Kiểm Soát Cung - Cầu Để Phát Triển Bền Vững Ngành Cá Tra
Sản phẩm cá tra xuất khẩu đã rơi vào tình trạng thừa, thị trường xuất khẩu khó khăn vì rào cản thương mại, kỹ thuật. Làm gì để phát triển bền vững ngành cá tra là vấn đề một lần nữa được đặt ra tại Hội nghị Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL ngày 21-8, tại TP Cần Thơ. Dịp này, Tổng Cục thủy sản trình bày Dự thảo về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra và lấy ý kiến đóng góp từ các DN.
Rối vì nhiều đầu mối xuất khẩu
Thống kê của Tổng Cục thủy sản, tính đến ngày 16-8-2013, toàn vùng ĐBSCL thả nuôi 4.696ha, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2012; diện tích đã thu hoạch 3.570,4ha, với sản lượng 770.796 tấn, tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước. Giá thành sản xuất cá tra dao động ở mức 20.000 - 24.500 đồng/kg, trong khi giá bán cá tra nguyên liệu trung bình từ 20.500 - 22.000 đồng/kg. Với giá bán này, người nuôi cá tra đang lỗ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg; trong khi giá thức ăn, thuốc thú y tăng bình quân khoảng 10% trong 7 tháng đầu năm.
Theo VASEP, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 985 triệu USD, giảm 0,6% so cùng kỳ 2012; trung bình các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu 50.000 tấn sản phẩm cá tra thành phẩm/tháng. Sản phẩm cá tra đang có mặt ở 137 thị trường trên thế giới, trong đó có 8 thị trường chính, gồm: Mỹ, EU, Mexico, Brazil, Colombia, ASEAN, Trung Quốc và Hồng Công, Arabie Séoudite. Trong đó, Mỹ và EU chiếm khoảng 46,3% giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam (7 tháng, kim ngạch vào thị trường Mỹ đạt 230 triệu USD, tăng 7,5% so cùng kỳ năm trước).
Mặc dù giá trị xuất khẩu chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2012, nhưng giá xuất đang giảm đáng kể. Nguyên nhân chính của tình trạng này là hiện có quá nhiều đầu mối tham gia xuất khẩu sản phẩm cá tra, trong khi toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 70 DN chế biến cá tra, hiện một số DN đang thiếu vốn phải hoạt động cầm chừng, số phải cắt giảm lao động.
Dự báo của VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2013 đạt 1,7 - 1,8 tỉ USD. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương (tỉnh Tiền Giang), nêu dẫn chứng: "Trong 4 tháng năm 2013 chỉ có 121 DN tham gia thị trường xuất khẩu cá tra, đến tháng 7 tăng lên 160 DN. Trong số này có đến 90 DN thương mại, không có nhà máy chế biến và những DN này chào giá ca tra phi lê dưới 2 USD/kg. Tại sao cá tra của ta liên tục giảm giá, vì có quá nhiều DN tham gia thị trường, cạnh tranh và bán phá giá làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Những DN này cũng là tác nhân chính làm lộn xộn thị trường cá tra thời gian qua". Theo ông Minh, Nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra cần xem cá tra là ngành kinh doanh có điều kiện, chỉ có những DN có nhà máy chế biến, có vùng nuôi mới được cấp phép xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Cafatex (tỉnh Hậu Giang), nói: "Hiện chúng ta đang thất bại ở phần ngọn- bán hàng. Do vậy, cần kiểm soát cho được đầu mối xuất khẩu, lượng cung - cầu thị trường để giải quyết bài toán khủng hoảng thừa. Hiện nay, chúng ta đang dư sản lượng và không quyết định được giá bán, mà giá bán do người mua quyết định. Cần quy hoạch lại sản xuất- giải quyết phần gốc, và phải có nhạc trưởng để thực hiện quy hoạch, kết nối sản xuất, tiêu thụ". Ông Kịch cho rằng, đi kèm với quy hoạch là kiểm soát chặt chất lượng đầu vào- đầu ra, khi đạt tiêu chuẩn quốc tế thì vấn đề làm giá thuộc về chúng ta.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng cho rằng, ngành cá tra đã "đụng trần" từ năm 2010, nhưng chưa có phương án khả thi để giải quyết bài toán cung- cầu, khiến ngành cá tra lao dốc, người nuôi cá chịu thiệt thòi lớn nhất. Đầu tư 1ha cá chi phí khoảng 10 tỉ đồng, giá bán cá nguyên liệu luôn dưới giá thành sản xuất, người nuôi lỗ nặng đã treo ao, số khác thì gánh nợ chồng chất. Ông Nguyễn Ngọc Hải, hộ nuôi cá tra ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, phản ánh: "’Người nuôi cá thiệt đủ bề, cá bán không được.
DN mua thì trả chậm, thậm chí cả năm mới trả, thời gian này chúng tôi phải trả lãi ngân hàng. Thậm chí anh em, nuôi cá kháo nhau: nếu lấy được tiền cá từ DN để trả cho ngân hàng sẽ nghỉ nuôi cá luôn". Vấn đề này, một số DN cũng bức xúc, bởi quá nhiều DN tham gia xuất khẩu, nên cạnh tranh bán và có một số DN bán cá trả chậm cho cả khách hàng nước ngoài.
Cần kiểm soát chặt cung- cầu
Chấn chỉnh quy hoạch ngành, kiểm soát cung- cầu là vấn đề bức thiết để cứu ngành cá tra hiện nay. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, cho biết: tăng xuất khẩu là con đường duy nhất để cứu con cá tra. Song, tăng xuất khẩu cần có dự báo thị trường chính xác. "Dự báo thị trường không chuẩn đã khiến ngành cá tra gặp rất nhiều khó khăn"- ông Võ Hùng Dũng, Hiệp hội Cá tra Việt Nam nói.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho rằng: "Giá xuất khẩu cá tra đã giảm đáng kể so với trước. Sản phẩm cá tra đã đi theo cơ chế thị trường từ lâu, vấn đề là hiện chúng ta chưa kiểm soát được cung- cầu. Xuất khẩu nhiều mà lỗ thì không hiệu quả. Cái thiếu của Nghị định cá tra là chính sách phát triển thị trường, đây là mấu chốt để ngành cá tra phát triển bền vững".
Theo ông Dũng, cần quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, bỏ tư duy quy hoạch theo kiểu tăng sản lượng, diện tích mà chú trọng vào xác lập chuỗi giá trị. Có quy hoạch chung, thống nhất từ Trung ương, các địa phương dựa vào đó để thực hiện, không phân biệt ranh giới hành chính.
Đồng thời, liên kết sản xuất, xây dựng hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia cho con cá tra. Trong kiểm soát cung- cầu, ngân hàng đóng vai trò quyết định, vốn đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng sẽ tác động tích cực lên ngành cá tra, bởi tình hình cho vay ở ngành cá tra hiện nay còn nhiều bất cập.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 7 tháng đầu năm, doanh số cho vay nuôi trồng, chế biến cá tra của các tổ chức tín dụng tại ĐBSCL đạt 27.167 tỉ đồng, trong đó cho vay nuôi cá tra là 6.706 tỉ đồng; dư nợ cho vay đến 31-7-2013 lĩnh vực này là 22.909 tỉ đồng, tăng 0,58% so với cuối năm 2012. Tổng số hộ dân và DN chế biến cá tra còn dư nợ tại tổ chức tín dụng tại ĐBSCL là 5.206 khách hàng (hộ dân là 4.933 khách hàng).
Tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực này là 1.033 tỉ đồng, chiếm 4,5% trong tổng dư nợ (Hậu Giang, Vĩnh Long là 2 địa phương có nợ xấu cao nhất). Từ thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, hiện cá tra tồn đọng trong DN và người dân đã không còn. Vậy, dư nợ tín dụng tăng thì dòng vốn này đang chảy về đâu?
Các ý kiến cho rằng, vốn tín dụng không đến đúng địa chỉ cũng làm cho ngành cá tra phát triển méo mó. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp chỉ đạo các ngân hàng thương mại đưa vốn đến đúng địa chỉ, đối tượng cần, góp phần làm "sạch" ngành cá tra. Đại diện Ngân hàng Nhà nước thì cho rằng, các địa phương cần có quy hoạch cụ thể, rõ ràng thì ngân hàng sẽ căn cứ vào đó để phát vay.
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến của DN và người nuôi cho rằng, dự thảo Nghị định cần xem xét đến chính sách thị trường, xây dựng thương hiệu, còn các yếu tố kỹ thuật (tỷ lệ mạ băng, phụ gia, chính sách hỗ trợ…) không cần nêu cụ thể, vì sẽ khó cho DN khi xuất khẩu. Vấn đề này, để DN tự cam kết về chất lượng sản phẩm.
Cái DN đang cần nhất là lành mạnh thị trường tín dụng và xây dựng thương hiệu quốc gia cho con cá tra. Đồng thời, Chính phủ sớm ban hành Nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, giúp DN, các địa phương có định hướng cụ thể trong sản xuất, hoạch định chiến lược phát triển.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao