Tin nông nghiệp Kinh nghiệm nuôi gà an toàn, hiệu quả

Kinh nghiệm nuôi gà an toàn, hiệu quả

Author Dương Trường Giang, publish date Monday. January 16th, 2017

Kinh nghiệm nuôi gà an toàn, hiệu quả

Sau 20 năm "ăn ngủ" cùng gà, lựa chọn đủ các loại gà để chăn nuôi nhưng chỉ đến khi nuôi gà Ai Cập, bà Nguyễn Thị Luyện, thôn Công Hà, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) mới phất lên như diều gặp gió…

Trong ảnh: Bà Luyện chăm sóc đàn gà

Ở Hà Mãi, chả có ai là không biết đến bà Nguyễn Thị Luyện, hay còn gọi là “Luyện gà”. 20 năm qua, bà Luyện luôn đi đầu địa phương trong việc tìm kiếm các giống gà mới về nuôi. Trên thị trường có loại giống gà nào là bà nuôi gà đó. Thế nhưng, phần thì bị dịch cúm gia cầm tàn phá, phần vì thời tiết, khí hậu, phần vì không đáp ứng được nhu cầu của thị trường nên bao công sức đều đổ xuống sông xuống biển.

Có những thời điểm, đàn gà của bà Luyện đã lên tới hàng ngàn con mỗi lứa nhưng lợi nhuận thì tắc bụp, lứa được, lứa mất. Tính chi ly năm nào cũng hòa và… lỗ một tí! “Tội một cái là, mình là người đi đầu ở địa phương trong chăn nuôi gà nên hễ mình nuôi gà siêu trứng, gà đỏ… về nuôi bà con địa phương lại nuôi theo. Khi mình thất bại, bà con cũng thất bại. Thiệt hại không chỉ có mình mà cả bà con nữa”, bà Luyện tâm sự.

Những thất bại đắng cay ấy đã giúp bà Luyện đúc rút được quá nhiều kinh nghiệm. Và cuối cùng bà chọn được một giống gà ưng ý: Gà Ai Cập. Bởi giống gà này đáp ứng được 2 yêu cầu quan trọng: Siêu trứng, thịt ngon, nuôi dễ, chịu được mọi điều kiện thời tiết tại miền Bắc; đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng là dùng trứng gà nhỏ (kiểu gà ta), trọng lượng gà thịt trung bình chỉ từ 1 - 1,5kg.

Bà Luyện chia sẻ: “Từ khi biết đến giống gà này, tôi rất quyết tâm gắn bó với nó, đầu tư xây dựng chuồng trại đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho thị trường các sản phẩm đạt chất lượng cao, an toàn thực phẩm. Và tôi đã thành công. Hiện trang trại của tôi đang nuôi trên 4.000 gà đẻ trứng. Mỗi ngày cho ra khoảng 3.000 trứng. Giá bán khoảng 2.400 đồng/quả. Thu 6 - 7 triệu đồng/ngày. Thời buổi bây giờ, có sản phẩm an toàn là thắng”.

Kinh nghiệm của bà Luyện cũng cho thấy, trong các loại gà Ai Cập, hiện nay thị trường thích nhất gà Ai Cập mơ. Gà Ai Cập mơ tuy đẻ ít hơn, khoảng 70% mỗi ngày, nhưng bù lại tiêu hao thức ăn ít hơn, trứng nhiều lòng đỏ, thơm, hàm lượng chất dinh dưỡng nhiều hơn các loại gà Ai Cập khác. Giá trứng gà Ai Cập mơ luôn cao hơn trứng các loại gà Ai Cập khác từ 200 - 300 đồng/quả. Trong khi đó, gà Ai Cập mơ có vòng đời, thời gian đẻ trứng dài hơn các loại gà Ai Cập khác. Chỉ sau 5 tháng nuôi là bắt đầu đẻ trứng và đẻ liên tục trong 5 - 7 tháng.

Từ thành công của mình, bà Luyện truyền đạt kinh nghiệm cho dân làng Hà Mãn. Và đến nay nhiều người dân nơi đây nuôi gà Ai Cập đã thành công, nhiều hộ trở nên giàu có.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Luyện tuyển chọn giống vô cùng chặt chẽ. Giống được nhập của  Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương. Gà luôn tuân thủ theo các bước tiêm phòng dịch và uống thuốc theo đúng quy trình từ lúc gà giống mới nhập về cho tới lúc đẻ trứng. Thức ăn phải chuẩn. Chuồng trại được xây dựng thoáng, mát. Nền chuồng lót một lớp vôi, sau đó phủ trấu. Khi có nhiều phân đưa thêm men tiêu hủy phân vào trấu.

Làm như vậy không chỉ đảm bảo vệ sinh cho gà, phòng chống được dịch bệnh mà khi dọn chuồng còn thu được một lượng phân hữu cơ lớn bán cho các cơ sở trồng rau sạch cung cấp cho thị trường.

Mỗi lần dọn chuồng bà Luyện thu được 500 - 600 bao phân hữu cơ. Bán với giá 15.000 đồng/bao. Thêm một khoản thu nhập khổng lồ nữa từ nuôi gà Ai Cập. Vậy là, bà Luyện không chỉ cung cấp sản phẩm trứng gà Ai Cập an toàn cho thị trường mà còn cung cấp cả phân hữu cơ để giúp sản xuất ra, cây ăn quả sạch, an toàn cho thị trường.

“Nhờ làm tốt vấn đề phòng chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại mà trang trại gà gia đình bà Luyện luôn an toàn, không mắc bệnh tật gì. Năm 2010 trên địa bàn dịch cúm gia cầm bùng phát khắp nơi tại địa phương mà trại gà của bà Luyện vẫn không bị mắc bệnh cúm. Và chính điều này đã tạo nên sản phẩm trứng an toàn cung cấp cho thị trường. Người tiêu dùng rất ưa thích”, ông Nguyễn Văn Cường, cán bộ khuyến nông xã Hà Mãn. 


Hà Tĩnh: Giúp nông dân chuyển từ manh mún sang làm ăn lớn Hà Tĩnh: Giúp nông dân chuyển từ manh… Đồng Tháp: Nuôi vịt an toàn sinh học Đồng Tháp: Nuôi vịt an toàn sinh học