Mô hình kinh tế Hướng Đi Mới Cho Tiêu Tiên Phước (Quảng Nam)

Hướng Đi Mới Cho Tiêu Tiên Phước (Quảng Nam)

Publish date Saturday. November 16th, 2013

Hướng Đi Mới Cho Tiêu Tiên Phước (Quảng Nam)

Gần đây, Sở KH-CN triển khai nhiều mô hình, dự án nhằm khôi phục thương hiệu, tìm hướng đi bền vững cho cây tiêu và sản phẩm tiêu Tiên Phước (Quảng Nam) trên thị trường.

Khôi phục thương hiệu

Một thời gian dài, những vườn tiêu ở các xã Tiên Lộc, Tiên Thọ, Tiên Cảnh (Tiên Phước) rơi vào cảnh tiêu điều, xác xơ bởi nhiều loại dịch bệnh tấn công. Cùng với huyện Tiên Phước, ngành nông nghiệp tỉnh, Sở KH-CN cũng có một số đề tài nghiên cứu cải thiện chất lượng nguồn giống và kiểm soát, điều trị dịch bệnh trên cây hồ tiêu. Đề tài “Ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch tại Quảng Nam” triển khai tại Tiên Phước đã góp phần vào việc khôi phục lại vườn tiêu trên địa bàn huyện. Trước kia, do thói quen canh tác theo kiểu truyền thống, người dân không có thói quen bón phân cho cây, khiến cây nhanh thoái hóa, dễ bị sâu bệnh gây hại, chất lượng và năng suất thấp. Gần 3 năm nay, việc sử dụng phân vi sinh được sản xuất từ chế phẩm FMF bón cho cây tiêu có hiệu quả rõ rệt. Cây ít có hiện tượng úng rễ, thối thân, không phát sinh nấm bệnh gây chết cây; cành lá và chồi nhiều hơn; hạt to, mẫy, năng suất cao hơn.

Nhằm từng bước khôi phục thương hiệu sản phẩm, Sở KH-CN tổ chức hội thảo “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Tiên Phước cho sản phẩm tiêu”, thu hút sự hưởng ứng của chính quyền và đông đảo người dân huyện Tiên Phước. Bà Hà Thị Ánh Tuyết - Phó phòng Quản lý sở hữu trí tuệ & an toàn bức xạ (Sở KH-CN) cho biết, năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã cấp giấy chứng nhận cho Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất chế biến nông - lâm Cẩm Hà về nhãn hiệu tập thể tiêu Tiên Phước. Nhưng đến nay nhãn hiệu này dường như chưa được chủ sở hữu phát huy, phát triển sản phẩm trên thị trường và có nguy cơ chìm vào quên lãng. Về sản lượng, do bị thu hẹp diện tích trong thời gian dài nên sản phẩm tiêu Tiên Phước còn lại rất ít, không đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thương hiệu đã có, song chỉ phổ biến trên địa bàn tỉnh, không được nhiều nơi biết tới. Cũng theo bà Tuyết, theo công nhận của Cục SHTT, những hộ được công nhận chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể sẽ được phép gắn nhãn hiệu “Tiêu Tiên Phước” với dòng chữ màu đen, in đậm trên bao bì sản phẩm khi bán ra thị trường. Và chắc chắn, nguồn giống phải đúng là giống tiêu gốc Tiên Phước, không thể là giống trôi nổi được trồng ở Tiên Phước. Hội thảo cũng tạo điều kiện để mở rộng đối tượng đăng ký sở hữu nhãn hiệu tập thể.

Nâng chất lượng sản phẩm

Đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất và chế biến tiêu theo hướng bền vững tại huyện Tiên Phước” được Sở KH-CN triển khai giai đoạn 2012-2015 đã mở ra triển vọng mới cho cây tiêu và sản phẩm tiêu trên thị trường. Theo đó, đề tài sẽ xây dựng vườn ươm, chọn 170 cây mẹ thuộc giống tiêu gốc Tiên Phước sạch bệnh để tiến hành nhân giống bằng kỹ thuật giâm hom tạo cây đầu dòng. Trước nhu cầu về nguồn giống rất lớn trên địa bàn huyện, vườn ươm tạo cây đầu dòng sẽ phục vụ nhu cầu sản xuất cây giống sạch bệnh tại địa phương. Đề tài cũng lựa chọn những hộ nông dân có đất trồng tiêu hỗ trợ cây giống để bà con trồng thí điểm trên diện tích 1,5ha. Quy trình bảo vệ thực vật cho cây hồ tiêu cũng được chuyển giao đến nông dân, người trồng được hỗ trợ kỹ thuật sản xuất thâm canh cây hồ tiêu đủ tiêu chuẩn, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm tiêu Tiên Phước, Sở KH-CN đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến tiêu đen thành tiêu sọ. Thêm vào đó cũng khuyến khích các hộ nông dân đầu tư công nghệ nhằm tăng đầu ra cho sản phẩm, chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ. Được biết, hệ thống tinh chế sẽ trải qua các bước: hệ thống ngâm ủ bằng cách sử dụng vi sinh vật có khả năng sinh tổng hợp pectinase, cenllulose loại bỏ vỏ. Tiêu sau khi loại bỏ vỏ sẽ đi qua hệ thống máy chà rửa, máy ly tâm (làm khô sơ bộ hạt tiêu), máy sấy (sấy khô hoàn toàn), máy sàng phân loại, máy đóng bao bì. Quy trình này sẽ nâng bậc cho chất lượng sản phẩm tiêu Tiên Phước trên thị trường. Ông Phan Văn Phu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH-CN, chủ nhiệm dự án cho biết, đề tài nhằm hướng tới xây dựng mô hình thâm canh cây hồ tiêu sạch bệnh góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn giống, khôi phục lại thương hiệu cũng như giá trị của sản phẩm hồ tiêu. Cùng với chủ trương khôi phục nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm tiêu, việc đầu tư công nghệ trong tinh chế, tạo sản phẩm tiêu sọ cũng là cách quảng bá, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Cây tiêu xưa nay vốn là “thương hiệu” của vùng sông Tiên nhưng đang đứng trước thực tế lai tạp với giống Ấn Độ. Xác định tầm quan trọng của nguồn gen gốc, Quảng Nam đã đưa cây tiêu Tiên Phước vào đề án Khung và danh mục các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 (theo Quyết định số 3277/QĐ-UBND). Theo đó, các khu vực trồng tiêu chuyên canh, các vườn tạo cây đầu dòng sẽ được triển khai tại Tiên Phước nhằm sản xuất cây giống sạch bệnh hỗ trợ cho người dân trong vùng.


Cần Nâng Tầm Sản Xuất Của Người Trồng Cao Su Cần Nâng Tầm Sản Xuất Của Người Trồng… Ninh Bình Khuyến Khích Phát Triển Nấm Rơm Trái Vụ Ninh Bình Khuyến Khích Phát Triển Nấm Rơm…