Kinh Nghiệm Trồng Măng Cụt
Ở ấp Tân Quy 1, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có vườn măng cụt được xem là “kiểu mẫu” của địa phương do ông Lưu Văn Nhiều cải tạo từ mảnh vườn tạp. Ông xử lý măng cụt cho trái sớm vụ và đang áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trên vườn măng cụt. Vườn măng cụt đạt năng suất cao, chất lượng ngon nên ông thu về hơn 200 triệu đồng mỗi vụ.
Ông Lưu Văn Nhiều cho biết, sau giải phóng ông về lập vườn ở quê nhà, với 1 ha vườn tạp, đất cằn cỗi thu nhập không bao nhiêu. Thấy trong vườn có 24 gốc măng cụt do cha mẹ trồng, dù cây trên 80 năm tuổi nhưng vẫn cho trái tốt nên ông quyết định cải tạo mảnh vườn trồng đặc sản măng cụt. Hiện ông có 2,5 ha trồng măng cụt chuyên canh, vụ măng cụt năm 2010 ông thu hoạch 14 tấn trái, thu về khoảng 280 triệu đồng. Ông đang kỳ vọng vào 500 gốc măng cụt mới trồng gần đến tuổi kinh doanh với thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Trái măng cụt vườn nhà ông Nhiều luôn được thương lái chọn mua vì chất lượng tốt. Ông từng đoạt giải nhất và nhì cho mẫu trái măng cụt ngon tại các hội thi ở ĐBSCL. Xây dựng vườn măng cụt cơ bản
Ở giai đoạn xây dựng cơ bản, ông lên liếp chiều rộng 6 m, mương 3 m, sâu 1 m để chủ động nước tưới mùa khô, dễ thoát nước mùa mưa. Trồng cây theo quy cách 10 m x 10 m, trồng dạng nanh sấu dễ quản lý dịch bệnh, chừa lề mương 1 m. Cây giống do ông tự ươm lên bằng hột: chọn trái chín to, bóng đẹp lấy hột ươm. Khi được 2 năm tuổi đưa cây ra bầu lớn nuôi cho mau lớn. Cây con đạt 50 - 60 cm, ông đem cây ra trồng vào hố chuẩn bị sẵn. Hố trồng bón lót 1 kg phân hữu cơ vi sinh + 50 g NPK 16-16-8.
Trồng xong, che đậy cho cây, tưới đủ ẩm vì măng cụt hút nước kém. Thời điểm trồng thích hợp là vào mùa mưa, mật độ trồng 220 - 250 cây/ha. Cây măng cụt còn nhỏ rất mẫn cảm với ánh nắng mặt trời, giai đoạn này vườn rất trống nên ông tận dụng trồng xen lấy ngắn nuôi dài, vừa đảm bảo môi trường thích hợp cho cây măng cụt. Cây khoảng 5 năm tuổi, ông bắt đầu dọn dần những cây trồng xen có khả năng cạnh tranh dinh dưỡng.
Đến thời kỳ cây măng cụt cho trái ổn định (khoảng 15 - 20 năm tuổi) thì loại bỏ hết cây xen canh, tập trung chuyên canh măng cụt. Đối với cây cho trái ổn định, cần chế độ phân bón sau: phục hồi cây sau thu hoạch bón 2 kg NPK 23-23-0 + 5 kg phân hữu cơ/cây, đợt hai bón trước thời kỳ ra hoa bằng phân AT2 2 kg/cây, thời kỳ cây nuôi trái bón NPK 15-15-15 1,5 kg/cây. Trước khi bón phân cần xới đất lên quanh tán cây, bón phân xong lấp lại hạn chế phân bị rữa trôi. Quản lý sâu bệnh chủ yếu là sâu vẽ bùa, nhện đỏ, rệp sáp, thán thư, xì mủ trái… mỗi kỳ phun thuốc kết hợp phun thêm phân bón lá tăng thêm dinh dưỡng cho cây.
Xử lý cho măng cụt ra hoa sớm
Ông Nhiều cho biết, măng cụt cho trái đầu cành, thời điểm ra hoa đầu mùa khô. Vì vậy cần chăm sóc cho cây ra đọt non đồng loạt, xử lý cho cây khô hạn (xiết nước) trước khi mùa khô đến. Sau thu hoạch tiến hành tỉa cành tạo tán, cắt bỏ cành vượt, cành cấp 1, cắt bỏ cặp lá đầu cành và bón phân đợt 1. Sau 20 ngày bắt đầu phun Thiore giúp cây ra đọt non đồng loạt. Khi lá thuần thục tiến hành bón phân đợt 2, phun MKP kết hợp xiết nước tạo khô hạn (cuối tháng 9).
Ông Nhiều lưu ý, khâu quản lý nước rất quan trọng, sẵn sàng cho mọi tình huống (bơm thoát nước, xả nước…), không cho nước vào vườn giai đoạn này.
Sau 30 - 40 ngày xiết nước, nhìn cây có hiện tượng héo lá, cho nước vào mương tưới đẫm, nếu ngập càng tốt, sau đó xiết nước trở lại cho đến khi cây ra hoa mới thả nước vào vườn tưới. Sau 30 - 40 ngày hoa nở là bón phân đợt 3, kết hợp phun phân bón lá tăng trọng, nâng cao phẩm chất trái. Sau 115 - 120 ngày hoa nở là đến thời kỳ trái chín. Ông thu hoạch và cho vào thùng giấy ngay tại vườn. Kinh nghiệm của ông Nhiều là thu hái khi trái có 1 - 2 chấm điểm bằng đầu chân nhang sẽ tăng thời gian bảo quản, vận chuyển trái trong thời gian 30 ngày vẫn an toàn. Ông ứng dụng IPM, bảo vệ thiên địch và phòng trừ sâu bệnh tổng hợp. Ông bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trên vườn măng cụt của mình để cung cấp cho thị trường khó tính cũng như xuất khẩu.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao