Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ - Phần 1
Giống Thanh long ruột đỏ được ưa chuộng nhất hiện nay là Long Định 1 và H14 là giống được Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam lai tạo giữa giống Thanh long ruột trắng Bình Thuận và Thanh long ruột đỏ Colombia.
I. Nguồn gốc và đặc tính của giống
- Thanh long ở Việt Nam có ba giống: Dạng quả tròn, quả dài, quả chôm chôm (quả nhỏ). Dạng quả tùy thuộc vào điều kiện sinh thái, nhất là chế độ ánh sáng và chế độ chăm sóc. Thanh long Việt Nam là loại thanh long ruột trắng, giống thuần do nhân vô tính bằng hom. Có hai giống ruột đỏ và ruột vàng, hiện đang trồng và theo dõi, sức sinh trưởng của hai giống mới nhập yếu hơn. Giống ruột đỏ và ruột vàng có quả nhỏ hơn và vỏ dày hơn.
- Riêng về Thanh long ruột đỏ, giống ruột đỏ được ưa chuộng nhất hiện nay là Long Định 1 và H14 là giống được Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam lai tạo giữa giống Thanh long ruột trắng Bình Thuận và Thanh long ruột đỏ Colombia.
- Đặc tính: Cây sinh trưởng và đâm cành mạnh, cành to, khỏe, tương tự giống Thanh long ruột trắng Bình Thuận. Ít chịu ảnh hưởng của quang chu kỳ, cây có khả năng ra hoa hầu như quanh năm, tuy nhiên vào thời gian ngày ngắn(từ tháng 10 - 3 dương lịch) cây ra hoa ít hơn. Trong điều kiện ngày dài cây cho rất nhiều hoa, mỗi năm cho 4-5 đợt hoa chính và xen 4-5 đợt hoa phụ. Cây ở tuổi 3, mỗi đợt cho 30-35 hoa/trụ, hoa nở và tung phấn từ 3-5 giờ sáng, thụ phấn tự nhiên để tạo quả. Quả có khối lượng trung bình 500g, dạng quả giống như Thanh long ruột trắng. Vỏ quả có màu đỏ sáng, tai quả có màu xanh, cứng. Năng suất đạt 15-20 tấn/ha/năm thứ 3, từ năm thứ 4 cho năng suất cao hơn. Thịt quả có màu đỏ tím, tỷ lệ ăn được cao đạt 65-67%, vị ngọt chua nhẹ (độ Brix: 16-17%).
II. Công tác chuẩn bị
1. Chuẩn bị đất:
Cần phơi đất kỹ trong nắng, trừ cỏ dại, làm cỏ không kỹ sau này chi phí trừ cỏ sẽ rất cao, cỏ nguy hiểm trên đất chua phèn là: Cỏ tranh, cỏ ống, cỏ sâu rọm,... Việc làm tối thiểu phải tiêu lỗ, đào hố, xuống trụ, sau khi chôn trụ xong, đào quanh trụ sâu 20cm, đường kính 1,5m, bón lót phân chuồng, Super lân rồi phủ đất mặt lên sau đó mới đặt hom.
2. Mật độ - khoảng cách và bố trí cây trồng: Trồng xen dứa, hoặc các loại rau như ớt, dưa hấu, cà, xen các loại rau như rau muống, cải, ... trong những năm đầu.
Nên trồng Thanh long ở mật độ khoảng 1.111 trụ/ha ứng với khoảng cách khoảng 3m x 3m. Thanh long là cây cần nhiều ánh nắng nên hễ trồng dày thì quả nhỏ, bán không được giá.
3. Chuẩn bị cây trụ
Cây thanh long cần bám vào cây trụ nên việc chọn lựa trụ và chuẩn bị là công việc người lập vườn Thanh long cần quan tâm trước tiên, chi phí về cây trụ chiếm tỉ lệ cao nhất trong số tiền đầu tư ban đầu. Loại gỗ được chọn thường là loại gỗ Tết, chịu được nắng mưa, lâu mục. Loại được dùng nhiều là: Căm xe, Cẩm liên, Cà chắc, Sao đen,….
Cây trụ thường được chọn có đường kính trên 25 cm, dài 2,5 - 2,7m, sau khi chôn còn cao khoảng 2,0m. Hiện nay, xu hướng của nông dân là hạ thấp trụ xuống, nghĩa là sau khi chôn trụ xong còn cao trung bình 1,8m, còn đường kính sử dụng chỉ còn khoảng 15cm. Nguyên nhân làm nông dân hạ thấp trụ và tận dụng cây có đường kính nhỏ là vì các loại gỗ hiếm và đắt, ngoài ra trụ cao khiến việc chăm sóc trở nên khó khăn hơn, tốn nhiều công hơn.
Ngày nay, vật liệu trong xây dựng cũng tương đối dễ mua và rẻ tiền nên tốt nhất đúc trụ xi măng cốt sắt là đảm bảo nhất. Trụ đúc khoản 2,5m để khi chôn còn lại 1,8m bằng tầm tay là vừa. Trên đầu trụ có chừa 2 râu sắt chéo chữ thập để gắng khung gỗ hoặc lốp xe máy cũ lên làm giá đỡ cho cây dễ bám để khi đi tới đầu trụ cành thanh long sẽ rũ đầu xuống nên trông toàn tán cây có dạng một cái dù (nấm).
Trụ thấp có lợi: Giảm được tiền đầu tư ban đầu, cành Thanh long mau lên đến đầu trụ, chăm sóc và thu hoạch dễ hơn. Qua nhiều năm cắt tỉa các cành nhánh chồng chất trên đầu trụ sẽ làm cây cao dần, việc dùng trụ thấp sẽ hãm bớt sự cao dần lên của cây. Nhưng hễ trụ thấp quá thì nhánh thanh long sẽ rũ xuống đất vừa tốn công cắt tỉa vừa ít quả do cành ngắn hơn. Việc trồng cây trụ cần tiến hành sớm, có thể trước thời vụ trồng một tháng. Sau khi lấp đất cây trụ phải thẳng đứng, không lệch ngọn.
4. Chuẩn bị hom giống
Hiện nay, chủ yếu các nhà vườn trồng bằng hom (cắm cành). Hàng năm, việc tỉa cành tạo nên nguồn hom giống dồi dào, nhưng để cành phát triển tốt thì cần chọn những cành có tiêu chuẩn sau:
- Tuổi cành trung bình từ l - 2 năm tuổi trở lên, cành non không tốt.
- Chiều dài hom tốt nhất là từ 40cm
- Hom mập, có màu xanh đậm.
- Hom không có khuyết tật, sạch sâu bệnh.
- Các mắt mang chùm gai phải tốt, mẩy, khả năng nẩy chồi (mụt) tốt.
Sau khi chọn hom xong, hom được dựng nơi thoáng mát, trên nền đất khô ráo, trong vòng 10 - 15 ngày hom bắt đầu nhú rễ thì đem trồng.
- Cách giâm hom: Dùng dao sắc cắt bỏ phần vỏ ở gốc cành khoảng 2-3cm chỉ để lại lõi, sau đó xử lý hom giống bằng dung dịch chống nấm Benlat C hoặc Ridomin và chế phẩm kích thích ra rễ (pha theo nồng độ được hướng dẫn trên bao bì) để ngừa nấm bệnh và thối cành đồng thời kích thích hom ra rễ. Cành được giâm trong cát ẩm, ở nơi thoáng mát, thời gian giâm khoảng 20 – 30 ngày khi có rễ trắng xuất hiện đem trồng. Có thể giâm hom vào bầu để giữ cây trong vườn nhân giống được lâu hơn(khoảng 3 tháng).
5. Chọn thời vụ trồng
Thanh long có thể trồng quanh năm nhưng thường được trồng vào mùa Xuân là hợp lý nhất vì:
- Nguồn hom giống dồi dào do trùng vào lúc tỉa cành.
- Lợi dụng được ẩm độ vào cuối mùa mưa.
- Ở các vùng đất thấp thì mùa này tránh được nguy cơ ngập úng.
Tuy nhiên, trồng mùa này có nhược điểm là cây chưa lớn đủ để có thể chống chịu nắng hạn, vì vậy cần chú ý tưới nước và giữ ẩm cho cây trong mùa nắng tới.
6. Các công tác chuẩn bị khác như chuẩn bị nhân lực, kinh phí, pháp lý, …
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao