Kiểm soát chặt thủy sản nhập khẩu
Trong thời gian qua, Cục Thú y đã trao đổi, thảo luận với Trưởng Cơ quan Thú y (CVO) của các nước để thành lập các đoàn công tác sang các nước đang xuất khẩu (XK) nhiều tôm nguyên liệu và các loại sản phẩm thủy sản khác vào Việt Nam, với mục đích:
(1) Kiểm tra tình hình dịch bệnh, kiểm soát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong chuỗi SX sản phẩm thủy sản;
(2) Đàm phán về các yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh đối với việc XK, NK động vật thủy sản và sản phẩm thủy sản trên cơ sở tuân thủ theo các quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Hiệp định kiểm dịch động thực vật (SPS).
Trước mắt, từ ngày 21 - 25/9/2015, đoàn công tác của Cục Thú y sẽ sang Ấn Độ làm việc với cơ quan thú y có thẩm quyền và các tổ chức có liên quan của Ấn Độ để kiểm tra việc nuôi tôm, chế biến tôm nguyên liệu để XK sang Việt Nam; đồng thời liên hệ, trao đổi với các nước Indonesia, Nhật Bản, Ecuador, Iran, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan... để tổ chức các đoàn thanh tra sang để kiểm tra vào các tháng tiếp theo.
Việc kiểm tra sẽ kết hợp cả việc kiểm tra các cơ sở SX giống thủy sản (tôm giống, cá giống,..) XK vào Việt Nam (vì trong thời gian qua, cơ quan thú y cửa khẩu đã phát hiện có 23 lô hàng thủy sản giống (cá mú giống, tôm giống) NK vào Việt Nam có mầm bệnh truyền nhiễm và phải tiêu hủy, xử phạt tiền).
Mặt khác, Cục Thú y đã chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu cảm quan, vi sinh vật ô nhiễm thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế, giám sát mầm bệnh truyền nhiễm ở tôm và chất tồn dư đối với tôm nguyên liệu và các sản phẩm thủy sản khác NK vào Việt Nam nhằm cảnh báo, ngăn chặn sản phẩm thủy sản không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm NK vào Việt Nam.
Về kết quả xét nghiệm, giám sát cụ thể như sau:
* Đối với tôm nguyên liệu đông lạnh NK để gia công xuất khẩu:
(1) Số lượng NK trong tháng 8/2015 là 3.147 tấn, chủ yếu từ các nước Ấn Độ (chiếm tỷ lệ 96,5%) và Ecuador (chiếm tỷ lệ 3,5%);
(2) lấy mẫu giám sát 100% các lô hàng nhập khẩu của 13 Cty ở Ấn Độ và Ecuador với tổng số khoảng 260 chỉ tiêu xét nghiệm về mầm bệnh (bao gồm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, taura, đầu vàng, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ dưới vỏ,…) và các chất tồn dư (bao gồm Tylosin, Fluoroquinolones, Nitrofural, Chloramphenicol, Oxytetracycline, thủy ngân, chì, cadimi,…).
Trong đó, chỉ phát hiện 6 mẫu dương tính với mầm bệnh đốm trắng (gồm có 4 mẫu tôm thẻ và 2 mẫu tôm sú) và đã thông báo cho cơ quan thú y thẩm quyền của nước XK để có biện pháp xử lý, khắc phục; không có mẫu nào phát hiện có tồn dư kháng sinh và kim loại nặng vượt quá giới hạn cho phép.
* Về kết quả kiểm tra sản phẩm thủy sản NK để tiêu thụ trong nước:
(1) Số lượng nhập khẩu trong tháng 8/2015 là 8.906 tấn, chủ yếu là cá, mực và chỉ có 179 tấn tôm đông lạnh (chiếm tỷ lệ 2%);
(2) Lấy mẫu 100% lô hàng sản phẩm thủy sản đông lạnh NK để xét nghiệm các chỉ tiêu cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm, chất tồn dư… theo quy định của Bộ Y tế.
Kết quả không phát hiện lô hàng nào nhiễm vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm vượt quá giới hạn cho phép và chỉ phát hiện thấy có 2 lô mực đông lạnh có nguồn gốc từ Đài Loan (được đánh bắt ngoài tự nhiên) có chất tồn dư kim loại năng (Cadimi) vượt quá giới hạn cho phép và đã được xử lý theo quy định.
Về kế hoạch các tháng tiếp theo:
(1) Cục Thú y chỉ đạo gia tăng tần suất và số lượng mẫu kiểm tra, giám sát các mầm bệnh truyền nhiễm và chất tồn dư nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, tránh ảnh hưởng đến uy tín và giá thành đối với tôm XK của Việt Nam.
Tập trung vào các nhà máy chế biến tôm nguyên liệu, sản phẩm thủy sản, giống thủy sản XK vào Việt Nam đã bị phát hiện có vi phạm;
(2) Hiện tại, trong tháng 9/2015, các cơ quan thú y cửa khẩu tiếp tục tổ chức lấy nhiều mẫu tôm nguyên liệu NK để gia công XK và các sản phẩm thủy sản khác NK để tiêu thụ trong nước, tổng hợp báo kết quả để báo cáo Bộ NN-PTNT, thông báo cho các cơ quan liên quan của nước XK.
Đồng thời đề nghị các nước XK tổ chức kiểm soát chặt chẽ về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và dịch bệnh thủy sản đối với các cơ sở SX, chế biến sản phẩm thủy sản và thủy sản giống có các lô hàng nhiễm mầm bệnh và có chất tồn dư vướt quá giới hạn cho phép để thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý theo quy định.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao