Tin thủy sản Kiên Giang: Phát triển nghề nuôi lồng bè ngoài đảo

Kiên Giang: Phát triển nghề nuôi lồng bè ngoài đảo

Author Ngọc Trinh, publish date Friday. December 23rd, 2016

Kiên Giang: Phát triển nghề nuôi lồng bè ngoài đảo

Từ lâu Kiên Giang được xem là cái nôi phát triển làng nghề nuôi cá lồng bè lớn nhất ở khu vực ĐBSCL. Tâp trung nhiều các xã đảo như Kiên Hải, Kiên Lương, Phú Quốc… Mỗi năm, Kiên Giang đóng góp sản lượng hàng triệu tấn cá nước mặn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trong ảnh: Vùng nuôi lồng bè ở huyện Kiên Hải - Kiên Giang

Nhiều thuận lợi

Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, địa phương đang tập trung chiến lược biển phát triển nuôi thủy sản ven biển - đảo bền vững đến năm 2020. Từ đó tạo ra nhiều sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu; đồng thời góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cư dân ven biển, hải đảo.

Ông Dương Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang, cho biết, để phát triển nuôi thủy sản ven biển - đảo bền vững, ngoài sử dụng lồng bè truyền thống kết hợp với cải tiến để giảm chi phí, tỉnh còn khuyến cáo ngư dân ứng dụng công nghệ làm lồng nổi có khả năng chịu sóng gió cấp 7, cấp 8 khi nuôi cá lồng bè trên biển. Đồng thời, sử dụng thức ăn công nghiệp vừa giảm áp lực khai thác nguồn cá tự nhiên làm thức ăn, vừa giảm ô nhiễm môi trường nước. Liên kết, hợp tác quốc tế để tranh thủ vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật và công nghệ mới. Xây dựng thương hiệu cho một số đối tượng nuôi chủ lực như: cá bóp, cá mú, ốc hương…

Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ ngư dân vay vốn nuôi thủy sản, Kiên Giang còn huy động nguồn đầu tư của các thành phần kinh tế trên cơ sở tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cơ chế chính sách ưu đãi ổn định và lâu dài, đảm bảo phát triển bền vững. Mặt khác, ngân sách địa phương cũng tập trung thực hiện các dự án quy hoạch, đầu tư khoa học - công nghệ, trang thiết bị cho phát triển nuôi thủy sản, sản xuất con giống, khu chế biến thủy sản xuất khẩu, dịch vụ hậu cần nghề biển.

Bên cạnh đó, tỉnh còn phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như: tổ hợp tác, hợp tác xã thủy sản theo phương thức cộng đồng cùng quản lý, vừa góp phần bảo vệ tốt môi trường, hạn chế ô nhiễm, vừa tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo vùng ven biển, hải đảo.

Triển vọng với cá đặc sản

Tại xã đảo Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, mấy năm gần đây ngư dân nơi đây khá giả lên, đa số bà con đều sống bằng nghề nuôi cá mú để xuất khẩu, một số ít nuôi cá tạp để tiêu thụ nội địa. Ông Trần Văn Nung, ở xã Hòn Nghệ có hơn 7 năm nay trong nghề cho biết, trước đây sống bằng nghề đánh bắt hay đi đánh cá mướn cho các chủ tàu khác, được ít vốn về đầu tư 5 lồng bè nuôi cá bóp. Bình quân sau hơn một năm trừ hết các chi phí thức ăn, con giống còn lời khoảng 60 triệu đồng/lồng. 

Còn ông Nguyễn Văn Năm, ở xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải nuôi 8 lồng bè với các loài cá như bóng cọp, bóng mú và bóng sao chia sẻ, người có lồng bè sẵn, đầu tư con giống khoảng 30 triệu đồng, sau 18 tháng, trừ hết các chi phí còn lời trên 50 triệu đồng/bè. Nếu nuôi đúng kỹ thuật, con giống tốt, bảo đảm vốn 1 lời 1. Hiện nay, giá cá mú sao giá 500.000 đồng/kg, mú cọp 320.000 đồng/kg…

Ngoài ra, bà con ngư dân tại huyện Phú Quốc phát triển nuôi cá bóp rất mạnh, vì đây là loài cá thịt ngon, được nhiều người ưa chuộng. Để không bị động nguồn con giống, người dân đã sử dụng con giống sinh sản nhân tạo, bước đầu đem lại hiệu quả cao. Từ năm 2011 đến nay, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Phú Quốc đã triển khai thực hiện nhiều mô hình thực tế sử dụng con cá bóp sinh sản nhân tạo cho nông dân nuôi bè trên biển đã mang lại hiệu quả cao.

Anh Trương Văn Tuấn, ở xã Hòn Thơm - là người có thâm niên nuôi cá lồng bè trên 3 năm chia sẻ, vụ cá vừa rồi gia đình anh Tuấn thả nuôi 150 con cá bóp và 100 cá mú đen và áp dụng kỹ thuật nuôi mới. Qua 10 tháng nuôi, đàn cá bóp nuôi khỏe mạnh, tốc độ tăng trưởng nhanh, trọng lượng bình quân 6 - 8 kg/con, tỷ lệ sống 81%. Thấy có hiệu quả ban đầu, anh Tuấn sẽ đầu tư tiếp vụ sau thả nuôi khoảng 300 - 400 con/vụ.

Bà Lê Thị Như Lan, Trưởng trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Phú Quốc cho biết, hiện trên địa bàn huyện có hơn 150 cơ sở nuôi cá lồng bè với gần 700 lồng nuôi. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá bóp, cá mú đen, cá mú sao, cá mú nghệ… đem lại lợi nhuận khá cao cho người nuôi. Thời gian tới, Phú Quốc sẽ tiếp tục khuyến khích bà con phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển, góp phần tận dụng lao động nhàn rỗi và tăng thêm thu nhập cho người nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, đa dạng hóa sản phẩm tại địa phương, phục vụ du lịch và xuất khẩu.       

>> Hiện nay, người dân vùng biển tỉnh Kiên Giang đang tập trung nuôi một số đối tượng cá lồng bè trên biển như: cá bóp, cá mú, cá cam, cá hường bạc, tôm hùm… tại các khu vực quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Bà Lụa (Kiên Lương), Hải Tặc (thị xã Hà Tiên) và quanh đảo Phú Quốc. Mục tiêu đến năm 2016 toàn tỉnh đạt 1.600 lồng bè, với thể tích nuôi 150.000 m³, sản lượng 3.000 tấn và năm 2020 là 3.000 lồng bè, thể tích nuôi 300.000 m³, sản lượng 6.000 tấn.


Tổng quan và triển vọng phát triển ngành tôm thế giới Tổng quan và triển vọng phát triển ngành… Tiêu thụ năm 2017: Liệu có thể hồi sinh? Tiêu thụ năm 2017: Liệu có thể hồi…