Mô hình kinh tế Kinh Nghiệm Chăn Nuôi Gia Cầm An Toàn Dịch Bệnh Của Một Chủ Gia Trại Ở Đông Sơn (Thanh Hóa)

Kinh Nghiệm Chăn Nuôi Gia Cầm An Toàn Dịch Bệnh Của Một Chủ Gia Trại Ở Đông Sơn (Thanh Hóa)

Publish date Thursday. March 13th, 2014

Kinh Nghiệm Chăn Nuôi Gia Cầm An Toàn Dịch Bệnh Của Một Chủ Gia Trại Ở Đông Sơn (Thanh Hóa)

Gần 20 năm nay, gia đình ông Phan Xuân Đức, ở đội 7, xã Đông Minh (Đông Sơn - Thanh Hóa) liên tục chăn nuôi có lãi, bởi ông có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm nên trải qua bao đợt dịch bệnh lớn, đàn gia cầm của gia đình ông vẫn an toàn... Với quy mô chăn nuôi gia trại gần 1.000 vịt sinh sản và 300 gà thịt..., mỗi năm thu nhập mang lại cho gia đình hàng chục triệu đồng.

Ông Đức cho biết, trong chăn nuôi việc lựa chọn con giống và cách phòng bệnh cho đàn gia cầm là yếu tố sống còn, chính vì vậy để lựa chọn giống tốt ông Đức đều tìm đến những cơ sở uy tín, có địa chỉ rõ ràng để mua con giống. Khi mang con giống về nhà, việc làm trước tiên đó là phải tiêm phòng đầy đủ và cách ly nuôi nhốt riêng từ 10 đến 15 ngày, khi thấy đàn gia cầm giống hoàn toàn thích nghi với môi trường và khỏe mạnh đạt tiêu chuẩn thì mới được thả vào khu chăn nuôi.

Với đàn gia cầm, những loại dịch bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng và đặc biệt là cúm gia cầm H5N1 luôn đe dọa và có thể phát sinh bất cứ lúc nào nếu người chăn nuôi không có biện pháp phòng bệnh từ xa. Chính vì vậy, ngay khi bắt tay vào nghề, ông Đức đã tìm đến những lớp tập huấn khuyến nông để trang bị kiến thức cho mình, từ đó trong suốt quá trình chăn nuôi ông Đức đã xây dựng một quy trình tiêm phòng khá đầy đủ và toàn diện.

Việc tạo môi trường chăn nuôi tốt cũng là yếu tố góp phần đẩy lùi dịch bệnh tấn công, do đó với diện tích gần 2.000m2, ông Đức bố trí xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, có máng ăn, máng nước, chuồng trại thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, khơi thông cống rãnh và phát quang các bụi rậm xung quanh khu vực chăn nuôi. Vườn cây rộng, thoáng với nhiều loại cây ăn quả vừa che nắng về mùa hè, giữ ấm khi mùa đông giá lạnh. Ao nuôi cá lại là chỗ cho đàn vịt bơi lội, tắm mát.

Việc phun các loại thuốc tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi là việc làm thường xuyên, liên tục của gia đình ông Đức, khi chưa có dịch thì 2 tuần phun một lần, khi có dịch bệnh thì một tuần phun hai lần và đặc biệt không mua bán, trao đổi gia cầm với bên ngoài, nhờ đó trong những năm qua mặc dù dịch cúm gia cầm hoành hành ở nhiều địa phương nhưng gia trại chăn nuôi của ông Đức vẫn an toàn và phát triển ổn định.

Đối với thức ăn cho đàn gia cầm được ông Đức lựa chọn kỹ càng, nếu sử dụng thức ăn công nghiệp thì ông luôn dành ưu tiên cho các hãng thức ăn lớn, có uy tín, còn nếu dùng thức ăn phối trộn thì mọi nguyên vật liệu đầu vào cũng được kiểm soát chặt chẽ, những loại thức ăn ẩm mốc không còn hạn sử dụng thì nhất quyết loại bỏ, nhờ đó đàn gia cầm luôn được cung cấp đầy đủ hàm lượng dinh dưỡng nên khả năng kháng bệnh cũng được tăng cao.

Chăn nuôi là nghề mang tính rủi ro cao, dịch bệnh luôn rình dập, đe dọa, có thể khiến người chăn nuôi trắng tay bất cứ lúc nào, tuy nhiên không vì thế mà những người chăn nuôi như ông Đức nản chí, bởi với họ đó không chỉ là nghề mang lại nguồn thu nhập chính trong gia đình mà còn là niềm đam mê, nỗi trăn trở day dứt mỗi khi để đàn gia cầm của mình nhiễm bệnh. Không từ bỏ khi gặp khó khăn, luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất là bí quyết giúp cho những gia trại chăn nuôi như của ông Đức đứng vững trước “cơn bão” dịch bệnh.


Nấm Rơm Tăng Giá Nấm Rơm Tăng Giá Thí Điểm 2 Trại Sản Xuất Giống Tôm Thẻ Chân Trắng Thí Điểm 2 Trại Sản Xuất Giống Tôm…