Tôm thẻ chân trắng Kỹ thuật nuôi cá lồng

Kỹ thuật nuôi cá lồng

Publish date Monday. June 8th, 2015

Kỹ thuật nuôi cá lồng

Để nghề nuôi cá lồng đầu tư phát triển có hiệu quả thì việc hướng dẫn quy trình nuôi một số đối tượng chính là hết sức cần thiết.

1. Qui trình kỹ thuật

1.1. Địa điểm đặt lồng:

- Nuôi cá lồng trên sông phải có mực nước sâu trên 3m, lưu tốc dòng nước không quá 0,3 - 0,5m/s, có nguồn nước sạch không bị nhiễm bẩn bởi nước thải sinh hoạt hoặc nước thải công nghiệp.

- Môi trường nước phải đảm bảo pH từ 7,5 - 8,5 , oxy hoà tan > 5mg/l.

- Nuôi cá lồng trên sông nên chọn các điểm khuất gió và có nước lưu thông tốt, đáy lồng phải cách đáy sông hồ ít nhất 1m. Không đặt lồng gần bờ có nhiều bóng cây, rong cỏ làm cá dễ bị thiếu oxy

- Nếu trong gia đình có nhiều lồng thì phải đặt cách nhau từ 3 - 5m và đặt so le nhau để tăng lưu tốc dòng nước qua lồng.

1.2. Cấu tạo lồng:

- Lồng nuôi cá có thể tích từ 10 - 15m3, vật liệu làm khung lồng phải nhẵn để không làm cá bị tổn thương, khoảng cách giữa các thanh đảm bảo để không làm cản dòng nước, tăng khả năng lưu thông nước qua lồng và cho phép tất cả chất thải của cá thoát ra ngoài dễ dàng.

- Mặt đáy lồng đóng ván khít để giữ thức ăn trong lồng cho đến khi cá ăn hết. Mặt trên của lồng phải làm chắc chắn để tránh thất thoát cá.

- Lồng phải làm chắc chắn để tăng thời gian sử dụng, giữ cá không bị thất thoát và đủ độ bền chắc để chịu sức nặng toàn bộ lượng cá trong lồng.

- Lồng được giữ nổi bằng hệ thống phao hoặc thùng nhựa gắn cố định vào khung lồng.

1.3.Cá giống và mật độ thả:

Cá giống thả nuôi có kích thước lớn, ít bị dịch bệnh, đồng thời ở giai đoạn này cá có tốc độ phát triển nhanh hơn, đạt kích cỡ cá thương phẩm lớn.

+ Đối với cá trắm cỏ: Kích cỡ cá giống: 0,5 - 0,7 kg/con, Mật độ thả 20 con/m3.

+ Đối với cá diêu hồng: Kích cỡ cá giống trên 25 g/con, mật độ thả: 100 con/m3 lồng.

+ Đối với cá rô phi: kích cỡ 5 - 6cm, trọng lượng 10 - 15g/con, Mật độ thả: 120-200 con/m3.

- Cá giống phải đồng đều về kích cỡ không dị hình và xây xát, cá phải có kích cỡ lớn để không chui lọt vách lồng.

- Cá giống nên thả vào buổi sáng trời mát, trước khi thả nên tắm cho cá bằng nước muối từ 2 - 3% để phòng bệnh.

1.4 Cho ăn

Thức ăn là vật chất chứa chất dinh dưỡng mà động vật có thể ăn vào, tiêu hóa và hấp thu để duy trì sự sống và sinh trưởng, phát triển và sản xuất. Do đó để đối tượng nuôi phát triển nhanh cần lựa chọn thức ăn phù hợp với đặc tính của loài.

- Đối với cá trắm cỏ:

+ Thức ăn: Đối với thức ăn tinh cho cá ăn 2 lần/ngày vào các giờ cố định với lượng thức ăn từ 2 - 3% trọng lượng cá trong lồng và cho thức ăn vào khung cho ăn.

+ Thức ăn xanh (gồm lá chuối, cỏ, lá ngô, rong...) với lượng 30% trọng lượng cá, cho ăn 2 lần/ngày, nên cho thức ăn vào lồng từ từ để tránh thất thoát ra ngoài.

- Cá diêu hồng và Cá rô phi

+ Thức ăn dùng để nuôi đối tượng này là thức ăn chế biến, giai đoạn cá nhỏ dưới 300g có thể cho cá ăn thức ăn tự chế với hàm lượng đạm 22-30% hoặc thức ăn công nghiệp. Giai đoạn cá trên 300g nên cho ăn thức ăn công nghiệp vì cá yêu cầu dinh dưỡng cân bằng. Lượng thức ăn được điều chỉnh theo trọng lượng cá nuôi tránh tình trạng dư thừa ảnh hưởng đến môi trường cũng như hiệu quả kinh tế.

+ Ðối với thức ăn tự chế phải chế biến có độ kết dính cao, tránh thất thoát khi cho cá ăn bằng cách cho ăn từ từ. Thành phần dinh dưỡng cân đối do các chuyên gia dinh dưỡng thiếtkế.

1.5. Quản lý và chăm sóc:

- Thường xuyên làm vệ sinh lồng, chùi rữa sạch sẽ để phòng bệnh cho cá vì rong tảo, sinh vật bám vào lồng làm phù sa lắng động ngăn cản dòng chảy của nước qua lồng là nguyên nhân gây bệnh cho cá.

- Khi nước chảy mạnh phải có biện pháp che chắn làm giảm lưu tốc của dòng nước qua lồng, hoặc khi cá có hiện tượng thiếu ôxy thì phải có biện phát để tăng lượng nước lưu thông cho lồng.

- Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khoẻ của cá, nhất là khi cho cá ăn để xử lý kịp thời và luôn áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho cá.

- Vào đầu và cuối Vào mùa mưa lũ cần theo dõi dự báo thời tiết để di chuyển lồng về nơi an toàn.

1.6. Thu hoạch:

- Tiến hành thu hoạch cá khi đạt kích cỡ thương phẩm, tùy thuộc vào kích cỡ cá để tiến hành thu tỉa thả bù hoặc thu hoạch toàn bộ:cá diêu hồng 500 - 600 gam/con, cá rô phi: trên 500 g/con, cá trắm cỏ: 4 - 5kg/con.

- Nên có kế hoạch thu trước khi mùa mưa lũ đến để giảm thiểu thiệt hại

2. Phòng và trị bệnh

Trong nuôi thuỷ sản thì phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh. Do vậy, cần phải áp dụng các phương pháp phòng trị bệnh tổng hợp cho cá như: Quản lý thức ăn chặt chẽ, tránh dư thừa sẽ làm ô nhiễm lồng nuôi làm cá dễ nhiễm bệnh; thả nuôi với mật độ thích hợp; treo túi vôi và túi thuốc tại các địa điểm cá thường tập trung như vị trí đặt sàng ăn để diệt khuẩn và phòng bệnh cho cá…

Việc chẩn đoán bệnh là rất khó vì vậy cần xác định rõ dấu hiệu bệnh lý và có biện pháp trị bệnh kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hai do bệnh gây ra.

2.1 Bệnh trùng bánh xe

- Nguyên nhân gây bệnh: là do các loại trùng có hình dạng như bánh xe phát triển cao điểm vào các mùa mưa, lũ. Chúng ký sinh trên da, mang, khoang mũi của cá, ở dưới nước thấy rõ hơn so với khi cá ở trên cạn.

- Dấu hiệu bệnh: Khi cá mới mắc bệnh, mình cá có lớp nhớt màu hơi trắng đục, cá bệnh thường nổi đầu và thích tập trung nơi nước chảy, thích cọ mình vào thành bể hoặc cây cỏ và có cảm giác ngứa ngáy. Đôi khi cá nhô đầu lên khỏi mặt nước và lắc mạnh đầu. Cá bệnh nặng mang cá sưng to, da cá chuyển màu xám, trông lờ đờ, đảo lộn vài vòng rồi chìm xuống đáy ao và chết.

- Cách trị bệnh: Dùng lá Xoan bó thành từng bó thả vào các góc trong ao nuôi hoặc dùng CuSO4 nồng độ 3-5 ppm (3-5g/m3) tắm cho cá 5-15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,5-0,7g/m3. Hoặc dùng formalin nồng độ 200-250 ml/m3 tắm trong 30-60 phút hoặc nồng độ 20-25 ml/m3 phun xuống ao, tắm vào buổi sáng sớm hoặc vào chiều tối.

2.2 Bệnh đốm đỏ

- Dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh: Cá bơi lờ đờ ở tầng mặt nước. Dấu hiệu sớm nhất của bệnh này là vây đuôi cá chuyển sang màu đen, thân có màu tối, hai bên lưng có hai sọc màu trắng, vây đuôi và thân có màu tối đen. Khi cá bị bệnh nặng ở xoang miệng, nắp mang, tơ mang, xung quanh mang sẽ bị xuất huyết. Ở cá trắm cỏ cỡ lớn, khi mắc bệnh sẽ thấy xuất huyết nhiều ở gốc tia vây và bụng, hậu môn đỏ. Khi bóc da cá bệnh sẽ thấy cơ của toàn thân xuất huyết, đây là dấu hiệu rất đặc trưng. Gan thận, lá lách cũng bị xuất huyết. Ruột không có thức ăn, thành ruột xuất huyết màu đỏ thẫm nhưng không bị rữa nát.

- Cách trị bệnh: Dùng Formol với liều lượng 25ml/m3 nước, tắm cho cá liên tục 3-5 ngày, kết hợp dùng Oxytetracyline 5g trộn vào 1kg thức ăn cho cá ăn liên tục trong 5-7 ngày. Nên bổ sung vitamin C 5g/kg thức ăn, cho ăn liên tục 7-10 ngày để tăng cường sức đề kháng, kích thích cá ăn mạnh, tăng cường tiêu hóa thức ăn.

2.3 Bệnh rận cá

- Tác nhân gây bệnh là các loại rận cá bám vào toàn thân cá, hút các chất nhờn, cá hoạt động bơi lội liên tục, không định hướng, bắt mồi giảm.

- Cách trị bệnh: Khi cá bị bệnh dùng Iodine với liều lượng 2g/m3 nước, tắm cho cá liên tục 3-5 ngày kết hợp dùng Oxytetracyline 5g trộn vào 1kg thức ăn cho cá ăn liên tục trong 5-7 ngày. Hoặc tắm bằng thuốc tím KMnO4 nồng độ 10g/m3 trong 30 phút.

Tags: ky thuat nuoi ca long, nuoi ca long, nuoi trong thuy san


Related news

Sục khí đáy trong nuôi tôm hoạt động không thể bỏ qua Sục khí đáy trong nuôi tôm hoạt động… Một số biện pháp phòng và trị bệnh cho động vật thủy sản trong mùa mưa bão Một số biện pháp phòng và trị bệnh…