Mô hình kinh tế Khát Vọng Trên Đầm Vân Hội (Phú Thọ)

Khát Vọng Trên Đầm Vân Hội (Phú Thọ)

Publish date Thursday. October 30th, 2014

Khát Vọng Trên Đầm Vân Hội (Phú Thọ)

Chẳng biết từ bao giờ, nguồn nước từ ngọn nguồn khe suối chảy xuyên rừng, xuôi về làm nên đầm Vân Hội – xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ trong xanh.

Đầm rộng trên 400 ha với hàng chục đảo lớn, nhỏ. Trước đây, đầm Vân Hội là nơi cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho một số địa phương xung quanh, là tuyến đường thủy giữa vùng trung du và miền núi, tại đầm xây dựng một thủy điện nhỏ cung cấp ánh sáng cho nhân dân xã Hiền Lương.

Hiện nay, tuy không còn thủy điện, song đầm vẫn là nơi cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất, là tuyến giao thông đường thủy vận chuyển hàng hóa.

Do diện tích mặt nước rộng, không bị ô nhiễm, lại có nhiều vực sâu tới cả chục mét nên đầm Vân Hội có tiềm năng lớn về nghề nuôi cá lồng.

Là người đầu tiên đầu tư tới hơn 1 tỷ đồng nuôi cá lồng trên đầm Vân Hội, chàng trai trẻ Nguyễn Ngọc Minh 25 tuổi ở khu 7 xã Hiền lương đã có khoảng thời gian gần 10 năm lăn lộn ở khắp các bè cá trong Nam ngoài bắc làm thuê và học hỏi kinh nghiệm. Trở về vùng quê có lợi thế về nguồn nước nuôi thủy sản, Nguyễn Ngọc Minh bắt tay vào cải tạo 3ha mặt nước, đóng bè, mua cá giống về nuôi.

Từ những ngày đi làm thuê, Minh học hỏi, tích lũy kiến thức nuôi nhiều loại cá, dày công nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi, nắm bắt quy luật thời tiết để phòng tránh dịch bệnh, phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra nên anh mạnh dạn đầu tư nuôi 25 lồng cá, trong đó 9 lồng cá Diêu hồng 4 vạn con, 1 lồng cá Trắm đen 1.500 con, 15 lồng cá Lăng giống trên 15 vạn con, tiền đầu tư hết trên 1,2 tỷ đồng. Minh tâm sự: Gia đình khó khăn nên chỉ học tới lớp 6 tôi đã phải nghỉ học, 16 tuổi tôi rời quê, lặn lội đi nuôi cá thuê ở Hải Dương.

Năm 2006 nghề nuôi cá ở miền Nam phát triển mạnh, tôi lại vào tỉnh Hậu Giang để nuôi cá giống thuê và học hỏi cách mà người dân nơi đây nuôi cá. Gần 10 năm xa quê, khi đã có kinh nghiệm và tích lũy được nguồn vốn để có thể khởi nghiệp, đầu năm 2014 anh đã trở về quê hương thực hiện mơ ước làm giàu về con cá.

Mới làm cá, chưa thu hoạch nhưng dự kiến tổng thu vụ cá đầu đạt khoảng 30 tấn cá thương phẩm, chưa kể đến hàng chục vạn con cá lăng giống.

Trong niềm vui bởi vụ cá đầu tiên thực hiện khát vọng làm giàu trên quê hương thành quả đang đến sát tầm tay, anh Minh cho biết: Do diện tích đầm rộng, mực nước sâu, nguồn nước đảm bảo, các lồng cá thường xuyên được xử lý vệ sinh và môi trường xung quanh thông thoáng sạch sẽ, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên cá ít dịch bệnh, tỷ lệ chết ít, chi phí lồng, bè cao nhưng có thể tái sử dụng, lại rất ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, về kỹ thuật chăn nuôi và khả năng, tôi dự kiến sẽ phát triển thêm 25 lồng cá mới bởi tôi đã có nơi bao tiêu sản phẩm.

Tạo hóa đã hình thành nên đầm Vân Hội với nhiều loại sản vật tự nhiên, cùng với sự sáng tạo của con người, giờ đây đầm đang phát triển thêm nhiều loài cá quý. Hiện tại đầm mới chỉ có vài người đầu tư nuôi cá lồng, nếu mở rộng diện tích nuôi cá lồng, đầm Vân Hội không chỉ đáp ứng khát vọng làm giàu từ con cá cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của xã.

Mặt khác, điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái tại khu vực đầm còn rất phù hợp cho việc phát triển du lịch, nếu được đầu tư hợp lý chắc chắn đầm Vân Hội sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách.


Xuất Khẩu Chả Cá Và Surimi Sang Nga Tăng Đột Biến Xuất Khẩu Chả Cá Và Surimi Sang Nga… Vụ Heo Bơm Nước Không Thể Vụ Heo Bơm Nước Không Thể "Quýt Làm,…