Mô hình kinh tế Kiểm soát nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu bên thông, bên tắc!

Kiểm soát nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu bên thông, bên tắc!

Publish date Wednesday. May 27th, 2015

Kiểm soát nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu bên thông, bên tắc!

Cục Chăn nuôi và Cục BVTV hiện là hai “chốt chặn” quan trọng kiểm soát nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) nhập khẩu.

Tốn kém, phiền nhiễu

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát về việc rà soát, giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí thông quan đối với nguyên liệu TĂCN nhập khẩu, hôm qua (26/5), Cục BVTV đã tổ chức buổi đối thoại “nóng” cùng hơn 30 DN có liên quan tới NK nguyên liệu TĂCN tại phía Bắc nhằm lắng nghe ý kiến về các khó khăn, vướng mắc trong thủ tục KDTV để kịp thời tháo gỡ.

Trước đó, tại cuộc họp với Bộ NN-PTNT mới đây, nhiều DN chăn nuôi đã gay gắt phản ánh việc kiểm tra, kiểm dịch nguyên liệu TĂCN nhập khẩu quá phiền hà, gây tốn kém rất lớn cho DN.

Tại cuộc họp hôm qua, các DN đồng loạt cho rằng, thực tế, cái tắc hiện nay đang nằm ở Cục Chăn nuôi chứ không phải Cục BVTV. Bà Trần Thu Thủy, phụ trách XNK của Cty Cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp Quốc tế (ANCO) thẳng thắn đánh giá: Trong 3 Cục quản lý về TĂCN hiện nay gồm Cục Chăn nuôi, Cục BVTV và Cục Thú y thì Cục BVTV là đơn vị được các DN trong ngành đánh giá rất cao về sự thuận lợi, tạo điều kiện rất tốt cho DN, đặc biệt là về thủ tục KDTV.

Thời gian qua, Cục BVTV đã rà soát và loại bỏ rất nhiều thủ tục không cần thiết về KDTV cho DN. Hiện thời gian để hoàn tất các thủ tục KDTV tối đa đối với mỗi lô hàng chỉ còn khoảng hơn 10 tiếng, giảm một nửa so với trước đây nên hết sức thuận lợi.

Để đảm bảo việc thực hiện quy định về thủ tục KDTV, đầu năm 2015, Cục BVTV cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị KDTV thuộc Cục niêm yết công khai tại các điểm làm việc để DN biết về thời gian tối đa làm thủ tục.

Cụ thể, thời gian quy định tiếp nhận hồ sơ tại cửa khẩu đường bộ/hàng/cảng biển là không quá 2 phút; thời gian kiểm tra lấy mẫu trên thực địa là không quá 1h đối với cửa khẩu đường bộ/hàng không và không quá 3h đối với cảng biển; thời gian từ khi đi kiểm tra đến khi cấp giấy chứng nhận KDTV là không quá 4h tại cửa khẩu đường bộ/hàng không và không quá 10h đối với cảng biển…

Vì vậy, nguyên nhân của việc DN phải lưu container tại cảng hàng chục ngày, tốn kém hàng trăm triệu đồng phí lưu kho thời gian qua không phải là do KDTV, mà chủ yếu do Cục Chăn nuôi.

Tại buổi đối thoại, nhiều DN đã bức xúc cho biết: Từ khi “đẻ” ra việc kiểm tra chất lượng nguyên liệu TĂCN nhập khẩu, DN phải gánh thêm hàng trăm, thậm chí hàng tỉ đồng phí lưu kho tại cảng/chuyến hàng do phải chờ đợi việc lấy mẫu kiểm tra của Cục Chăn nuôi.

Ông Trần Quang Kỳ, đại diện Cty Đức Minh (Hưng Yên) cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi NK 10 lô hàng thì cả 10 đều phải chịu phạt phí lưu container do phải chờ đợi bên phía Cục Chăn nuôi lấy mẫu kiểm tra quá lâu”.

Một DN nhập khẩu nguyên liệu TĂCN về cảng Hải Phòng cho biết, trước đây Cục Chăn nuôi chỉ kiểm tra 1-2 chỉ tiêu chất lượng, còn bây giờ tăng lên 4-5 chỉ tiêu.

Thế nên có chuyến hàng chuyển từ Thái Lan về cảng chỉ 3-4 ngày, nhưng sau đó phải nộp hồ sơ, rồi chờ Cục Chăn nuôi xuống lấy mẫu, xét nghiệm, đến khi có kết quả để thông quan ít cũng mất 10 ngày. DN tại Hà Nội còn đỡ, DN ngoại tỉnh còn khốn khổ hơn do phải chuyển đi, chuyển lại hồ sơ vô cùng mất thời gian.

“Chỉ nguyên việc nộp và nhận hồ sơ, Cty tôi phải dành riêng một người chỉ việc chuyên trực ở Cục Chăn nuôi. Có hồ sơ Cty nộp thứ 2, họ hẹn thứ 5 trả kết quả, nhưng thứ 5 đến lại vẫn chưa xong, với lí do lãnh đạo đang bận công tác. Nhiều lần chúng tôi đã phải gay gắt rằng, nếu họ không trả kết quả đúng hẹn thì phải bồi thường, bởi DN phải bỏ tiền ra đăng ký kiểm tra chất lượng, chứ có phải miễn phí đâu”, vị này bức xúc cho biết.

Nhiều DN đặt câu hỏi, nguyên liệu TĂCN nhập khẩu về SX ra thành phẩm hiện nay đã có vô số công cụ quản lí chất lượng như tiêu chuẩn, quy chuẩn, thanh tra, kiểm tra…, vậy có cần thiết phải kiểm tra chất lượng ngay tại cảng, gây tốn kém phiền nhiễu cho DN như vậy hay không?

Không có chuyện xới tung từng lô hàng

Trước câu hỏi có hay không việc thời gian qua, DN bị xới tung kiểm tra 100% lô hàng khi thực hiện KDTV, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV khẳng định: Hiện nay, việc thực hiện KDTV chỉ thực hiện theo quy định về tỉ lệ nhất định theo quy định về KDTV, trừ trường hợp phát hiện có dịch hại thì đơn vị NK mới bị tăng cường kiểm tra, chứ hoàn toàn không có chuyện KDTV theo kiểu lật tung tất cả mọi lô hàng.

Về thông tin cho rằng thời gian qua, có tình trạng quá tải, thiếu lực lượng cán bộ kiểm dịch tại cảng Hải Phòng gây ùn tắc cho DN, ông Hoàng Trung khẳng định: “Chúng tôi đã kiểm tra tại Chi cục KDTV vùng tại Hải Phòng và hoàn toàn không có chuyện này. Hiện Cục BVTV có 9 cơ quan KDTV vùng, với lực lượng cán bộ kiểm dịch trên 300 người, chiếm 50% tổng số cán bộ của Cục BVTV. Vì vậy, hoàn toàn có thể điều động bổ sung cán bộ cho nếu cần thiết”.

Tại cuộc họp hôm qua, trong số hơn 30 DN nhập khẩu nguyên liệu TĂCN lớn tại phía Bắc, không có ý kiến nào phản ánh về 2 thực trạng vướng mắc nêu trên.

Tại cuộc họp, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam đánh giá: Thời gian qua, DN trong Hiệp hội đánh giá cao và hoan nghênh về tinh thần trách nhiệm và giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục KDTV của Cục BVTV.

Theo ông Lịch, mặc dù thủ tục KDTV vẫn còn một số vướng mắc, nhưng là các vấn đề nhỏ có thể khắc phục thời gian tới.

Tại cuộc đối thoại, một số DN cũng nêu các vướng mắc liên quan tới KDTV như: Khó khăn trong việc lựa chọn hóa chất xông hơi khử trùng; thủ tục KDTV đối với NK giống cỏ chăn nuôi và cỏ khô chăn nuôi bò sữa; nên cải cách việc nộp hồ sơ đăng ký KDTV qua kênh điện tử để bớt thời gian cho DN; thủ tục KDTV đối với vỏ thùng hàng bằng gỗ, palet…

Về các kiến nghị này, ông Hoàng Trung cam kết sẽ sớm hoàn thiện các quy định pháp lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN, trên cơ sở phù hợp với pháp luật KDTV của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.


Xuất hiện thương lái Trung Quốc làm rối loạn thị trường hồ tiêu Xuất hiện thương lái Trung Quốc làm rối… Giá chanh bắt đầu giảm Giá chanh bắt đầu giảm