Không con gì nhàn bằng nuôi rươi, lợi nhuận lại rất cao
Cứ đến độ tháng 9, tháng 10 âm lịch, cả khu vực bãi thoi thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương lại trở nên nhộn nhịp bởi người dân bắt đầu vào mùa thu hoạch rươi.
Các hộ nuôi rươi ở đây khẳng định, không nuôi con gì nhàn bằng nuôi rươi
Nhiều năm qua, rươi đã trở thành con đặc sản, làm giàu cho người dân nơi đây.
Anh Vũ Văn Thu ở khu dân cư Tử Lạc có tiếng nuôi rươi ngon nhất vùng này dẫn chúng tôi ra đầm rươi. Anh cho biết: “Tôi đã theo dõi kỹ con nước từ mấy hôm trước. Nước chuyển màu đục, thời tiết lại trở trời. Hôm nay, nhất định sẽ có rất nhiều rươi”.
Đúng như lời anh Thu nói, chừng nửa tiếng sau, rươi từ dưới đầm dần dần nổi lên, kín cả mặt nước. Đợi rươi lên nhiều, anh Thu giăng sẵn lưới và bắt đầu mở cửa cống. Nước trong đầm rươi theo máng chảy ra sông. Rươi cũng lũ lượt theo con nước đổ về lưới.
Chỉ nửa tiếng sau, lưới nặng trĩu rươi, anh Thu nhấc lưới thu hoạch mẻ đầu tiên. Liên tục như vậy đến hơn 3h chiều thì việc thu rươi hoàn tất với sản lượng đạt gần 50kg. Các thương lái đã chờ sẵn trên bờ để thu mua với giá 420 nghìn đồng/kg. Mẻ rươi nước đầu đã mang về cho anh Thu trên 20 triệu đồng.
Năm 1992, anh Thu và một số hộ dân khu Tử Lạc ra bãi thoi này đào ao thả cá, cấy lúa, trồng màu. Nhận thấy những ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng đất đai và con nước, 7 năm trở lại đây, anh Thu và người dân vùng bãi đã khai thác và phát triển nghề nuôi rươi cho hiệu quả kinh tế cao.
Không phải là gia đình có diện tích rộng nhất nhưng anh Thu lại là người có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc nuôi rươi ở vùng này. Với 4.600m2 đất bãi, anh đầu tư kinh phí xây mương dẫn nước, lắp cửa cống và cải tạo đất, sử dụng mùn hữu cơ bón lót dưới đầm để khai thác rươi. Sản lượng rươi của gia đình thu hoạch bình quân mỗi năm đạt 3,5 – 4 tạ rươi, hiệu quả kinh tế gần 200 triệu đồng.
Các hộ nuôi rươi ở đây khẳng định, không nuôi con gì nhàn bằng nuôi rươi, trong khi lợi nhuận kinh tế rất lớn. Rươi có quanh năm, nhưng thường chín rộ từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch, mỗi tháng cho thu hoạch 2 - 3 lần, mỗi lần liên tục trong 2 - 3 ngày.
Là món ăn bổ dưỡng nên dù giá cao nhưng rươi lại vô cùng được khách hàng ưa chuộng, nhất là đối với những người sành ăn. Rươi bắt được bao nhiêu đều được thương lái thu mua đi Quảng Ninh, Hải Phòng bán hết. Giá rươi cao, dao động từ 350 - 550 nghìn đồng/kg. Những năm mất mùa, rươi khan hiếm, giá lên đến 800 nghìn đồng/kg. Nhà nuôi ít thì lãi trên 150 triệu đồng, nhà nhiều lên đến 500 triệu đồng mỗi năm.
Người nuôi phấn khởi sau mỗi mùa rươi bội thu
Phấn khởi sau mỗi mùa rươi bội thu, người dân vùng bãi thường bảo nuôi rươi là “lộc trời cho”. Hết mùa rươi, người dân lại cấy lúa, thả cá, nuôi cáy, tăng thêm thu nhập.
Ông Trần Khắc Quyền, Chủ tịch UBND thị trấn Minh Tân cho biết: “Khu bãi thoi hiện có 11 hộ nuôi rươi với diện tích 10,2ha. Nhà ít thì vài sào, nhiều lên đến gần 3ha. Sản lượng rươi mỗi năm đạt gần 6 tấn, giá trị kinh tế trên 2,5 tỷ đồng. Để phát triển nghề nuôi rươi, địa phương đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật cho người dân. Đến nay, khu bãi thoi đã được huyện đầu tư kinh phí hơn 2 tỷ đồng làm đường giao thông nội vùng. Sắp tới huyện sẽ đầu tư xây dựng một số hạng mục để đáp ứng tốt hơn nhu cầu SX”.
Nằm giữa dòng sông Đá Vách, nhìn từ trên cao, bãi thoi như một dải lụa xanh ngát một màu với lúa, ngô, cây ăn quả; với rươi, cáy mà người dân tự hào về thành quả lao động của mình gọi đó là “đảo Ngọc”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao