Không dùng thuốc trừ sâu xử lý vuông tôm
Thông thường, sau khi lấy nước vào vuông tôm, nông dân phải xử lý triệt để các loại cá và giáp xác để tránh trường hợp chúng mang mầm bệnh vào ao nuôi cũng như ăn thịt tôm. Loại thuốc phổ biến mà nông dân hay dùng là rễ cây thuốc cá. Thời gian gần đây trên thị trường có xuất hiện loại thuốc đóng bao (loại 10 kg) do Thái Lan sản xuất, có thành phần chiết xuất tương tự như rễ cây thuốc cá. Tuy nhiên, nếu dùng cây thuốc cá hoặc thuốc do Thái Lan sản xuất thì chi phí thường rất cao. Chính vì vậy, nông dân đã lén lút dùng cả các loại thuốc trừ sâu rầy cho vùng nuôi tôm.
Ông Q. một nông dân đang có 10 ha sản xuất theo mô hình tôm lúa ở khu vực ven biển thuộc huyện Kiên Lương, Kiên Giang cho biết: “Không phải lúc nào nông dân cũng sử dụng thuốc trừ sâu, rầy để diệt các loài cá và giáp xác trong vuông tôm mà tùy thuộc vào tình hình từng năm. Những năm trời mưa sớm, độ mặn không cao thì không thể dùng thuốc bao của Thái vì loại thuốc này yêu cầu độ mặn của nước phải từ 20 phần ngàn trở lên mới hiệu quả. Đối với dây thuốc cá thì mặn, ngọt gì cũng đều xử lý được nhưng mưa nhiều, những diện tích nuôi lớn khó có thể rút nước ra được nên cũng không hiệu quả. Vì vậy, nông dân thường lén lút mua thuốc trừ sâu, rầy về để diệt cá trong ao nuôi vừa rẻ vừa hiệu quả”.
Theo ông Q. thì loại thuốc phổ biến nhất mà nông dân hay sử dụng là Thiodan (có thành phần hoạt chất chính là Endosulfal). Vì đây là loại thuốc rất độc với các loài máu đỏ, nhất là cá. Chỉ cần rải xuống một lúc là cá nổi đầu hết và bữa sau là chết sạch. Nếu so sánh về giá thì dùng Thiodan rẻ hơn nhiều so với thuốc bằng dây thuốc cá hay thuốc bao của Thái. “Trước đây, loại thuốc này chỉ cấm trong thủy sản, vẫn được phép dùng cho các loại cây trồng trên cạn nên không khó mua. Tuy nhiên, hiện nay Thiodan đã bị cấm triệt để trong sản xuất nông nghiệp do quá độc với môi trường nên chỉ “mối quen” mới có thể mua được. Dù đã được lột bỏ hết nhãn mác nhưng hễ thấy người lạ là không bao giờ đại lý đem ra bán”, ông Q. nói.
Theo một cán bộ có thâm niên theo dõi tình hình nuôi tôm sú ở ĐBSCL thì người nuôi tôm thường mua những chất cấm về lén lút sử dụng trong quá trình nuôi và họ coi đó là bí quyết riêng nên ít cho người khác biết. Ngay cả khi tôm có vấn đề về dịch bệnh, cần sự giúp đỡ của ngành chuyên môn người nuôi cũng không cho biết là đã sử dụng chất gì. Chính vì vậy mà nhiều khi cán bộ kỹ thuật gặp khó trong khâu xử lý.
Bà Nguyễn Ngọc Phượng, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, từ đầu vụ đến nay toàn tỉnh đã có 9.200 ha tôm bị bệnh chết, chủ yếu là nuôi theo hình thức quảng canh. Trong đó, có 66 ha được xác định là bị bệnh đốm trắng còn lại là do thời tiết bất lợi, tôm bị sốc môi trường. Còn về công tác quản lý môi trường nuôi, hàng tháng Kiên Giang đều lấy mẫu (2 lần/tháng) để kiểm tra dư lượng các chất độc hại trên tôm nuôi. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay ngành chưa phát hiện mẫu kém chất lượng.
Ở vùng nuôi tôm công nghiệp thuộc các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng một số hộ nuôi cũng xác nhận có sử dụng thuốc trừ sâu cho vùng nuôi tôm. Ông Kha Quốc Cường, nuôi 16 ha tôm sú công nghiệp ở ấp Tri Lân, xã Hòa Đông, Vĩnh Châu, Sóc Trăng cho biết, vụ nuôi năm nay tình hình dịch bệnh đã làm nhiều ao tôm thả nuôi gần 2 tháng tuổi bị chết sạch, thiệt hại trên 500 triệu đồng. Anh Cường dự định sẽ chuẩn bị lại ao nuôi để thả lại đợt tôm giống mới. Nhưng khi cho nước mới vào thì phải diệt hết các loài cá và giáp xác việc thả nuôi mới hiệu quả.
Khi hỏi dùng thuốc gì để diệt, anh Cường bộc bạch: “Từ trước đến giờ tôi hay dùng loại thuốc trừ sâu, rầy bên ngành nông nghiệp nhãn hiệu Cyper-alpha để tiêu diệt giáp xác. Mặc dù biết đây là loại thuốc bị cấm sử dụng trong ngành thủy sản nông dân vẫn dùng vì nghĩ thuốc rải ra môi trường sau 20 - 30 ngày là mất hết chất độc, có thể thả tôm giống vào nuôi bình thường. Nếu trong nước có độc thì làm sao tôm sống nổi, kinh nghiệm của tôi hơn 5 năm nay đều dùng loại thuốc này để diệt giáp xác trước vụ thả tôm đạt hiệu quả rất cao”.
Ông Đào Bá Cường, Trưởng phòng Quản lý giống và xét nghiệm, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu, cho biết: Hiện nay bà con nuôi tôm ở tỉnh đều sử dụng phổ biến loại thuốc diệt giáp xác trong ao trước khi thả tôm giống, như còng, cua, rệp… Đây là những loại có thể mang mầm bệnh và gây hại cho tôm thả nuôi. Nhãn hiệu loại thuốc diệt giáp xác là Cyparmethrin, đây là loại thuốc có nguồn gốc từ loại thuốc trừ sâu bên ngành nông nghiệp đem qua sử dụng mấy năm nay hầu như là phổ biến.
Cũng theo ông Cường, vùng nuôi tôm công nghiệp hiện nay bà con có lén lút mua thuốc diệt sâu, rầy để diệt giáp xác trong ao tôm. Cái khó là sau khi xử lý ao nuôi xong, nông dân thường phi tang hết các loại bao bì nên ngành chức năng khó phát hiện ra loại thuốc nào họ dùng. Vì sao người nuôi tôm lại phải lén lút dùng thuốc trừ sâu rầy để diệt giáp xác?
Theo ông Cường, dùng thuốc trừ sâu, rầy để diệt giáp xác sẽ mang lại hiệu quả tức thời, chi phí thấp nên nông nông dân rất thích. Còn dùng thuốc của ngành thủy sản cho phép thì hiệu quả không cao, chi phí lớn nên người nuôi thường ngán ngại và ít dùng đến. Với giá bán như hiện nay thì một chai thuốc trừ sâu, rầy chỉ khoảng 35.000 – 40.000 đồng là có thể dùng cho cả ao tôm và 20 - 30 ngày sau khi dùng thuốc sâu diệt giáp xác là yên tâm thả tôm giống xuống nuôi. Trong khi đó, nếu dùng thuốc của ngành thủy sản phải tốn tới 300.000 – 400.000 đồng mới hiệu quả.
“Việc người nuôi tôm dùng thuốc trừ sâu để diệt giáp xác sẽ rất nguy hiểm, gây hủy hoại môi trường. Mặc dù người nuôi chỉ dùng để xử lý môi trường đầu vụ, đến khi thu hoạch là 3 - 4 tháng nhưng ít nhiều sẽ làm tôm bị tồn dư chất độc hại, gây ảnh hưởng đến chất lượng tôm xuất khẩu”, ông Cường khuyến cáo người dân.
ThS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ: Theo chúng tôi hiện nay thuốc DDT không thể có nhiều trong giới nuôi trồng thủy sản, giả sử nếu có thì cũng chỉ một số rất ít nào đó lén lút sử dụng mà thôi. Bởi vì loại thuốc này hiện không được phép lưu hành trên thị trường.
Thuốc mà tôi biết rõ nông dân vẫn còn dùng khá phổ biến là Decide. Chủ yếu những người nuôi tôm có dùng thuốc trừ sâu là nuôi theo hình thức quảng canh, còn nuôi tôm thâm canh thì ít hơn. Tuy nhiên cũng cần phải lấy mẫu phân tích cụ thể để xác định nguyên nhân tôm, nghêu chết từ đâu. Vì đây là vấn đề nhạy cảm dễ làm ảnh hưởng đến thị trường tôm, nghêu ở ĐBSCL.
Tags: xu ly vuong tom, nuoi tom, thuy san
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao