Khôi phục giống nếp Hương Bàu
Giống nếp Hương Bàu hay còn gọi là Hương Lân có từ rất lâu ở các xã cánh đông của huyện Thăng Bình nhưng đã bị mai một. Vụ hè thu muộn mới đây, Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình đã trồng thử nghiệm giống nếp Hương Bàu tại thôn Bình Khương (Bình Giang) và thôn Vân Tây (Bình Đào) mang lại tín hiệu khả quan.
Giống nếp Hương Bàu hay còn gọi là Hương Lân đang được huyện Thăng Bình khôi phục để trở thành đặc sản quê hương. Ảnh: Biên Thực
Giống nếp Hương Bàu có mùi thơm, dẻo, dùng để làm nhiều loại bánh như bánh tét, bánh chưng vào các dịp lễ tết. Chính vì vậy, nếp Hương Bàu rất quý tại địa phương và người dân chỉ bán vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, qua thời gian dài giống nếp này dần mai một, chỉ còn vài hộ trong thôn sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Tự (67 tuổi thôn Bình Khương), mỗi năm gia đình ông chỉ sản xuất 200m2 diện tích giống nếp Hương Bàu rồi cất giữ cẩn thận để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Vì giá thời điểm lúc đó lên đến 30.000 đồng/kg gạo nếp. Vụ hè thu muộn vừa qua, ông được Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện hỗ trợ về giống nên gieo sạ được 2 sào.
Giống nếp này gieo sạ trên chân đất cát pha cho năng suất cao, hiện năng suất mỗi sào bình quân đạt 200kg. Ông Nguyễn Văn Tự cho biết, giống nếp Hương Bàu được gieo trồng từ thời ông nội và cất giữ giống sau mỗi vụ để trồng vào mùa sau. Diện tích trồng nếp Hương Bàu cũng rất hạn chế. Những năm trước, gia đình ông Trần Ngọc Bình (thôn Bình Khương) cũng chỉ sạ giống Hương Bàu được 1 sào từ giống nếp thịt do gia đình tự để lại. Ở vụ hè thu muộn, ông Bình được hỗ trợ 5kg giống nếp Hương Bàu gieo trồng trên 1,5 sào ruộng. Sau 130 ngày chăm sóc, ông Bình thu về gần 300kg nếp. Ông Bình cho hay, đây là vụ nếp được mùa nhất từ trước đến nay do được áp dụng sạ hàng, tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn. Loại nếp này là đặc sản riêng có của các xã cánh đông Thăng Bình.
Vụ hè thu muộn vừa qua, Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình đã trồng thử nghiệm giống nếp Hương Bàu khoảng 10ha tại thôn Bình Khương (Bình Giang) và thôn Vân Tiên (Bình Đào). Toàn bộ giống nếp được sản xuất trên chân đất cát và đất bùn pha cát, đảm bảo nước tưới và được gieo cấy theo hàng. Qua một thời gian gieo trồng cho thấy, nếp Hương Bàu có thời gian sinh trưởng dao động 130 - 135 ngày, đẻ nhánh khỏe, dạng hạt tròn có màu vàng sáng. Khi hạt đủ độ chín có mùi thơm đặc trưng, cơm dẻo, khả năng chịu úng khá, đặc biệt thích nghi trên nhiều chân đất khác nhau.
Theo ông Lê Văn Để - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, qua trồng thử nghiệm tại 2 địa phương Bình Đào và Bình Giang thì năng suất nếp ở xã Bình Đào cao hơn với khoảng 2 tạ/sào. Hiện giá bán nếp thịt 10.000 đồng/kg. “Xu hướng của huyện Thăng Bình trong thời gian đến là nhân rộng giống nếp Hương Bàu ra toàn bộ khu vực các xã cánh đông của huyện. Bởi huyện muốn giữ lại giống nếp quý truyền thống để tạo nên đặc sản quê hương. Hiện trung tâm cũng đang tiến hành nghiên cứu mẫu mã, đăng ký sản phẩm độc quyền. Đây cũng là một trong loại giống nếp đưa vào chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Thăng Bình thời gian đến” - ông Để cho biết thêm.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao