Trồng lúa Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 1

Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 1

Author Nguyễn Ngọc Đệ. PhD, publish date Thursday. January 25th, 2018

Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 1

CƠ SỞ KỸ THUẬT TĂNG NĂNG SUẤT LÚA

1/ Các thành phần năng suất lúa 

Năng suất lúa được hình thành và chịu ảnh hưởng trực tiếp của 4 yếu tố, gọi là 4 thành phần năng suất lúa

Năng suất lúa   =   Số bông/đơn vị diện tích  x  Số hạt/ bông  x   Tỉ lệ hạt chắc  x  Trọng lượng hạt 

Các thành phần năng suất có liên quan chặt chẽ với nhau. Trong phạm vi giới hạn, 4 thành phần nầy càng gia tăng thì năng suất lúa càng cao, cho đến lúc 4 thành phần nầy đạt được cân bằng tối hảo thì năng suất lúa sẽ tối đa. Vượt trên mức cân bằng nầy, nếu một trong 4 thành phần năng suất tăng lên nữa, sẽ ảnh hưởng xấu đến các thành phần còn lại, làm giảm năng suất. Lúc bấy giờ, sẽ có sự mâu thuẫn lớn giữa số hạt trên bông với tỷ lệ hạt chắc và trọng lượng hạt, giữa số bông trên đơn vị diện tích với số hạt trên bông…. 

Mức cân bằng tối hảo giữa các thành phần năng suất để đạt năng suất cao thay đổi tùy theo giống lúa, điều kiện đất đai, thời tiết và kỹ thuật canh tác. Hơn nữa, ảnh hưởng của mỗi thành phần năng suất đến năng suất lúa không chỉ khác nhau về thời gian nó được xác định mà còn do sự góp phần của nó trong năng suất hạt. Để biết tầm quan trọng tương đối của mỗi thành phần năng suất đối với năng suất hạt, Yoshida và Parao (1976) đã phân tích tương quan hồi qui nhiều chiều, sử dụng phương trình log Y = log N + log W + log F + R. Phương trình này được rút ra từ phương trình năng suất rút gọn như sau: Y= N * W * F * 10-5. Trong đó, Y là năng suất hạt (t/ha), N là tổng số hạt trên m2, W là trọng lượng 1000 hạt (g), F là phần trăm hạt chắc và R là hằng số. Kết quả cho thấy, tổng hợp tất cả các thành phần năng suất đóng góp khoảng 81,4 % biến động của năng suất lúa. Trong đó, riêng số hạt trên m2 chiếm 60,2 %, tỷ lệ  hạt chắc và trọng lượng hạt hợp lại chiếm 21,2 %, số hạt/m2 và phần trăm hạt chắc đóng góp 75,7% và số hạt/m2 cộng với trọng lượng hạt đóng góp đến 78,5% năng suất lúa. Nếu sự góp phần của tất cả các thành phần năng suất là 100% (Điều này đúng khi không có sai số đo đếm), thì sự đóng góp của số hạt trên m2 sẽ là 74 % và sự góp phần của phần trăm hạt chắc với trọng lượng 1000 hạt và 26 %, kết hợp số hạt/m2 và phần trăm hạt chắc đóng góp 93% và số hạt/m2 cộng với trọng lượng hạt đóng góp đến 96% năng suất lúa (Bảng 6.1). Như vậy, có thể nói rằng số hạt trên m2 là thành phần năng suất quan trọng nhất trong số các thành phần năng suất. Điều này đúng trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, ở một vài nơi và trong một vài điều kiện thời tiết nhất định, phần trăm hạt chắc lại đóng vai trò quan trọng giới hạn năng suất lúa hơn là số hạt trên m2, nhất là trong điều kiện thời tiết bất ổn. 

Bảng 6.1. Sự đóng góp của các thành phần năng suất vào năng suất lúa  

Nguồn biến động Mức độ đóng góp vào năng suất lúa (%)
Tương đối Tuyệt đối
Số hạt trên m2  (N) 60,2 74

Phần trăn hạt chắc (F) và trọng luợng 1000 hạt (W)

21,2 26

Số hạt trên m2 (N) và phần trăm hạt chắc (F)

75,7 93

Số hạt trên m2 (N) và trọng lượng 1000 hạt (W)

78,5 96
Tất cả N, F, W 81,4 100

Nguồn: Yoshida và Parao, 1976.

Do đó, muốn đạt năng suất cao cần nắm vững các yếu tố ảnh hưởng đến từng thành phần trong từng thời kỳ và điều kiện nhất định, để có thể tác động các biện pháp tích cực nhằm phát huy đầy đủ và tốt nhất các thành phần năng suất. Matsushima (1970) đã khái quát hóa tầm quan trọng của từng thành phần năng suất trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa trung mùa trồng ở Konosu (Nhật Bản), mà ta có thể ứng dụng cho các giống lúa khác trong điều kiện tương tự (Hình 6.1). 

Hình 6.1. Sơ đồ đóng góp tương đối của các thành phần năng suất lúa qua từng thời kỳ sinh trưởng khác nhau (Matsushima, 1970)


Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 2 Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 2 Hình thể học và sự sinh trưởng của cây lúa - Phần 7 Hình thể học và sự sinh trưởng của…