Kỹ thuật nuôi tôm kết hợp với cua
Khi nuôi ghép tôm và cua, nhiều bà con sẽ lo ngại: chúng sẽ ăn thịt nhau, con cua sẽ ăn con tôm khi lột xác và ngược lại. Điều này là không tránh khỏi. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện trên nhiều mô hình nuôi ghép tôm sú và cua, kết quả thu hoạch được với tỉ lệ sống của tôm sú khoảng 50 – 60 % và của cua là 50- 70 %.
Vì thế, tuy tỉ lệ sống của tôm sú có thấp hơn 1 ít so với nuôi tôm bán thâm canh không ghép với cua, nhưng khi thu hoạch, được thu thêm sản lượng cua đáng kể và nhờ đó lợi nhuận của mô hình cũng tăng lên. Chi phí đầu tư tăng thêm khoảng 15 – 20 triệu đồng/ha/vụ so với không nuôi ghép với cua. Nhưng tiền lãi tăng lên 30 – 40 triệu đồng/ha/vụ.Về Kỹ thuật nuôi Tôm sú kết hợp với Cua biển, ngoài các kỹ thuật cơ bản áp dụng khi nuôi tôm sú bán thâm canh, cần chú ý một số điểm sau:
(1) Ao nuôi có hệ thống gờ nổi bên trong hay ao được đào rảnh xung quanh có gò ở giữa để cua có thể đào các hốc, hang trú ẩn. Cung cấp các chà cây làm chỗ ẩn nấp cho cua;
(2) Khi lấy nước vào ao, cần kiểm tra độ mặn để báo cho trại giống tôm, giống cua để các trại tiến hành hạ độ mặn, thuần dưỡng giống thích nghi với độ mặn nơi thả nuôi, điều này giúp tránh được hiện tượng tôm, cua bị sốc độ mặn khi thả giống, nhất là đối với cua, nếu chênh lệch độ mặn quá 3 %o khi thả giống sẽ làm cua bị lột võ bất thường, yếu và chết, còn gọi là hiện tượng bẫy lột võ;
(3) Đối với ao nuôi tôm sú kết hợp nuôi cua, trong quá trình chuẩn bị ao , cần giăng vèo ương cua ngay trong ao. Vèo ương cua có 5 mặt: 4 mặt bên và mặt đáy; làm bằng lưới mịn, dày, xung quanh miệng vèo được may kèm với một lớp nhựa cao khoảng 30 cm để tránh cua bò lên miệng vèo ra ngoài ao. Trong vèo bố trí các chà cây hoặc lưới giăng bên trong để làm chỗ cho cua con bám, càng có nhiều chỗ bám, cua con càng ít tập trung 1 chỗ, giúp hạn chế hiện tượng ăn nhau. Vèo được đặt ở góc ao, phần trên gió, cách bờ 2 -3 m để tiện chăm sóc cua ương.
(4) Thời điểm thả giống cua trong ao tôm sú (giống tôm sú thả nuôi cở P15):
- Nếu nuôi từ cua bột (cua hạt tiêu, tương ứng cua 1 – 2 ở trại giống) thì thả cùng lúc với giống tôm. Nhưng cua được ương trong vèo khoảng 7 ngày trước khi bung vèo ra ao tôm sú. Vèo ương nên đặt ngay trong ao tôm.
- Nếu nuôi từ cua hạt dưa thì giống cua được thả sau khi thả giống tôm 7 – 10 ngày
- Nếu nuôi từ cua hạt me thì thả giống cua sau khi thả giống tôm 15 – 20 ngày.
Thời điểm thả giống cua trong ao tôm để nuôi ghép rất quan trọng. Thả vào thời điểm hợp lý giúp giảm bớt hiện tượng ăn nhau giữa 2 loài.
(5) Về mật độ thả nuôi.
Tôm sú thả nuôi theo hình thức này là 12 – 15 con/m2.
Cua: Nếu thả cua hạt tiêu, tức cua bột mới xuất khỏi trại giống thì nên thả 1 – 1,5 con/m2 (sau khi ương đến hạt dưa còn khoảng 60 – 70 %)
Nếu thả cua hạt dưa thì thả khoảng 1 con/m2
Nếu thả cua hạt me thỉ thả khoảng 0,5 con/m2
Tức cua càng lớn mật độ thả càng thấp.
(6) Chăm sóc, cho ăn: Trong giai đoạn ương, có thể cho cua ăn cá tươi hấp chín tán nhuyễn trong vài ngày đầu, sau đó trộn cá hấp với thức ăn viên của tôm với tỉ lệ giảm dần cá hấp và tăng dần cám viên để đến khi bung vèo, thả cua ra ao tôm thì cua có thể dùng thức ăn viên chung với thức ăn của tôm. Thường cua bột mới thả vào vèo, ngày đầu không cho ăn vì cua chưa khỏe hẳn sau quá trình vận chuyển và gây mê. Ngay sáng hôm sau, nên bắt đầu cho cua ăn, 10.000 bột bắt đầu cho ăn khoảng 400 –500 g cá hấp/ngày, chia làm 4 lần (6g, 11 g, 17 và 21). Sau đó cứ 3 ngày, tăng 20 – 30 % lượng thức ăn.
Sau 1 tuần ương, thấy cua nhanh nhẹn, khỏe mạnh là có thể thả ra ao cùng với tôm sú và sau đó chăm sóc cho ăn như cho tôm sú ăn. Lượng thức ăn cho cua chỉ cần tăng thêm lượng thức ăn bằng 3 - 2 % lượng cua có trong ao là được. Vào ban ngày nếu sau khi cho tôm và cua ăn xong, sau 2 giờ, đi quanh ao thấy có nhiều cua bò quanh bờ, dưới mép nước gần bờ để kiếm ăn, tức lượng thức ăn không đủ, cần tăng thêm thức ăn cho lần sau.
(7) Sau khi nuôi được 3 tháng, có thể dùng gió, vợt hoặc câu để thu tỉa cua lớn và chắc thịt để bán, sau 4 tháng cua trong ao đã bớt, kéo lưới để thu tôm sú, đồng thời làm cạn ao để thu cua. Khi đó, sẽ còn một số cua chưa chắc thịt, nên thả nuôi tiếp trong ao khác, sau 10 – 12 ngày, cua sẽ chắc thịt lại và có thể bán mà không mất giá.
Tags: nuoi tom ket hop voi cua, ky thuat nuoi tom, nuoi cua, nuoi trong thuy san
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao