Ít đất vẫn thu tiền tỷ
1.000m2 cho thu lãi 2 tỷ đồng/năm
Thực hiện chủ trương của tỉnh, những năm gần đây nhiều hộ nông dân ở tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực áp dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp.
Nhờ đó nhiều hộ có thu nhập rất cao. Đơn cử như mô hình trang trại tổng hợp (trồng cao su, bưởi, trồng rừng, nuôi cá) của ông Đoàn Minh Chiến ở huyện Bắc Tân Uyên, doanh thu mỗi năm trên 2 tỷ đồng, lời khoảng 500 triệu đồng.
Hay mô hình nuôi cá cảnh của ông Võ Tuấn Kiệt (SN 1959, ngụ phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) - chủ trại cá cảnh Tuấn Tú, mặc dù chỉ có 1.000m2 đất nhưng mỗi năm thu lãi tới 2 tỷ đồng.
Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trại cá cảnh của ông Võ Tuấn Kiệt cho doanh thu 4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lời 2 tỷ đồng/năm.
Trò chuyện với phóng viên, ông Kiệt cho biết vừa được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích áp dụng CNC trong sản xuất.
Ông Kiệt kể: “Gia đình tôi chỉ có 1.000m2 đất, trước kia không thể trồng được bất cứ cây gì nên tôi đào ao nuôi ba ba.
Được một thời gian, ba ba xuống giá mạnh quá nên tôi quyết định chuyển sang nuôi cá cảnh.
Lúc đầu chỉ nuôi theo kinh nghiệm nên thất bại thường xuyên, 2 năm đầu tỷ lệ cá sống chỉ khoảng 5%”.
Thấy ông Kiệt nuôi cá cứ thất bát hoài, nhiều người “rỉ tai” ông bảo muốn thành công phải áp dụng khoa học, không thể dựa vào kinh nghiệm.
Vì vậy ông đã đầu tư máy sục khí để xử lý nồng độ pH, mua máy ôxy nhằm tạo ôxy trong bể nước, rồi mua tủ đông đựng thức ăn cho cá, hệ thống bơm nước được số hóa theo giờ, dùng đúng thuốc để chữa các bệnh thường gặp ở cá cảnh như nấm, đường ruột...
“Từ khi áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, tỷ lệ cá sống tôi nuôi đạt tới 90%, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 24.000 con cá dĩa các loại với giá từ 150.000 – 200.000 đồng/con.
Doanh thu của trại cá gần 4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 2 tỷ đồng/năm” - ông Kiệt tự hào cho hay.
Quy hoạch các vùng nông nghiệp CNC
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X đề ra nhiệm vụ chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp để đạt mục tiêu giá trị sản xuất khoảng 80-100 triệu đồng/ha/năm vào năm 2020, riêng nông nghiệp CNC bình quân đạt 150-200 triệu đồng/ha/năm.
Đồng thời phát triển các khu nông nghiệp CNC, các vùng nông nghiệp đô thị và cây ăn quả đặc sản ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn gắn với du lịch sinh thái.
Tất nhiên, vốn đầu tư máy móc, kỹ thuật CNC vào sản xuất nông nghiệp không phải nhỏ.
Theo ông Võ Tuấn Kiệt, trại cá của ông diện tích tuy nhỏ nhưng vốn đầu tư cũng lên tới 1 tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Liêm - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, do vốn đầu tư ban đầu cho mô hình sản xuất nông nghiệp CNC còn cao nên người dân chưa áp dụng rộng rãi.
Hiện tỉnh đã quy hoạch 4 khu nông nghiệp CNC với tổng diện tích 980ha, tập trung ở các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên.
Trong đó, một số mô hình triển khai rất hiệu quả như: Trồng dưa lưới trong nhà kính cho doanh thu đến 3 tỷ đồng/ha/năm; trồng chuối già hương cho doanh thu 400 triệu đồng/ha/năm...
Đặc biệt là sản phẩm chuối già hương đã có mặt tại một số siêu thị và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Malaysia, Nhật, Trung Đông.
Cùng với áp dụng CNC vào trồng trọt, Bình Dương còn có 172 trang trại chăn nuôi hiện đại.
Hầu hết các trang trại này đều đầu tư hệ thống chuồng lạnh tập trung, sử dụng thiết bị tự động, con giống đạt chuẩn nên lợi nhuận khá cao.
“Hiện tỉnh đang chỉ đạo rà soát quy hoạch ngành nông nghiệp và xây dựng danh mục lĩnh vực ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Do đó chúng tôi đặt ra mục tiêu giai đoạn 2016-2020, mỗi ha áp dụng nông nghiệp CNC cho giá trị bình quân khoảng 200 triệu đồng” - ông Liêm nhấn mạnh.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao