Kêu Cứu Từ Những Vùng Nuôi Tôm
Publish date Saturday. May 26th, 2012
Mùa này về những vùng nuôi tôm ven biển Trà Vinh, dễ dàng thấy tôm sú, tôm thẻ yếu ớt đeo bám đầy các bẹ dừa nước ven sông và đeo thành chùm quanh các cọc căng miệng đáy.
Hình ảnh đó không phải thể hiện nguồn lợi tự nhiên sinh sôi, phát triển mạnh mà ngược lại, đó là do tôm chết thành dịch, vô phương cứu chữa, nên người nuôi phải xổ bỏ ra ngoài kinh rạch. Nguy cơ lây lan càng chồng chất! Tới thời điểm hiện tại, 67% diện tích tôm nuôi công nghiệp ở Trà Vinh trong tổng số gần 2.600 ha đã thả giống phải xổ bỏ vì dịch bệnh.
Cần nhưng chưa đủ
Tiếng kêu cứu từ người nuôi tôm đã đến với các viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản, trường đại học… từ khoảng nửa năm nay. Tuy nhiên, hội nghị báo cáo kết quả khảo sát, nghiên cứu về tình hình tôm nuôi bị dịch bệnh và chết hàng loạt vừa tổ chức tại tỉnh Trà Vinh chưa thật sự làm thoả mãn người nuôi.
Kết quả phân tích của viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2 cho thấy, thuốc diệt giáp xác cypermethrin (nguồn gốc là thuộc bảo vệ thực vật, được sử dụng trong xử lý môi trường ao nuôi) là một trong những nguyên nhân gây bệnh hội chứng hoại tử gan tuỵ - còn gọi là hội chứng chết sớm. Phân tích của khoa Thuỷ sản đại học Cần Thơ còn lưu ý nguyên nhân nhiễm khuẩn thể hiện trên các mẫu bệnh phẩm.
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 3 cũng có kết quả 100% mẫu nghiên cứu đều bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, theo cơ quan này, nếu chỉ nhiễm khuẩn thôi sẽ không làm tôm chết nhanh như vậy.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, viện trưởng viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2 cho rằng: “Tôm nuôi nhiễm khuẩn là loại bệnh đã nhận ra được từ năm 2007, nhưng diễn biến bệnh chậm, người nuôi vẫn thu hoạch được nên ít người quan tâm tới.” Thực tế, từ vụ tôm đầu năm 2011 tới nay tôm giống thả trong vòng một tuần tuổi đã bắt đầu chết. Theo TS. Hảo, thuốc diệt giáp xác (cypermethrin) rất độc. Thái Lan đã cấm sử dụng từ 20 năm qua nhưng Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực còn sử dụng chất này. TS. Hảo xác định: “Tôm nuôi bị hoại tử vì môi trường nước nuôi có dư lượng chất này.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Phong bức xúc: “Tỉnh Trà Vinh đã có những phản ứng ngay từ lúc vùng tôm Mỹ Long Nam mới xảy ra dịch tại 15% diện tích, nhưng bệnh tình ngày càng nặng hơn. Tới thời điểm này 67% diện tích tôm nuôi theo mô hình công nghiệp ở Trà Vinh đã chết sạch, mức thiệt hại ban đầu ước tính trên 800 tỉ đồng”.
Tuy nhiên, việc mất đi khoảng 15.000 tấn tôm nguyên liệu mới là điều hết sức xót xa. “Cái mà người nuôi tôm nói chung và vùng tôm Trà Vinh nói riêng cần trong lúc này là: định bệnh, biện pháp xử lý vùng nuôi và quy trình nuôi phù hợp, chứ để người nuôi nóng ruột lại xử lý ao theo nhiều cách khác nhau, thả giống xuống lại chết tiếp”. ông Phong phân trần.
Trách nhiệm bỏ lửng, lối thoát mù xa
TS. Hảo trấn an: “Tôm chết thành dịch ở Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai, Trung Quốc… có biểu hiện rất giống nhau, nhưng Thái Lan đã khắc phục được bởi nguyên nhân bắt đầu từ tôm giống”. Hiện tại, viện Nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ sản 2 đang tổ chức mô hình nuôi thực nghiệm để tìm biện pháp khắc phục hiện tượng tôm chết.
Theo TS. Hảo, ở Kiên Giang, nhiều nông trại cũng bị thiệt hại rất nặng, kết quả xét nghiệm trên mẫu bệnh cũng rất giống với Sóc Trăng, Bạc Liêu… Hiện tại, các vùng nuôi tôm toàn vùng ĐBSCL đang chới với vì con tôm. Tại Bạc Liêu, đến hạ tuần tháng 5 đã xuống giống khoảng 50% diện tích trong tổng số hơn 5.000 ha tôm nuôi theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp, trong đó có khoảng 600 ha tôm thẻ. Cùng thời điểm này cũng đã có khoảng 16% diện tích tôm sú bị hư hại hoàn toàn, 45% diện tích tôm thẻ cũng đồng cảnh ngộ.
Ông Huỳnh Quốc Khởi, phó giám đốc trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Bạc Liêu đặt vấn đề: “Nếu xác định cypermethrin là ‘thủ phạm’ sao những vùng nuôi xử lý ao bằng chlorine tỷ lệ tôm chết vẫn tương đương?” Cũng theo ông Khởi, nếu Cypermethrin là độc chất nhưng vẫn được lưu hành và sử dụng rộng rải, nay xác định chính độc dược này là tác nhân gây hại thì trách nhiệm này thuộc về ai và ai sẽ hỗ trợ (nói đúng hơn là bồi thường) thiệt hại cho người nuôi tôm? Chưa có câu trả lời.
Điều trăn trở nhất tại các vùng nuôi đã bị chết giống đầu vụ hiện nay vẫn là: có thể nuôi tôm thẻ thay tôm sú (vì thời gian nuôi ngắn)? nuôi tôm càng xanh hay cua…? TS. Hảo khẳng định. “Tất cả vẫn cùng họ giáp xác với nhau nên thả nuôi tôm thẻ trong môi trường này vẫn tiếp tục chết, tôm càng xanh hay cua chỉ có thể nuôi trong vụ phụ (sau vụ tôm đầu).”
Thất vọng khi “bệnh nhân” rước thật đông “bác sĩ” tới nhà định bệnh và chờ kết quả thử nghiệm thuốc nên chưa thể ra toa thuốc cho bệnh nhân. Chỉ còn con đường “UBND tỉnh Trà Vinh sẽ có văn bản kiến nghị trực tiếp kính đến bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với hy vọng bộ chủ quản nghề nuôi tôm này làm tổng chỉ huy để huy động mạnh mẽ hơn nữa các viện, trường tham gia việc nghiên cứu định bệnh, cách phòng trị và định hướng cho nghề nuôi tôm, ngành kinh tế chủ lực của các tỉnh ven biển ĐBSCL và đặc biệt là tỉnh nghèo Trà Vinh…” ông Nguyễn Văn Phong, phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nói như vậy.
Related news
Tools
Feed Balancer
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Hydroponics Calculator
Pha dung dịch thủy canh
Feeding Calculator
Định mức cho tôm ăn
NPK Calculator
Phối trộn phân bón NPK
Survival Calculator
Xác định tỷ lệ tôm sống
Fertilizers Converter
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Aeration Calculator
Xác định công suất sục khí
Shrimp Converter
Chuyển đổi đơn vị tôm
Greenhouse Calculator
Tính diện tích nhà kính
Pond Calculator
Tính thể tích ao