Kỹ thuật quản lý sức khỏe nuôi tôm trong mùa mưa
Nếu khâu cải tạo ao, gây màu nước không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thì khi gặp mưa (nhất là những cơn mưa kéo dài) các yếu tố môi trường: pH, độ kiềm, độ mặn… sẽ thay đổi rất nhanh làm tảo chết đột ngột, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm nuôi. Để giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng của hiện tượng thời trên, xin khuyến cáo người nuôi tôm một số giải pháp kỹ thuật như sau:
Đối với ao tôm nuôi thâm canh – bán thâm canh (TC-BTC)
1. Trước khi xuất hiện các cơn mưa cần tiến hành rải vôi xung quanh bờ bao để hạn chế tình trạng rửa trôi phèn xuống ao nuôi làm ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi. Khi thời tiết thay đổi, trời sắp mưa cần giảm lượng thức ăn, thậm chí ngừng cho ăn. Sau khi mưa xong cho tôm ăn với lượng thức ăn giảm 30 – 50% so với bình thường. Trong các cử cho ăn, nên bổ sung các men tiêu hóa, khoáng chất, vitamin để tăng sức đề kháng, phòng trừ dịch bệnh cho tôm nuôi.
2. Trong lúc trời đang mưa lớn phải xả bớt nước tầng mặt để tránh tình trạng độ mặn của ao nuôi giảm kết hợp với chạy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ gây sốc cho tôm nuôi.
3. Sau khi đợt mưa dứt, hiện tượng tôm nổi đầu là do các ao nuôi lâu năm ở vùng đất phèn, hoặc có độ sâu mực nước thấp nên khi mưa lượng phèn trên bờ theo nước chảy vào ao làm giảm pH, tăng độc tính của khí H2S, tôm suy yếu phải nổi đầu lên mặt nước. Để khắc phục người nuôi tôm dùng vôi nông nghiệp CaCO3 với liều lượng 10 -20 kg/1.000 m3 tạt đều khắp ao, khi kiểm tra pH ≥ 7,5 là đạt yêu cầu.
4. Đối với các ao nuôi tôm nền đáy cát, cát bùn sau những cơn mưa lớn thường có nhiều hạt rắn lơ lửng, bụi đất trong nước, các chất bẩn này bám vào mang làm tôm dễ bị sưng mang, đen mang, vàng mang…Để khắc phục dùng vôi nông nghiệp CaCO3, liều lượng 10 – 20 kg/1.000 m3/ngày, kết hợp tạt Zeolite (liều lượng 10 – 15 kg/1000 m3) để tủa để lắng tụ các hạt lơ lửng, bụi đất; Sau đó dùng chế phẩm để ổn định màu nước.
5. Đối với các vùng nuôi có độ mặn thấp, vào mùa mưa tôm có thể bị mềm vỏ, khó lột xác; Để khắc phục người nuôi nên dùng vôi Dolomite, liều lượng 10 – 20 kg/1.000 m3 để tạt xuống ao xử lý từ từ cho đến khi độ kiềm đạt ngưỡng cho phép (80 – 160), bổ sung thêm khoáng chất vừa tạt xuống ao vừa cho tôm ăn. 6. Khuyến cáo người nuôi nên bố trí ao lắng chiếm khoảng 30% tổng diện tích ao nuôi để chủ động thay nước khi cần thiết. Cần xử lý nước ao lắng đúng quy trình sau đó mới cấp vào ao nuôi.
Lưu ý: Đối với những ao nuôi đã cải tạo chuẩn bị thả giống, khuyến cáo không nên thả vào thời điểm mưa dầm hoặc trước khi các cơn mưa xảy ra vì sẽ làm giảm tỉ lệ sống của tôm nuôi.
Đối với tôm nuôi quảng canh cải tiến (chuyên tôm và quảng canh cải tiến kết hợp)
Trước, trong và sau các cơn mưa cần tiến hành các biện pháp kỹ thuật như đã đề cập đối với hình thức nuôi TC-BTC. Tuy nhiên cần lưu ý:
1. Đối với vùng Bắc Quốc lộ 1A, do chịu ảnh hưởng của lịch điều tiết nước nên cần theo dõi chặt chẽ môi trường nước trên các kênh rạch để có kế hoạch cấp nước bổ sung vào ao nuôi.
2. Không nên cấp nước ngay sau mưa vì hàm lượng phù sa và chất lơ lửng trong nước trên hệ thống các kênh rạch khá cao, chất lượng nước không đảm bảo. Chọn các con nước triều cường và chất lượng đảm bảo mới cấp vào ao nuôi, mỗi lần cấp không quá 10% lượng nước trong ao.
3. Sau khi cấp nước cũng tiến hành hòa vôi CaCO3 vào nước tạt xuống ao nuôi, liều lượng 10 – 15 kg/1.000 m3 nước để ổn định môi trường. Gia cố công trình ao nuôi, bờ bao chắc chắn để đảm bảo thủy sản nuôi không bị thất thoát do ảnh hưởng của những trận mưa lớn kéo dài.
Tags: quan ly suc khoe tom, nuoi tom trong mua mua, ky thuat nuoi tom, nuoi trong thuy san
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao