Tin nông nghiệp Khấm khá nhờ nuôi bò sữa

Khấm khá nhờ nuôi bò sữa

Author Hoàng Gia, publish date Tuesday. October 17th, 2017

Khấm khá nhờ nuôi bò sữa

Hơn 50 hộ nuôi bò sữa ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ hiện có đời sống khấm khá nhờ nuôi bò đúng kỹ thuật, nguồn sữa được các công ty sữa bao tiêu, có đầu ra ổn định.

Nuôi bò sữa đã giúp hàng chục hộ dân tại phường Long Hòa trở nên khá giả

Trong số những người nuôi bò sữa khá giả ở phường Long Hòa phải kể đến ông Võ Thanh Cần (67 tuổi). Ông không chỉ là người tiên phong trong phong trào đưa vật nuôi mới này về địa phương mà còn là mô hình mẫu để bà con đến tham quan học tập. Theo ông Cần, khoảng năm 1999, cuộc sống gia đình ông chủ yếu nhờ vào mảnh vườn tạp sau nhà. Qua báo chí, ông thấy nhiều người làm giàu bằng việc nuôi bò sữa, lấy tất cả tiền dành dụm mua 2 con bò giống về nuôi. Sau đó, gia đình ông tiếp tục dành dụm đầu tư mua mỗi lần một vài con bò giống để tăng đàn. Đến nay, ông Cần đã có hơn 30 con bò cho sữa, với giá sữa bò tươi hiện nay là 14.000 đồng/lít, sau khi trừ chi phí, ông Cần thu về hơn 30 triệu đồng/tháng. 

Ông Cần kể: “Ngày nào cũng có người đến tham quan chuồng bò của tôi và học hỏi kỹ thuật nuôi bò. Tiếp bước thành công này, bốn người con của ông Cần đều nối nghiệp cha nuôi bò sữa. Điển hình như vợ chồng chị Võ Ngọc Tuyền và anh Nguyễn Thanh Điền, trước đây buôn bán nhỏ, cuộc sống thiếu thốn, nhưng từ khi được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ con giống, gia đình chị Tuyền anh Điền nuôi được 4 con bò sữa, cho thu nhập ổn định. Căn nhà tường gần 150 triệu đồng mà anh chị đang ở cũng nhờ nuôi bò sữa mà gây dựng được”.

Để việc chăn nuôi ngày một ổn định, năm 2004, người dân nơi đây bắt đầu hợp tác để làm ăn bằng cách thành lập Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Long Hòa do ông Cần làm giám đốc. Hợp tác xã này đã nhanh chóng trở thành điển hình của mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả tại địa phương. Từ 10 xã viên ban đầu, đến nay hợp tác xã có 29 xã viên, với tổng đàn bò hơn 300 con. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi mà các xã viên đều có thu nhập khá. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi còn tận dụng phân bò để ủ bón cho vườn cây ăn trái hoặc nuôi trùn quế giúp có thêm thu nhập. Đặc biệt, nhiều hộ chăn nuôi bò còn xây dựng hệ thống biogas cung cấp chất đốt vừa giảm chi phí sinh hoạt, vừa tránh ô nhiễm môi trường. 

Ông Võ Thanh Cần, giám đốc Hợp tác xã bò sữa Long Hòa, cho biết: Đến nay, trên địa bàn phường Long Hòa đã có hơn 50 hộ nuôi bò sữa, hộ ít thì 5 con, nhiều lên đến 60 con. Tất cả những hộ nuôi bò đều có cuộc sống ổn định, nhiều hộ xây được nhà tường khang trang.

Đến làng bò sữa Long Hòa mới thấy được không khí lao động của bà con nơi đây. Ngày 2 đợt vắt sữa, chuẩn bị thức ăn, tắm bò... Ông Lê Văn Tư, ở khu vực Bình Yên B cho biết: Hơn 10 năm trước ông chạy xe ôm, cuộc sống khá vất vả. Khi một số hộ trong vùng nuôi bò sữa cho thu nhập khá nên ông bắt đầu học theo. Lúc này nhờ có chương trình Heifer Việt Nam hỗ trợ 2 con bò ban đầu, sau đó ông Tư học thêm kỹ thuật để chăm sóc phát triển mà có đàn bò như hôm nay hơn 20 con, trong đó có 12 con đang cho sữa, cùng với mảnh đất rộng hơn 1 công đang là đồng cỏ xanh tốt. “Con bò đã giúp tôi cất được căn nhà, nuôi các con ăn học, mua thêm đất. Để chủ động nguồn thức ăn, tôi mướn thêm 4 công đất, rồi phá bỏ 1 công vườn để trồng cỏ cho bò ăn. Mỗi ngày từ đàn bò này, tôi lời khoảng 1,2 triệu đồng” - ông Tư nói.

Theo nhiều nông dân ở Long Hòa, bò sữa nuôi không khó, chỉ cần đảm bảo đủ thức ăn, phòng chống một số bệnh về da, móng và tiêu hóa là sẽ phát triển bình thường. Sản phẩm sữa, ngoài tiêu thụ ở các cơ sở đóng chai nhỏ lẻ, còn được bán cho nhà máy sữa tại Khu công nghiệp Trà Nóc - Cần Thơ, nên đầu ra rất yên tâm.


Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 17 – 23/10) Những dịch bệnh hại cần chú ý trong… Thu lợi trên 1,2 tỷ đồng/năm từ dịch vụ máy cấy lúa Thu lợi trên 1,2 tỷ đồng/năm từ dịch…