vì chúng có tác dụng hiệu quả trong sản xuất thức ăn sống và nuôi ấu trùng làm thức ăn cho tôm, cá giống. Vi khuẩn Lactobacillus nhạy cảm với nhiệt độ cao.

- NitrosomonasNitrobacter là các vi khuẩn giúp biển đổi các khí độc NH3 thành sản phẩm ít độc NO3 qua quá trình nitrat hóa: vi khuẩn Nitrosomonas ôxy hóa ammonia thành nitrit, còn Nitrobacter ôxy hóa nitrit thành nitrat, vì thế, chúng có vai trò rất quan trọng trong nuôi trồng thủy sản. Các nhóm vi khuẩn này là vi khuẩn hiếu khí, vì thế khi sử dụng sẽ tiêu hao nhiều ôxy trong ao, do đó cần cung cấp đủ ôxy để đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi và tăng hiệu quả hoạt động của chúng.

- Nấm men là các loài nấm đơn bào. Loài men được sử dụng phổ biến nhất là Saccharomyces cerevisiae. Nấm men có thể bám và phát triển tốt trên thành ruột, chịu được nhiệt độ cao trong công nghệ ép viên thức ăn, thích hợp với phương pháp sử dụng trộn vào thức ăn. Nấm men có vai trò quan trọng trong quá trình lên men các loại đường và làm cân bằng vi khuẩn đường ruột, nhờ vậy có lợi cho sức khỏe động vật. 

- Nhóm vi khuẩn Vibrio: Chi Vibrio có rất nhiều loài, trong đó có những loài có lợi cho môi trường, vô hại đối với vật nuôi, nhưng cũng có những loài là vi khuẩn gây bệnh phổ biến cho động vật thủy sản. Sử dụng chế phẩm sinh học chứa các loài vi khuẩn thuộc giống Vibrio có lợi nhằm cạnh tranh về số lượng với các loài Vibrio gây bệnh, hạn chế hoặc triệt tiêu cơ hội gây bệnh của các loài vi khuẩn gây bệnh hiện có trong ao. 

Dạng sản phẩm của chế phẩm sinh học

Về bản chất sinh học, sản phẩm có 2 dạng: 

+ Dạng probotic là các loài vi khuẩn ở dạng sống tiềm sinh. Khi đưa chế phẩm sinh học vào môi trường nước ao, gặp điều kiện thuận lợi, các vi sinh vật có lợi sẽ sinh sôi và phát triển rất nhanh.

+ Dạng prebiotic là các loại chất bổ sung vào thức ăn hay môi trường ao nuôi. Dạng sản phẩm thương mại: chế phẩm sinh học được sản xuất dưới dạng viên, dạng bột và dạng nước.


Hướng dẫn sử dụng men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản (Phần 2) Hướng dẫn sử dụng men vi sinh trong… Hiệu quả chuỗi liên kết tiêu thụ cá ngừ Hiệu quả chuỗi liên kết tiêu thụ cá…