Tin thủy sản Kỹ thuật chọn và thả giống thủy sản nước ngọt

Kỹ thuật chọn và thả giống thủy sản nước ngọt

Author Nguyễn Thị Hương, publish date Thursday. May 16th, 2019

Kỹ thuật chọn và thả giống thủy sản nước ngọt

Trong nuôi cá nước ngọt, kỹ thuật chọn và thả cá giống là một trong các khâu quan trọng, quyết định đến tốc độ tăng trưởng, trọng lượng cá thương phẩm, từ đó quyết định đến thời vụ thu hoạch sớm hay muộn. Nếu cá giống tốt, thì thời vụ thu hoạch sớm, giảm chi phí thức ăn, phòng chống dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi thủy sản.

1. Nguồn gốc và tiêu chuẩn con giống khi thả nuôi:

– Để chọn được nguồn cá giống đảm bảo chất lượng, bà con nên lựa chọn các cơ sở cung ứng con giống thủy sản có uy tín, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc con giống; không mua cá giống của các cơ sở không rõ ràng, các đối tượng bán rong nhỏ lẻ.

– Khi chọn giống, quan sát cá giống phải đồng đều, không dị hình, toàn thân phủ kín vẩy, không mất nhớt, không bị xây sát, màu sắc sáng đẹp, hoạt động nhanh nhẹn, bơi theo đàn, phản ứng nhanh với tiếng động, lặn sâu xuống đáy, bơi ngược dòng.

– Kích cỡ cá giống thả có vai trò rất quan trọng, mỗi loài cá khác nhau kích cỡ cá giống cũng khác nhau phù hợp với đặc điểm sinh học của loài, cỡ giống phù hợp đảm bảo tỷ lệ sống cao và năng suất cao nhất. Nếu chọn cỡ giống thả quá nhỏ sẽ chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài, cỡ giống quá lớn gây lãng phí vốn đầu tư, vận chuyển và thường tỷ lệ cá chết sau vận chuyển cao (nhất là vận chuyển cự ly xa). Cỡ cá giống thả phù hợp, kích cỡ giống thả tối thiểu theo quy định như: Trắm, Chép, Mè, Trôi, Rô phi kích cỡ chiều dài từ 6 – 12cm.

2. Thời điểm thả và cách thả cá giống:

Dù con giống khoẻ mạnh nhưng nếu thả không đúng cách cũng sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, khả năng sinh trưởng phát triển của đàn cá sau này. Khi thả bà con cần lưu ý những điểm sau:

– Thời điểm thả cá giống: tốt nhất vào buổi sáng hoặc chiều mát. Tránh thả cá vào lúc trời đang mưa to hay nắng gắt có thể làm cá bị sốc nhiệt, yếu dẫn đến cá chết.

– Cách thả giống:

+ Trước khi thả cá nên tắm cho cá bằng nước muối 2% (20 gam muối + 1 lít nước) trong thời gian 5-10 phút hoặc thuốc tím nồng độ 0,001 – 0,002% (1g thuốc tím hòa trong 50 – 100 lít nước sạch) trong 10 – 20 phút để loại trừ ký sinh trùng và chống nhiễm trùng các vết xây xát.

+ Đối với cá giống được đóng trong túi nilon thì trước khi thả nên ngâm túi đựng cá vào trong nước ao khoảng 10 -15 phút, để nhiệt độ trong túi nilon cân bằng với nhiệt độ môi trường nước ao nuôi, tạo điều kiện cho cá làm quen với môi trường sống mới. Khi thả một tay mở miệng túi cho nước chảy từ từ vào để cá bơi tự nhiên ra, đồng thời tay còn lại vỗ trên mặt nước tạo oxy cho cá, khi cá ra khỏi túi 1/2 – 2/3 số con mới dốc túi cho cá ra hết. Lưu ý thả nơi đầu gió để cá phân tán đều trong ao.

Nếu có điều kiện, có thể quây lưới mắt nhỏ tại góc ao, sau đó thả cá giống vào đó và lắp máy bơm tạo dòng chảy nhẹ để tăng oxy cho cá. Đợi khi cá ổn định mới tiến hành thả cá ra ao, thì tỷ lệ sống sẽ cao hơn.

+ Đối với cá giống được vận chuyển hở bằng ô tô quây bạt, trước khi thả giống cần cân bằng môi trường giữa nước ao với môi trường nước trên xe bằng cách vừa xả bớt nước trên thùng ra, đồng thời cấp thêm nước ở ao nuôi vào để cá không bị sốc môi trường, sau đó mới tiến hành thả cá từ từ.

+ Mật độ thả: Tùy vào hình thức nuôi, thả với mật độ khác nhau. Nuôi trong ao nước tĩnh (nuôi đơn hay nuôi ghép) thả với mật độ 1 – 2 con/m2 mặt nước. Nuôi ghép ao nước chảy thả từ 3 – 5 con/m2.

Chú ý: Trong những ngày mới thả, hàng ngày cần thường xuyên quan sát hoạt động của cá để phát hiện những biểu hiện bất thường, kịp thời xử lý.


Nuôi tôm trái vụ thu lãi lớn tại Ninh Bình Nuôi tôm trái vụ thu lãi lớn tại… Bước đầu thành công từ chăn nuôi chạch sụn Bước đầu thành công từ chăn nuôi chạch…