Kỳ Vọng Vào Dự Án Nâng Cấp Chuỗi Giá Trị
Đối với củ hành tím lẫn artemia, thế mạnh lớn nhất chính là nguồn giống được sản xuất tại địa phương và điều kiện về đất đai, nguồn nước phù hợp cho sự phát triển. Vì thế, sau cây lúa ST5, hành tím và artemia Vĩnh Châu được “Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng” chọn xây dựng nâng cấp chuỗi giá trị từ nay đến năm 2016.
* Thế mạnh và hạn chế
Tuy chỉ mới xuất hiện ở Vĩnh Châu từ năm 1985, nhưng artemia đã cho thấy tính thích nghi và khả năng phát triển tại một số vùng nuôi của Vĩnh Châu khi cho năng suất lên đến 80kg/ha ngay trong những năm đầu thử nghiệm. Artemia sản xuất ở Vĩnh Châu luôn cho chất lượng thuộc vào loại tốt nhất so với những nơi khác ở trong nước và cả thế giới. Ông Văn Đắc Phuôn, Giám đốc Trung tâm Tập huấn và chuyển giao nông nghiệp Nam bộ, nhận xét: “Với kích cỡ trứng nhỏ và hàm lượng acid béo không no cao gấp 2 - 3 lần so với các nước trên thế giới, sản phẩm trứng bào xác artemia nuôi ở Vĩnh Châu luôn được đánh giá là rất tốt nên giá bán luôn ở mức cao. Nếu được đầu tư, chăm sóc theo đúng quy trình mới của Trường Đại học Cần Thơ, tiềm năng năng suất bình quân có thể đạt 120kg/ha và cao nhất có thể đạt từ 160 - 180kg/ha”.
Có mặt hàng trăm năm nay, hành tím Vĩnh Châu vẫn giữ được sự ổn định về năng suất và chất lượng. Chính sự ổn định đó đã tạo nên lực hút các doanh nghiệp xuất khẩu hành trong nước tìm về Vĩnh Châu để thu mua, sơ chế, xuất khẩu. Anh Trịnh Đức Vinh, Chủ DNTN Đức Vinh, chia sẻ: “Cũng có nhiều địa phương khác trồng được củ hành tím, nhưng chỉ có ở Vĩnh Châu là hành có màu sắc, hương vị tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng tại các nước nhập khẩu”. Chất lượng đã tốt, nay lại càng tốt và an toàn hơn khi hàng ngàn héc - ta trồng hành tím ở Vĩnh Châu áp dụng và được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và cả hai đều đã được Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ Công Thương - cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Với những thế mạnh trên, artemia và hành tím Vĩnh Châu đã chính thức trở thành một trong năm đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự phát triển của hai đối tượng trên trong những năm qua, không khó để nhận ra tính bấp bênh của chúng. Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, những năm gần đây, năng suất artemia đã có phần giảm sút do hệ thống thủy lợi và nguồn vốn đầu tư của người nuôi còn hạn chế.
Ông Văn Đắc Phuôn, cho biết thêm: “Vấn đề giảm năng suất còn do công nghệ nuôi đã lạc hậu so với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Nếu cải thiện được những hạn chế trên, nghề nuôi artemia sẽ mang lại hiệu quả cao, vì nhu cầu trứng bào xác trên thị trường là rất lớn và giá cả khá ổn định”. Không quá khó khăn về điều kiện sản xuất, nhưng hành tím lại đang vướng ở khâu tiêu thụ do chính sách bảo hộ hàng trong nước của các nước nhập khẩu.
Vướng mắc này đã đẩy giá hành tím lúc vào vụ thu hoạch rộ trong 2 năm gần đây giảm đến dưới mức giá thành sản xuất. Ngoài ra, do chi phí sản xuất còn cao; các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm còn hạn chế; sự liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp chưa chặt chẽ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của hai đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực này.
* Lối thoát từ nâng cấp chuỗi giá trị
Vấn đề chính hiện nay là làm sao nâng cao chất lượng hành tím, nhất là ở khâu bảo quản sau thu hoạch và mở rộng thị trường xuất khẩu; liên kết doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn GlobalGAP; đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ hiện đại và cắt giảm chi phí sản xuất; mở rộng chính sách kêu gọi đầu tư hoặc hợp tác công tư. Ngay trong năm 2013, theo dự kiến, dự án sẽ tiến hành xác định tiêu chuẩn trồng hành tím theo tiêu chuẩn GlobalGAP; hỗ trợ phương tiện cho các doanh nghiệp trong liên kết dọc với nông dân để thực hiện nâng cấp chuỗi hành tím theo tiêu chuẩn GlobalGAP (xây dựng kho bảo quản, phòng đóng gói); tập huấn kỹ thuật trồng hành theo GlobalGAP cho nông dân; hỗ trợ doanh nghiệp chi phí chứng nhận GlobalGAP; hỗ trợ tổ chức liên kết ngang giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với nông dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá, việc tạo liên kết dọc (doanh nghiệp với nông dân) lẫn liên kết ngang (doanh nghiệp với doanh nghiệp, nông dân với nông dân) vẫn còn không ít khó khăn do thiếu lòng tin lẫn nhau. Đây là nút thắt quan trọng cần được tháo gỡ để tạo được sự đồng thuận, gắn kết được nhu cầu của các bên nhằm nâng cao giá trị của chuỗi.
Đối với artemia, tuy không phải quá lo về đầu ra vì cung vẫn chưa đáp ứng đủ cầu, nhưng để nâng cao năng suất và mở rộng diện tích, rất cần có sự đầu tư về vốn và nâng cấp hệ thống thủy lợi vùng nuôi. Vấn đề này đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí chỉ đạo: “Trước mắt, lãnh đạo thị xã Vĩnh Châu và ngành nông nghiệp phải quy hoạch lại vùng nuôi, xác định diện tích nuôi. Trên cơ sở đó, xây dựng các dự án, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ”.
Theo chiến lược nâng cấp, dự án sẽ xây dựng đề án mở rộng diện tích nuôi; đầu tư cho hộ nuôi thông qua hợp tác xã (HTX) chế biến trứng; hỗ trợ thành lập liên hiệp HTX artemia; hỗ trợ quảng bá và xúc tiến thương mại (cải tiến mẫu mã sản phẩm, thiết kế logo, xây dựng website, tăng cường quảng bá sản phẩm artemia, tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ cơ sở ươm con giống thủy sản); đa dạng hóa thu nhập cho người nuôi (thử nghiệm và làm trình diễn mô hình nuôi luân canh với đối tượng thủy sản khác, tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi tăng sản và sinh khối, đào tạo huấn luyện đội ngũ TOT- giảng viên…).
Dù vẫn còn không ít khó khăn cần phải tháo gỡ, nhưng người dân Vĩnh Châu vẫn rất kỳ vọng vào “Dự án nâng cấp chuỗi giá trị hành tím và artemia” để sản phẩm do họ làm ra không còn cảnh “trúng mùa, thất giá”. Đó cũng là xu thế phát triển bền vững cho những mặt hàng nông sản đặc sản của tỉnh trong tương lai.
“75% lượng hành tím được nông dân bán cho thương lái và trong số này chỉ có 1% bán cho siêu thị hay tiêu thụ nhỏ lẻ, còn lại được bán cho các công ty. Các công ty dành đến 69% để xuất khẩu và 31% tiêu thụ nội địa. Đối với artemia, 35,4% sản lượng trứng được người nuôi bán cho thương lái và 63,1% bán cho HTX hay cơ sở chế biến. Sản lượng trứng được thương lái thu mua đều được đưa về HTX hoặc cơ sở chế biến để đóng lon (33%).
Sau khi chế biến, 76,9% sản phẩm được HTX và cơ sở chế biến bán cho các đại lý bán hàng để tiêu thụ nội địa (trại sản xuất giống thủy sản) và 19,2% được các HTX hay cơ sở chế biến dành cho xuất khẩu. Ngoài ra, còn khoảng 1,5% sản lượng trứng được người nuôi và 2,4% của thương lái bán trực tiếp cho trại sản xuất giống thủy sản” - (Nguồn: “Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng).
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao