Kinh Nghiệm Nuôi Vịt Đẻ Chạy Đồng
Ở ĐBSCL không xa lạ với nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng. Sau các vụ lúa đông xuân và hè thu, trên những cánh đồng ở miền Tây vừa thu hoạch lúa xong có nhiều đàn vịt đến để tận dụng nhặt hạt thóc còn sót lại, ăn cua ốc, cải tạo độ phì nhiêu của đất. Nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng vất vả, người nuôi phải chịu cảnh ăn bờ, ngủ bụi, lăn lóc gió mưa sương nắng, thường chỉ có cái chòi tạm với vài tấm bạt vài trăm mét lưới là dựng chuồng. Có chuyến chạy đồng phải xa nhà vài tháng, thường người có sức khỏe lực lưỡng mới kham nổi nghề này... Nhưng bù lại, nếu người nuôi chăm sóc tốt, áp dụng đúng qui trình kỹ thuật, sau một vụ chạy đồng 3 – 4 tháng, lãi ròng từ 30 – 40 triệu đồng (đàn vịt trên 2 ngàn con), do đó nghề này có thu nhập khá cao (lãi ròng 50 – 60%), nhưng cũng có nhiều người điêu đứng vì nuôi vịt đẻ chạy đồng, mà ông bà ta thường bảo : "Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt".
Theo anh Nguyễn Văn Hồng ở thị trấn Sa Rầy, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, có đàn vịt 2 ngàn con đang chạy đồng thường xuyên vụ hè thu ở xã Thạnh Thới An, huyện Mỹ Xuyên – Sóc Trăng (mùa này ở Đồng Tháp lũ đang lên), người có thâm niên gần 15 năm nuôi vịt đẻ chạy đồng khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ cho biết: Gia đình anh theo nghề này của ba anh để lại, lúc nhỏ theo ông chạy đồng khắp ĐBSCL từ Cà Mau đến Tiền Giang, nơi nào có đồng lúa ở đó có dấu chân của gia đình anh. Với đàn vịt hiện có, anh mua năm rồi hơn 50 triệu đồng, từ những người chuyên nuôi vịt con để tuyển chọn thành vịt đẻ, do lựa chọn được đàn vịt trưởng thành (dự bị) tốt, được tiêm phòng đủ an tâm, vịt đẻ rất tốt và sai, nếu được chăm sóc tốt và bổ sung thức ăn hỗn hợp (Con cò), mỗi năm chạy đồng vịt đẻ từ 250 – 260 trứng/năm (kể cả thời gian nghỉ thay lông), với giá bình quân 700đ/quả, mỗi con lãi ròng từ 70 – 75 ngàn đồng/con, chi phí chủ yếu vận chuyển để chạy đồng, mua đồng, thức ăn hỗn hợp, thuốc phòng bệnh... và tốt nhất là để vịt trống, mái theo tỷ lệ 1/100 con.
Theo anh, để cho đàn vịt đẻ chạy đồng tốt, cho hiệu quả nhất, trước hết cần loại ngay những con vịt có triệu chứng bệnh và cằn cỗi (thay lông sớm), trước khi mùa mưa và mùa nắng đến, khí hậu giao mùa ẩm ướt và khô, cũng là lúc tác nhân gây cho vịt dễ mắc bệnh. Bệnh thường gặp là tụ huyết trùng và dịch tả (phù đầu), cách phòng trị có hiệu quả nhất là tiêm ngừa vaccin theo lịch tiêm chủng và kháng sinh qua nước uống và thường xuyên bổ sung vitamin để đàn vịt có sức đề kháng tốt và thường xuyên vệ sinh chuồng thoáng, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè... Sau 8 – 9 tháng vịt đẻ thay lông một lần, để rút ngắn thời gian thay lông đồng loạt (giảm lượng thức ăn), ta nhổ hết lông cánh vỗ béo, sau 2,5 – 3 tháng vịt đẻ lại bình thường.
Hiện nay nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng đang phát triển mạnh ở ĐBSCL, có xã 7 – 10 đàn lên đến hàng chục ngàn con, đã giải quyết việc làm ở nông thôn, thu nhập khá cao. Điều quan trọng hơn cả đàn vịt này đã nhặt hết lượng lúa rơi lại và giải quyết một lượng ốc bươu vàng giảm đáng kể...
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao