Mô hình kinh tế Khó khăn trong xuất khẩu gạo tụt lùi do độc quyền tập thể

Khó khăn trong xuất khẩu gạo tụt lùi do độc quyền tập thể

Publish date Monday. September 14th, 2015

Khó khăn trong xuất khẩu gạo tụt lùi do độc quyền tập thể

Trì trệ vì chính sách

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong tháng 8.2015, các  DN chế biến, xuất khẩu gạo trong nước đã xuất khẩu được 325.175 tấn gạo các loại, trị giá FOB (giá tại cửa khẩu Việt Nam) đạt khoảng 138 triệu USD. Lũy tiến từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu được trong cả nước đạt khoảng trên 3,6 triệu tấn, trị giá FOB hơn 1,5 tỷ USD.

So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo cả nước đã giảm 8% về lượng và 13% về giá trị.

Nông dân thu hoạch lúa hè thu tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Trong khi đó, một số DN xuất khẩu gạo cho biết, không chỉ giảm về lượng, giá gạo xuất khẩu  của Việt Nam tiếp tục giảm khi hiện nay gạo 5% tấm được chào bán chỉ 325-335USD/tấn, giảm 15USD/tấn và gạo 25% tấm là 315-325USD/tấn, giảm 8 -10USD/tấn so với mức giá đầu tháng 8.2015.

Kéo theo đó, giá lúa gạo nội địa cũng giảm từ 100 – 150 đồng/kg, dao động từ 4.200 – 4.300 đồng/kg đối với lúa IR50404 tươi, 6.100 – 6.250 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu.

Dù không phải là người trực tiếp kinh doanh trong ngành gạo nhưng qua quan sát, theo dõi trong nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ khoa học Công nghệ Sắc Ký Hải Đăng cho rằng, chính cơ chế “độc quyền tập thể” của các DN nhà nước như Vinafood hay thông qua VFA… đã làm ngành lúa gạo bị tụt lùi trong nhiều năm qua.

Cụ thể, việc chỉ dựa vào những DN nhà nước, chỉ tạo điều kiện cho những DN lớn hoạt động trong ngành gạo sẽ triệt tiêu những DN mới, trẻ, tiên phong đổi mới về công nghệ có thể tham gia vào ngành hàng. Qua đó, tạo động lực phát triển cho toàn ngành.

Cần nới lỏng điều kiện xuất khẩu gạo

Trước xu hướng cạnh tranh xuất khẩu gạo ngày càng tăng, các nước tham gia xuất khẩu gạo đều định hướng sản phẩm chất lượng cao, đa dạng hóa thị trường… nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần nới lỏng các điều kiện để DN tham gia xuất khẩu gạo.

Ông Nguyễn Đức Thành – Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), nói đã đến lúc cần xây dựng cơ chế cạnh tranh bình đẳng giữa các DN trong hoạt động chế biến, xuất khẩu gạo, đồng thời, khuyến khích các DN trẻ, DN mới nổi tham gia tìm kiếm thị trường mới và góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Theo đó, cần nới lỏng điều kiện trở thành DN xuất khẩu gạo được quy định trong Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo, thông qua việc bãi bỏ hạn ngạch số lượng DN tham gia xuất khẩu gạo.

Ngoài ra, theo ông Thành, cần “mở cửa” cho phép DN liên kết với nông dân sản xuất các loại gạo đặc sản được xuất khẩu những loại gạo có chất lượng cao, không nhất thiết phải đáp ứng các điều kiện trong Nghị định 109. Cũng cần bãi bỏ yêu cầu phải đạt lượng xuất khẩu tối thiểu 10.000 tấn/năm đối với DN xuất khẩu gạo.

“Những yêu cầu này của Chính phủ nhằm kiểm soát tình trạng làm ăn chộp giật trong xuất khẩu gạo, nhưng đến nay chính sách này đã hạn chế sự phát triển của ngành gạo. Nhiều DN giảm giá sâu để bán hàng nhằm đảm bảo số lượng nên tình hình xuất khẩu càng tệ hại hơn” - ông Thành phân tích.

Cũng theo ông Thành, cần tổ chức lại VFA với đầy đủ đại diện của DN tư nhân, chính quyền địa phương và nông dân trong thương mại lúa gạo, hướng VFA tới các hoạt động cung cấp thông tin hơn là thực thi chính sách.

Còn ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ cho rằng, nên thí điểm lập sàn giao dịch cho mặt hàng lúa gạo, với cách làm là tập hợp một nhóm nông dân sản xuất lúa của một tổ hợp tác hay hợp tác xã với quy mô vài trăm ha, sản xuất theo cùng một quy trình chất lượng với sản lượng đủ lớn.

Sản phẩm sau đó sẽ được đưa lên sàn giao dịch, được bán khi giá bán “khớp lệnh” với giá chào mua.

Với mô hình này, DN có thể truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm, giá bán bao nhiêu, như vậy, sẽ minh bạch được thông tin giá cả giữa nông dân và DN, từ đó tạo cơ sở cho việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam. 

 Kim ngạch xuất khẩu gạo sang một số thị trường lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Singapore, Hongkong đã sụt giảm khá mạnh trong 8 tháng qua. Chỉ riêng thị trường Malaysia có lượng nhập khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh, đạt gần 325.000 tấn với trị giá khoảng 139 triệu USD, tăng 95,9% về khối lượng và 74,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.    


Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất… Thanh mát như trái hường quà tặng thơm ngon của núi rừng Thanh mát như trái hường quà tặng thơm…