Kiểm Soát Tốt Chất Lượng Tôm Nguyên Liệu Để Xuất Khẩu
Mặc dù các DN chế biến tôm XK đã thực hiện mọi biện pháp kiểm soát nhưng vẫn không tránh khỏi nguy cơ sản phẩm bị phát hiện bị nhiễm hóa chất, kháng sinh bị cấm, mà nguyên nhân là do chất lượng tôm nguyên liệu không được kiểm soát từ đầu. Tuy nhiên việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào là công việc không dễ dàng.
Gian nan kiểm soát tôm nguyên liệu
Nguyên liệu có chất lượng tốt và đảm bảo yêu cầu VSATTP là yếu tố quan trọng để sản phẩm làm ra đáp ứng được yêu cầu về an toàn và chất lượng của người tiêu dùng và cũng là một trong những yếu tố quyết định thành công của sản phẩm trên thị trường.
Điều này càng có ý nghĩa quan trọng đối với những ngành có tính cạnh tranh cao như ngành chế biến XK tôm. Trong điều kiện nguồn tôm nguyên liệu đang khan hiếm, giá tăng cao, để có nguồn tôm nguyên liệu đáp ứng yêu cầu chế biến XK càng khó khăn hơn bao giờ hết.
Đối với tôm, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh bị cấm. Một lô hàng XK bị trả về do không đạt yêu cầu của nhà NK sẽ gây tổn thất rất lớn cho DN, không chỉ về mặt kinh tế mà cả về uy tín. Để tránh rủi ro, các DN đã luôn cố gắng tìm biện pháp quản lý chất lượng và VSATTP trong quá trình sản xuất, nhưng đối với nguồn nguyên liệu đầu vào thì nhiều khi việc kiểm soát nằm ngoài tầm tay của họ.
“Minh Phú luôn tự cố gắng đảm bảo kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Do nguồn nguyên liệu thiếu hụt, bên cạnh nguồn tôm tự DN sản xuất, để đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất, Minh Phú phải thu mua một lượng không nhỏ từ bên ngoài.
Do phải thu mua từ nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng nguyên liệu không đồng nhất, lại không thể kiểm soát được nên nguy cơ nhiễm kháng sinh rất cao” - bà Nguyễn Thị Thu Trang, đại diện Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết.
Lý giải nguyên nhân tại sao phần lớn tôm nguyên liệu không đảm bảo yêu cầu chất lượng và rất khó kiểm soát hóa chất, kháng sinh, bà Trang cho biết: “Nông dân ta rất cả tin, luôn làm theo khuyến cáo của nhà sản xuất thuốc và thức ăn, trong khi hiểu biết của họ về kháng sinh lại rất hạn chế.
Mặt khác, họ có xu hướng không hợp tác với DN thu mua chế biến XK, nên càng làm cho quá trình kiểm soát chất lượng khó khăn hơn. Ngoài ra, danh mục kháng sinh, hóa chất cấm rất mập mờ, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý lẫn nông dân. Một số kháng sinh mặc dù có tên trong danh sách cấm sử dụng vẫn xuất hiện công khai trên thị trường”.
Không chỉ Minh Phú mà đối với hàng loạt các DN thu mua, chế biến tôm XK, việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào luôn là bài toán vô cùng nan giải. “Một khi lô hàng xuất đi không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng như nhiễm kháng sinh, chất cấm, DN sẽ gánh chịu thiệt hại rất lớn cả về mặt kinh tế lẫn uy tín.
Đồng thời còn phải giải trình nguyên nhân dẫn đến sự việc. Có nhiều trường hợp, nguyên nhân không ở khâu chế biến mà là do nguồn nguyên liệu, nhưng vấn đề bất hợp lý ở đây là người sử dụng chất bị cấm thì không phải giải trình, còn người không sử dụng lại phải giải trình,” - một đại diện của công ty Anh Khoa phát biểu.
Ngoài ra, để kiểm soát tốt chất lượng nguồn nguyên liệu phục vục cho xuất khẩu trong điều kiện chất lượng không đồng nhất và khó kiểm soát, DN phải chia nhỏ nguồn nguyên liệu đồng thời tăng tần suất kiểm nghiệm. Điều này làm tăng chi phí và kéo dài đáng kể thời gian sản xuất, nhưng các mối nguy vẫn tiềm ẩn, do dù bằng cách nào thì khâu kiểm nghiệm cũng không thể đảm bảo 100% yêu cầu về chất lượng.
Phải có cách nhìn và đối xử công bằng hơn
Rõ ràng, để có sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng, cần phải kiểm soát được tất cả các khâu trên toàn bộ quá trình sản xuất. Đối với các sản phẩm thực phẩm nhạy cảm và dễ biến đổi chất lượng như thủy sản, trong đó có tôm, khâu nuôi, trồng đóng vai trò vô cùng quan trọng và phải được đặc biệt quan tâm.
“Phải tăng cường công tác kiểm soát chất lượng nguồn vật tư, nguyên liệu đầu vào, và đặc biệt phải có hình thức xử phạt đủ mạnh để răn đe các cơ sở, DN sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thủy sản, con giống vi phạm các qui định về đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhãn mác,...” - bà Trang đề nghị.
Tuy nhiên, bên cạnh những biện pháp hành chính cũng cần những biện pháp phi hành chính, như tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng các loại hóa chất, thuốc dùng trong thủy sản; liên kết các hộ nuôi tôm qui mô nhỏ thành hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất qui mô lớn hơn, nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh cũng như đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào cho DN chế biến.
“Đã đến lúc chúng ta phải có cách nhìn khác đi và nên tiếp cận theo chuỗi sản xuất, kiểm soát theo qui trình và có những qui định cụ thể hơn trong khâu sản xuất tôm nguyên liệu, phải có cái nhìn và đối xử công bằng hơn giữa khâu chế biến và nuôi trồng.” - Ông Trương Đình Hòe – TTK Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) khuyến nghị.
Theo ông Hòe, hoạt động nuôi tôm cần được xem là một ngành công nghiệp thực sự. Trong ngành thủy sản, các DN chế biến đã tiến bộ rất nhiều, đầu tư sản xuất theo qui mô công nghiệp, đã kiểm soát tốt được chất lượng. Nên chăng nhà nước nên trao quyền lớn hơn cho DN để họ tự kiểm soát, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của mình. Vì lợi ích, sự sống của của bản thân, DN sẽ tự ý thức nâng cao tinh thần trách nhiệm và làm tốt việc này.
“Thay vì kiểm soát DN, chúng ta nên mạnh dạn trao quyền cho họ đồng thời tăng cường kiểm soát ở những khâu khác, đặc biệt là khâu sản xuất nguyên liệu, tạo sân chơi bình đẳng hơn đối với tất cả các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị. Ai làm tốt thì được hưởng lợi nhuận nhiều hơn, ai làm không tốt thì bị phạt, thậm chí không được tham gia vào sản xuất ngành hàng” - ông Hòe đề nghị.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao