Khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi cà cuống
Đến với xã biên giới Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, khi hỏi về trang trại cà cuống của chị Nguyễn Thị Lan, gần như bà con nơi đây ai cũng biết đến, bởi chị Lan là người đầu tiên đưa con cà cuống về địa phương để nhân giống, áp dụng nhiều quy trình kỹ thuật, công nghệ cao vào nuôi trồng, chế biến sâu sản phẩm từ con cà cuống.
Quy trình nuôi cà cuống, trồng rau thủy sinh theo mô hình Aquaponist của chị Nguyễn Thị Lan mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp từ mô hình nuôi cà cuống, chị Nguyễn Thị Lan cho biết, xã Phước Chỉ được xem là xã thuần nông, nên bà con ở đây chủ yếu là trồng cây lúa và từ nhỏ chị cũng đã gắn liền với ruộng đồng, rau vườn, ếch, nhái…; Trong đó, có con cà cuống. Tuy nhiên, do môi trường sống có nhiều thay đổi, con cà cuống hoang dã cũng dần biến mất trong tự nhiên.
Năm 2015, qua tìm hiểu trên các trang thông tin, biết được Tây Ninh có người đã nhân giống thành công cà cuống ở môi trường nuôi nhốt, nên chị đã tìm đến mua con giống về nuôi thử nghiệm tại gia đình.
Qua nhiều lần nuôi và nhân giống cà cuống thất bại do chưa am hiểu rõ về loài cà cuống, nhưng với quyết tâm, không nản chí, cuối cùng chị cũng đã nắm rõ được quy trình kỹ thuật chăn nuôi cà cuống. Cuối năm 2016, chị đã đầu tư 10 ao nuôi với 2.000 con giống.
Năm 2017, chị bắt đầu bán lứa cà cuống đầu tiên và được người tiêu dùng ưa chuộng. Nguồn lợi mang về đã vượt xa kế hoạch với giá trung bình từ 30.000 - 130.000 đồng/con cà cuống thương phẩm và từ 100.000 - 200.000 đồng/con cà cuống giống.
Theo chị Lan, cà cuống là loài sinh sản nhanh với số lượng lớn và đẻ quanh năm. Mỗi lần đẻ chỉ cách nhau từ 1 - 1,5 tháng/lứa. Mỗi ổ cà cuống có khoảng 100 trứng, sau từ 5 - 7 ngày trứng nở thành ấu trùng, tỷ lệ nở gần đạt 100%. Từ khi nở đến lúc xuất bán thương phẩm khoảng 45 ngày, còn nuôi để sinh sản thì khoảng 75 ngày. Hiện nay, trang trại nuôi cà cuống của chị Lan có diện tích 3.000 m2.
Nuôi cà cuống không khó, nhưng nhân đàn cà cuống thì không hề dễ vì cà cuống là loài rất nhạy cảm với môi trường, nhất là thuốc trừ sâu, để nuôi được cà cuống cần chọn nơi thoáng mát, nguồn nước không bị ô nhiễm. Chính vì vậy, người nuôi cần theo dõi liên tục quá trình sinh trưởng, sinh sản của cà cuống để điều chỉnh cách chăm sóc phù hợp mới mong đạt được kết quả tốt nhất.
Tuy nhiên, theo chị Lan, thức ăn cho cà cuống là loại thực phẩm tươi sống như cá, ếch con, nhái con, nên khi thức ăn tiêu thụ không hết rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước. Để đảm bảo nguồn nước nuôi cà cuống đủ sạch, thì người nuôi phải thay nước thường xuyên. Ngoài ra, quá trình sinh trưởng từ khi trứng nở đến trưởng thành thì chúng trải qua 5 lần lột xác, mỗi lần như vậy người nuôi phải theo dõi để vớt phôi xác nên mất rất nhiều thời gian.
Đầu năm 2020, qua tìm hiểu mô hình aquaponist (sự kết hợp giữa aquaculture còn gọi là nuôi trồng thủy sản và hydroponics nuôi trồng thủy canh) chị nhận thấy, mô hình này phù hợp với trang trại nuôi cà cuống của chị, nên đã đầu tư xây dựng thêm 30 ao nuôi cà cuống với quy mô gần 10.000 con và thả hàng chục cân cá lia thia, cùng đó là 1.000 m2 vườn rau hữu cơ để sản xuất theo quy trình khép kín.
Chị Lan chia sẻ, khi áp dụng mô hình aquaponist, cà cuống, thức ăn của cà cuống (là cá lia thia) và rau sẽ được nuôi trồng trong cùng một hệ tuần hoàn. Cà cuống ăn thức ăn và tạo ra chất thải trong nước. Nước có chứa chất thải được đưa vào hệ thống lọc cơ học và vi sinh. Nhờ sự tham gia của vi khuẩn có lợi sẽ biến đổi nước thải từ bể thủy sản thành chất dinh dưỡng hữu cơ dẫn vào các bể trồng rau, cây rau hấp thụ dưỡng chất trong nước, sau đó lọc sạch nước và cung cấp ngược trở lại cho bể nuôi cà cuống và cá lia thia.
Kết quả ứng dụng công nghệ aquaponist, đàn cà cuống của chị Lan phát triển càng khỏe mạnh, tỷ lệ hao hụt thấp, từ đó tiết kiệm được 30% chi phí nguồn thức ăn nuôi cà cuống, giảm 50% lượng nước sạch cung cấp hàng ngày và giảm 70% nhân công lao động.
Chị Lan cũng cho biết, hiện mỗi tháng trang trại cà cuống của chị cung cấp ra thị trường hơn 10.000 con cà cuống thương phẩm, sau khi trừ chi phí đem lại lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, nhờ giảm được phí đầu vào, nên nguồn con cà cuống giống bán ra của chị Lan cũng thấp hơn 40% so với giá thị trường.
Theo chị Lan, hiện nay người tiêu dùng chủ yếu biết đến các sản phẩm được chế biến từ thịt cà cuống như chiên, hấp… do thịt và trứng cà cuống chứa nhiều protein, lipid và các vitamin. Tuy nhiên, giá trị nhất của con cà cuống là phần túi tinh dầu ngay bụng của cà cuống đực.
Nắm bắt được điều này, ngoài bán cà cuống giống, thịt, nhận thấy nước mắm cà cuống là một trong những sản phẩm còn lưu giữ được tinh dầu của cà cuống, mùi vị thơm ngon, béo lạ được thị trường chấp nhận, chị Lan tiếp tục đầu tư vào dây chuyền sản xuất, chế biến nước mắm để đa dạng hóa các sản phẩm từ cà cuống, tăng giá trị và có thêm đầu ra ổn định hơn trong lúc ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào nuôi trồng loại côn trùng này.
Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nắm bắt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ngay từ khi chương trình được triển khai, chị đã làm thủ tục đăng ký sản phẩm nước mắm cà cuống mang tên “Phong Lan”.
Từ khi đăng ký đề nghị cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, tiếng lành đồn xa, nhiều công ty, doanh nghiệp, siêu thị đã tìm đến để tìm hiểu sản phẩm và ngày càng có nhiều đơn hàng đặt hàng hơn, chị Lan phấn khởi cho biết.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao