Kỹ thuật và Quy trình chăm sóc nuôi gà HMông thương phẩm - Phần 2
2. Quy trình chăm sóc nuôi dưỡng gà H’Mông thương phẩm
2.1. Yêu cầu chung về chuồng trại
Vị trí chuồng nuôi phải chọn nơi cao ráo, dễ thoát nước, thoáng mát, cách các trại nuôi gia cầm, gia súc khác càng xa càng tốt nhằm hạn chế tối thiểu mức rủi ro do lây nhiễm chồng chéo.
Thiết kế mái chuồng rất quan trọng để mùa đông giữ được ấm, mùa hè phản xạ nhiệt của ánh nắng mặt trời giữ được mát mẻ.
Mái hiên có thể đua ra 1 – 1,2 mét để hạn chế lượng ánh nắng chiếu trực tiếp vào chuồng.
Nền láng xi măng hoặc gạch phẳng có độ dốc cần thiết 3 – 5O tiện cho việc vệ sinh.
Mặt khác phải đảm bảo thực hiện được biện pháp an toàn sinh học.
2.2. Chuẩn bị dụng cụ và chuồng nuôi
Trước khi đưa gà vào nuôi dù quy mô lớn hay nhỏ cần phải chuẩn bị mọi điều kiện vật chất kỹ thuật như: Rèm che, cót quây, chụp sưởi, máng ăn, máng uống, chất độn chuồng, tiêu độc khử trùng và chọn người nuôi (kinh nghiệm của người chăn nuôi).
+ Chuồng trại:
Chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi phải được cọ rửa sạch sẽ, để trống chuồng trước khi đưa gà vào nuôi 15 – 20 ngày và phải được xử lý theo đúng quy định về vệ sinh phòng dịch, tường, nền được quét nước vôi đặc nồng độ 40%.
sau đó để khô phun tiêu độc bằng xút 2% (NaoH) với liều 1 lít/m2 hoặc bằng các loại thuốc sát trùng khác như Foocmol 3% phun 2 – 3 lần (chú ý phun phải kéo rèm che, đóng cửa sau 5 – 8h mới mở ra để tăng tác dụng diệt khuẩn).
Trước khi thả gà vào nuôi 1 – 2 ngày phun tẩy uế lại bằng Formalin 3% và đậy kín cửa, rèm che.
Sau khi phun 5h mở cửa, rèm che cho thông thoáng bay hết mùi thuốc sát trùng rồi mới thả gà.
+ Máng ăn:
2 tuần đầu có thể dùng mẹt tre hoặc khay tôn (kích thước 60 x 80 x 2,5cm cho 80 – 100 gà).
Từ tuần tuổi thứ 3 trở đi dùng máng ăn (có thể là máng dài hoặc máng tròn).
Máng dài có thiết diện hình thang, đáy nhỏ từ 5 – 8 cm miệng rộng 7 – 13 cm, chiều dài của máng 1 – 1,5 mét, cao 4 – 8 cm có đế vững chắc tránh rơi vãi thức ăn.
Máng tròn có thể bằng nhựa hoặc bằng tôn làm theo kiểu máng P50 Hunggari nâng dần độ cao của máng theo tuổi của gà.
+ Máng uống:
Có nhiều loại song tuỳ thuộc điều kiện từng nơi, từng vùng mà áp dụng cho phù hợp và kinh tế.
Thông thường dùng máng tròn (gallon) gồm phần đáy và thân nắp vào nhau làm bằng nhựa, thể tích máng uống tuỳ theo tuổi gà: Gà con 1,5 – 2 lít, gà dò hậu bị và sinh sản 4 – 8 lít.
Máng uống dài có độ dài tương đương máng ăn nhưng thiết diện nhỏ hơn.
+ Chụp sưởi:
Gà con sau khi nở ra chưa có khả năng điều tiết thân nhiệt do đó phải có hệ thống chụp sưởi để cung cấp nhiệt độ cho gà đến khi chúng có khả năng điều tiết được thân nhiệt phù hợp với nhiệt độ môi trường, có thể dùng dây mayso, bóng điện hoặc đèn hồng ngoại tuỳ theo số lượng gà con 01 ngày tuổi mà bố trí hệ thống sưởi cho hợp lý và hiệu quả kinh tế.
+ Rèm che:
Dùng vải bạt, bạt dứa hoặc có thể tận dụng bao tải dứa khâu lại thành rèm che bên ngoài chuồng để giữ nhiệt độ chuồng nuôi và tránh gió lùa hoặc mưa hắt vào chuồng, có thể dùng cót ép hoặc phên liếp che chắn lại.
+ Quây gà:
Trong thời gian úm gột, để tập trung nguồn nhiệt tránh gió lùa sử dụng cót ép, tấm nhựa làm quây úm với chiều cao 50 – 60 cm, mỗi quây có đường kính 2,0 – 2,5 m.
Quây này dùng để úm gà con trong 14 ngày đầu, mỗi quây như vậy có thể úm từ 150 – 200 gà.
+ Độn chuồng:
Yêu cầu chất độn chuồng phải có khả năng hút ẩm, có thể dùng phoi bào, trấu, rơm rạ băm nhỏ.
Lưu ý chất độn phải được phơi khô không có mùi mốc, phun sát trùng bằng Foocmol 2%.
Gà H’Mông có tốc độ sinh trưởng chậm nên giai đoạn gà con được tính từ 1 – 63 ngày tuổi, ở giai đoạn này các cơ quan nội tạng nhất là bộ máy tiêu hoá chưa hoàn thiện, dạ dày cơ chưa tiêu hoá được các loại thức ăn xơ cứng, men tiêu hoá chưa đầy đủ, gà rất nhạy cảm với điều kiện ngoại cảnh do đó phải tạo điều kiện tốt để gà phát triển nhanh và khoẻ mạnh.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao