Tin nông nghiệp Kinh nghiệm trồng mè thay lúa xuân hè

Kinh nghiệm trồng mè thay lúa xuân hè

Author Ths. Trần Văn Hiến, publish date Thursday. July 25th, 2019

Kinh nghiệm trồng mè thay lúa xuân hè

Tập quán trồng mè (vừng) của bà con nông dân ở ĐBSCL đã có từ lâu đời. Vào những năm 1980 bà con nông dân ở huyện Châu Phú (An Giang) đã có rất nhiều kinh nghiệm trồng mè trên nền đất lúa nổi.

Sau khi chuyển đổi sang trồng lúa cao sản thì diện tích mè bị thu hẹp. Một vài năm gần đây, do việc trồng lúa xuân hè kém hiệu quả và cây mè có đầu ra với giá cao nên nhiều hộ nông dân đã thay thế vụ lúa xuân hè bằng cây mè cho hiệu quả kinh tế khá cao. Xin giới thiệu kinh nghiệm trồng mè trên đất lúa thay lúa xuân hè của một số bà con nông dân ở xã Bình Thủy (Châu Phú, An Giang) và phường Phước Thới (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ).

Chuẩn bị đồng ruộng: Sau khi thu hoạch lúa đông xuân (khoảng tháng 2-3 dương lịch), dọn sạch cỏ bờ bao và tiến hành xới đất, đất cần xới 2 tác sao cho kích thước đất 2-3 cm là được. Cũng có một số nông dân trồng mè mà không xới đất (biện pháp này cho năng suất không cao và khó khăn trong việc quản lý cỏ dại). Rơm được chuyển hết lên bờ để dùng phủ cho mè sau khi trồng. Trước khi tiến hành xuống giống cần đào những rãnh mương nhỏ (ngang 20 cm, sâu 30 cm) chạy dọc theo ruộng, mỗi mương cách nhau 5 m tạo nên những liếp để giúp cho việc tưới thấm và thoát nước khi có mưa lớn.

Giống: Hiện nông dân vùng này trồng chủ yếu là giống mè đen địa phương hoặc mè vàng V6, thời gian sinh trưởng từ 75-80 ngày, trổ bông lúc 25-30 ngày sau khi trồng, số trái/cây từ 6-10, năng suất trung bình từ 1,5-2 tấn/ha.

Gieo hạt: Cần gieo hạt vào lúc trời khô ráo, không có gió. Đa số bà con nông dân dùng phương pháp sạ lan, một số gieo theo hàng. Lượng giống sử dụng từ 5-6 kg/ha. Khi sạ lan cần trộn thêm ít cát để sạ cho đều vì hạt mè rất nhỏ. Nếu gieo theo hàng thì cần rạch hàng với khoảng cách là 30 cm. Trước khi gieo hạt cần xử lý hạt với thuốc BAM (2 kg/ha) và Zineb để ngừa sâu hại cây con và nấm bệnh. Sau khi gieo hạt cào nhẹ lớp đất mặt để hạt rơi xuống phía dưới và dùng rơm phủ kín mặt ruộng. Việc phủ rơm không những giữ được đất ẩm lâu giảm được chi phí tưới nước, mà còn khống chế sự xì phèn từ lớp đất dưới lên, hạn chế được sự phát triển của cỏ dại, giữ cho lớp đất mặt không bị nén sau khi tưới. Ngoài ra, sau khi thu hoạch mè lớp rơm rạ sẽ là nguồn phân hữu cơ quí giá cho vụ sau.

Tỉa cây: Tỉa cây có vai trò quan trọng, tác động rất lớn đến năng suất mè. Cần tỉa cây lúc 15-20 sau khi gieo, khoảng cách thích hợp là cây cách cây 5-10 cm. Cần tỉa cây đúng thời gian, để chúng không cạnh tranh nhau, mật độ quá dày sẽ làm giảm năng suất.

Tưới nước: Việc phủ rơm rạ đủ giữ được độ ẩm cho cây nảy mầm. Ở giai đoạn đầu sau khi gieo hạt, thời gian này thời tiết rất khô hạn cần tưới cho mè đủ nước, trong 3 ngày đầu mỗi ngày tưới một lần. Ở đầu ống tưới cần gắn bông sen để hạt khỏi bị trôi và không làm đổ ngã cây con. Đến giai đoạn cây 15-20 ngày tuổi là có thể tưới thấm theo rãnh. Khi tưới thấm người dân thường lợi dụng con nước lớn cho nước vào các rãnh, cho nước thấm từ từ đến khi ẩm hết ruộng. Sau khi cho nước lấp xấp khắp ruộng thì cần rút nước ngay, cần phải khơi các rãnh thoát nước để nước rút hết ngay trong vòng 2-3 giờ. Để nước đọng sẽ làm cây kém sinh trưởng hoặc sẽ chết. Đến giai đoạn gần thu hoạch thường có mưa nhiều cũng phải thường xuyên đi khơi nước, tránh để nước tồn đọng trong ruộng sẽ làm hư trái.

Làm cỏ: Ruộng trồng đậu nành có phủ kín rơm thường ít cỏ nên người dân ít dùng đến thuốc cỏ. Cỏ trên ruộng chủ yếu là lúa rày (lúa rụng từ hạt vụ trước), từ 10-15 ngày sau khi gieo đậu có thể dùng thuốc Onecide hoặc Nabu để diệt, các loại thuốc này diệt tốt các loài cỏ hòa thảo và lúa rày.

Bón phân: Công thức phân bón cho cây mè thích hợp là 80:60:40 kg NPK/ha, tương đương 100 kg urea + 150 kg NPK (20:20:15). Bón phân đợt đầu lúc cây 7-10 ngày tuổi (50% urea + 50 NPK), đợt 2 bón lúc cây trổ bông lúc 25 ngày sau gieo (50% phân còn lại). Cần bón phân vào các buổi chiều mát, khi bón cần rải đều và tưới nước ngay sau khi bón. Tùy theo đất xấu hay tốt, thể hiện qua sự sinh trưởng của cây mè mà bà con có thể tăng hoặc bớt lượng phân bón.

Phòng trừ sâu bệnh: Sâu là loại dịch hại quan trọng nhất tác động đến năng suất và phẩm chất mè. Mè thường có nhiều loại sâu phá hoại như: sâu xanh ăn lá, ăn trái, bệnh héo rũ cây con. Sâu bệnh bị nặng sẽ làm giảm năng suất mè. Sâu tập trung nhiều ở giai đọan cây trổ bông và tạo trái. Phòng trừ sâu ăn lá và quả non bằng thuốc Supracide 40 ND, lúc cây được 5-7 ngày tuổi hay xuất hiện bệnh héo rũ cây con, sử dụng thuốc bệnh Manzate hoặc Bonaza (theo khuyến cáo) để trị bệnh này.

Thu hoạch: Hầu hết các giống mè thường có thời gian sinh trưởng từ 78-80 ngày. Khi lá mè chuyển từ xanh sang vàng và bắt đầu rụng hoặc khi thấy trái thứ 2-3 từ dưới lên có dấu hiệu nứt là lúc mè đã chín, có thể thu hoạch. Không nên để chín quá, trái mè sẽ nổ làm thất thoát hạt. Thu lúc trời nắng ráo, dùng liềm cắt và bó thành từng bó vừa người ôm, chuyển về sân xi măng phơi cho khô. Người dân Phước Thới dùng máy nhai lúa để ra hạt mè. Phơi càng khô thì tỷ lệ hạt ra theo cây càng thấp và hạt càng sạch.

Hiệu quả kinh tế của vụ mè cao hơn nhiều so với trồng lúa xuân hè. Theo anh Hai Phước, Tám Trung (Châu Phú, An Giang) và anh Huỳnh Trung Dung (Ô Môn, TP.Cần Thơ) thì đa số bà con nông dân đều đạt năng suất mè từ 1,8-2 tấn/ha. Giá mè thương phẩm hiện nay là 25.000 đ/kg. Thu trung bình 4,5-5 triệu đồng/công, trừ chi phí còn lãi 2,5-3 triệu đồng/công.

Trước tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá luôn là mối đe dọa rất lớn đối với người trồng lúa ở ĐBSCL và nạn hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng với nhiều vùng trồng lúa vào mùa nắng thì việc chuyển đổi sang trồng các loại cây màu như đậu nành, bắp lai, mè hoặc một loại cây trồng ít tốn nước nào khác là điều cần thiết. Tùy theo điều kiện canh tác, tập quán, thị trường mà bà con nông dân có thể lựa chọn để đem lại lợi ích cho mình. Cơ cấu luân canh lúa đông xuân – mè xuân hè - lúa hè thu của bà con nông dân ở Châu Phú rất đáng để chúng ta quan tâm.


Quy trình thâm canh tác mè (vừng) đen trên chân đất lúa ở các tỉnh phía Nam Quy trình thâm canh tác mè (vừng) đen… Bệnh thán thư hại khoai sọ Bệnh thán thư hại khoai sọ