Khủng hoảng giá, làng chim cút ngắc ngoải
Một thương lái chuyên thu mua chim cút cho biết, nếu tình trạng thua lỗ kéo dài thêm thời gian ngắn nữa, sẽ có nhiều trang trại cút ở Đồng Nai phá sản.
Nguy cơ “treo” chuồng
Bây giờ về xã An Bình (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) – một địa phương mới có nghề nuôi chim cút vài năm nay nhưng có tổng đàn chim cút khá lớn ở địa phương, không còn nghe người nuôi hào hứng như cách đây một năm – thời điểm trứng được giá.
Đàn chim cút tại Đồng Nai chủ yếu được nuôi trong các trang trại, còn nuôi nhỏ lẻ số lượng không nhiều. Nơi có nhiều trại nuôi chim cút nhất là huyện Trảng Bom và Thống Nhất. Theo Chi cục Thú y Đồng Nai, chim cút nuôi tại đây được các chủ trang trại áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh và tiêm phòng cúm đầy đủ nên chất lượng trứng, thịt tương đối đảm bảo.
Anh Phạm Văn Quang – chủ trại chim cút có tổng đàn hơn 40.000 con ở địa phương này than thở, từ khi nuôi chim cút đến giờ chưa lúc nào thua lỗ như hiện nay. Hiện mỗi ngày để duy trì đàn, anh phải lỗ mất vài triệu đồng, và đã như vậy suốt khoảng 5 tháng. “Giá trứng xuống thấp thê thảm, dưới cả giá sàn, không đủ bù lỗ cho các chi phí khác” - anh Quang nói.
Một chủ trại cút hơn 60.000 con ở phường Hố Nai 1 (TP.Biên Hòa) cũng cho biết, tính ra mỗi ngày chị lỗ khoảng 10 triệu đồng. “Với giá cám chăn nuôi như hiện nay, đàn cút đẻ được 80% cũng lỗ sặc máu” - chị nói. Hiện giá trứng chim cút tại trại là 210 đồng/trứng, trong khi theo tính toán phải từ 270 – 300 đồng/trứng thì mới có lời.
Không chỉ có những đại gia nuôi cút thua lỗ, mà những người cung cấp giống chim cút cũng đang gặp nhiều khó khăn. Anh Phan Danh Đạo ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho biết, hiện nay có hơn 10 hộ vệ tinh nuôi chim cút gia công cho anh. Ngoài việc anh bao tiêu trứng cút và thịt cút cho các hộ này, anh còn cung cấp giống để họ ổn định hay tăng đàn cút. Trung bình mỗi tháng, anh cung ứng khoảng 150.000 con cút giống cho các hộ vệ tinh này. Tuy nhiên, theo anh Đạo, tình hình giá cả nếu không khả quan trong thời gian ngắn tới thì cả làng cút sẽ theo nhau “treo” chuồng.
“Họa vô đơn chí. Trước đây thịt cút ở Đồng Nai ngoài việc cung ứng cho thị trường TP.HCM, thì chủ yếu xuất đi Campuchia. Tuy nhiên, hiện nay phía đối tác ở Campuchia cũng giảm sản lượng thu mua khá lớn” - anh Đạo nói.
Giảm một nửa đàn cút
Trước tình trạng thua lỗ triền miên, nhiều hộ chăn nuôi chim cút trên địa bàn Đồng Nai bắt đầu giảm đàn để tránh rủi ro đổ nợ. Trong số hơn 10 trại nuôi cút cho anh Đạo, trung bình mỗi trại nuôi 10.000 con cút, thì hiện nay mỗi trại đã giảm gần 40% tổng đàn. Chưa hết, trước đây mỗi trại mỗi tháng lên một đàn cút mới thì hiện nay phải kéo dài ra khoảng 1,5 tháng mới lên đàn để hạn chế rủi ro.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, so với năm 2015, hiện tổng đàn chim cút trong tỉnh chỉ còn gần 4 triệu con, giảm hơn 4 triệu con (50%). Trước tình trạng này và để duy trì số lượng trang trại cút hiện có, chính quyền địa phương những nơi chăn nuôi chim cút đang tích cực tuyên truyền, vận động nông dân nắm bắt nhu cầu của thị trường và hạn chế quy mô đàn cút cho phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bom cho biết, đơn vị cũng đang rà soát lại tình hình chăn nuôi cút trên địa bàn huyện và tìm cách hỗ trợ nông dân nuôi cút đối phó với cuộc khủng hoảng giá.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao