Tin thủy sản Kỹ thuật ương cá chép V1 trực tiếp từ cá bột lên cá giống

Kỹ thuật ương cá chép V1 trực tiếp từ cá bột lên cá giống

Author Trọng Hoàng, publish date Saturday. July 18th, 2020

Kỹ thuật ương cá chép V1 trực tiếp từ cá bột lên cá giống

Cá chép chọn giống V1 là thế hệ chọn lọc thứ 6 của cá lai 3 máu giữa cá chép Việt Nam, cá chép Hungary và cá chép Indonesia. Cá tăng trọng nhanh, gấp từ 1,5 đến 3 lần so với cá chép thường trong cùng điều kiện nuôi dưỡng. Sau 8 tháng nuôi, trọng lượng trung bình mỗi con đạt từ 1 đến 2 kg.

1. Chuẩn bị ao

Điều kiện ao ương

Ao ương cá giống nên sử dụng những ao cũ, diện tích ao 800 - 1.000 m2, độ sâu 1,2 - 1,5 m, thuận tiện giao thông, có nguồn nước cấp ổn định, không bị nhiễm các chất thải công nghiệp và thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Có thể tháo cạn khi cần thiết, bờ ao chắc chắn, không rò rỉ. Nhiệt độ nước thích hợp từ 28 - 300C. pH thích hợp từ 7,5 - 8,5. Hàm lượng ôxy hòa tan lớn hơn 3 mg/l.

Chuẩn bi ao ương

Tháo cạn ao, dọn sạch cỏ trong ao và bờ ao, bờ ao bằng phẳng, không lồi lõm tránh địch hại trú ngụ. Vét bớt bùn lỏng đáy ao, chỉ để lại lớp bùn dày 10 - 15 cm dùng vôi bột (CaO) rải đều bờ ao và đáy ao với lượng vôi 7 - 10 kg/100 m2 để khử trùng và điều chỉnh pH. Kết hợp bón lót phân chuồng ủ hoai liều lượng 80 -100 kg/100 m2. Phơi nắng ao 3 - 5 ngày đến khi ráo mặt ao (không phơi ao quá lâu sẽ có hiện tượng xì phèn); sau đó, lấy nước vào ao có chắn lưới lọc để ngăn địch hại, mức nước cao 60 - 80 cm.

Bón phân gây màu

10 ngày trước khi thả giống, sử dụng phân vô cơ N:P:K liều lượng 3 - 5 kg/1.000 m2; gây nuôi sinh vật phù du (độngvật phù du và thực vật phù du) phát triển làm thức ăn cho cá bột giai đoạn 3 - 5 ngày tuổi. Sau 5 - 7 ngày sử dụng vợt có kích thước mắt lưới 50µ vớt kiểm tra nếu thấy số lượng động vật phù du phát triển thì tiến hành thả giống. Trường hợp không thấy xuất hiện động vật phù du thì có thể bổ sung phân vô cơ hay bột đậu nành 2 - 3 kg/1.000 m2.

2. Thả cá

Chọn cá chép bột V1 đã tiêu hết noãn hoàng, bơi lội hoạt bát, không dị hình. Mật độ thả 300.000 con/1.000 m2. Con giống khi vận chuyển về ao ương được làm cân bằng nhiệt độ trong bao đựng cá và ở ngoài môi trường ao. Bằng cách ngâm bao đựng cá vào ao khoảng 10 - 15 phút, sau đó mở bao cá cho nước ao từ từ vào bao, dùng tay đổ toàn bộ cá ra ao. Cả được thả vào lúc trời mát và ở đầu hướng gió.

3. Quản lý, chăm sóc

Cho ăn

Trong hai ngày đầu không cần cho ăn, vì lúc này trong ao đã có sinh vật phù du làm thức ăn cho cá. 8 ngày tiếp theo sử dụng thức ăn tổng hợp ương cá giống có hàm lượng đạm từ 40 - 42%. Hạt có kích thước từ 50µ đến < 0,07 mm hoặc thức ăn dạng mảnh được pha loãng với nước rải đều mặt ao. Giai đoạn này, thức ăn đưa xuống ao vừa làm thức ăn cho cá vừa làm thức ăn cho sinh vật phù du. Từ ngày thứ 11 đến ngày thứ 30 có thể sử dụng thức ăn viên có kích thước 0,5 - 0,8 mm rải đều mặt ao. Mỗi ngày cho cá ăn hai lần vào sáng sớm và chiều mát. Lượng thức ăn từ 0,8 - 1 kg/1 vạn cá/ngày. Từ ngày thứ 31 trở đi bằng cách quan sát hoạt động bắt mồi của đàn cá sau mỗi lần cho ăn có thể xác định tỷ lệ sống tương đối của cá, dùng vợt vớt khoảng 30 con kiểm tra trong lượng trung bình, sau đó xác định khối lượng cá có trong ao. Từ đó áp dụng khẩu phần ăn theo % trọng lượng cá. Lượng thức ăn cho ăn từ 3 - 5% trọng lượng cá. Kích thước hạt thức ăn 1,5 - 2 mm. Ngày cho cá ăn 2 lần vào sáng sớm và lúc chiều mát. Có thể điều chỉnh thức ăn qua mỗi lần cho ăn. Khi cho ăn, rải thức ăn xuống ao từ từ để toàn bộ số cá trong ao đều có thể ăn được và cá sử dụng hết.

Quản lý

Hàng ngày chú ý theo dõi hoạt động bơi lội, bắt mồi của cá, tình hình thời tiết để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý. Thường xuyên kiểm tra bờ ao để phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng ao bị rò rỉ nước, bờ sụt lở. Khi thấy hiện tượng cá nổi đầu khác thường, phải nhanh chóng xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý. Thay nước cho ao nuôi định kỳ 1 lần/tuần, mỗi lần thay khoảng 25 - 30% lượng nước ao. Luôn giữ mức nước ao khoảng 1 - 1,2 m. Định kỳ 2 tuần/lần kiểm tra sự tăng trưởng cá bằng cách bắt ngẫu nhiên khoảng 30 cá thể để cân xác định trọng lượng thân. Định kỳ 1 tuần một lần sử dụng BKC liều lượng 0,3 - 0,5 ml/m3 hoặc Iodin 0,1 - 0,2 g/m3 phòng bệnh cho cá. Có thể sử dụng thêm kháng sinh trong danh mục được phép lưu hành trộn với thức ăn liều lượng 0,5 - 1 g/kg, một tuần một lần để phòng bệnh cho cá.

4. Thu hoạch

Sau 50 - 60 ngày ương, cá giống đạt chiều dài 4 - 6 cm (khoảng 180 - 200 con/kg) dùng lưới kéo thu hoạch cho vào giai luyện cá trước 1 - 2 ngày rồi vận chuyển tới vùng nuôi. Ương cá chép V1 trực tiếp từ cá bột lên cá giống kích thước 4 - 6 cm có tỷ lệ sống khoảng 30 - 40% tùy vào trường hợp cải tạo ao nuôi và gây tạo sinh vật phù du phát triển trong ao.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nuôi cá chép V1 được phát triển tại nhiều địa phương với các mô hình nuôi ghép với các đối tượng cá truyền thống như cá trắm cỏ, cá rô đồng…; hầu hết đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách nuôi truyền thống, tạo sản phẩm sạch, an toàn phục vụ cho nhu cầu thị trường.


Làm thế nào Na Uy có thể đánh bại bệnh viêm tuyến tụy ở cá hồi? Làm thế nào Na Uy có thể đánh… Bệnh hoại tử thần kinh trên cá biển Bệnh hoại tử thần kinh trên cá biển