Mô hình kinh tế Lạc quan với kinh tế Hậu Giang

Lạc quan với kinh tế Hậu Giang

Publish date Saturday. October 17th, 2015

Lạc quan với kinh tế Hậu Giang

Với giá khá hấp dẫn như hiện nay, người trồng mía có thể thu lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/ha.

Thông tin từ Cục Thống kê Hậu Giang, tình hình sản xuất công nghiệp 9 tháng qua tương đối ổn định, với nhịp độ tăng trưởng luôn ở mức khả quan.

Nhất là những tháng gần đây đã cho thấy tình hình sản xuất dần hồi phục sau một thời gian tăng thấp, đồng thời phản ánh tín hiệu lạc quan của sản xuất công nghiệp tỉnh nhà trong thời gian tới.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế 9 tháng đầu năm ước đạt 15.501 tỉ đồng.

Tuy thực hiện chưa đến 70% kế hoạch, nhưng so với cùng kỳ đã tăng hơn 8,6%.

Ước cuối năm có thể thực hiện được gần 23.000 tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra gần 3%.

Tăng trưởng kinh tế đã vượt kế hoạch

Ông Nguyễn Văn Thân, Cục trưởng Cục Thống kê Hậu Giang, lý giải nguyên nhân giá trị sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ và dự báo vượt so với kế hoạch năm là do một số doanh nghiệp mới trên địa bàn sẽ đi vào hoạt động.

Cho nên có khả năng đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất công nghiệp chung của tỉnh trong những tháng cuối năm 2015.

Đặc biệt là Công ty Cổ phần May Nhà Bè, Công ty TNHH MTV Masan Brewery (nhà máy bia), Công ty TNHH Tư vấn Thương mại Dịch vụ Khang Hưng (xay xát và kinh doanh lúa gạo) sau khi đưa vào vận hành sẽ tạo ra giá trị sản xuất đáng kể cho khu vực II (công nghiệp - xây dựng).

Bên cạnh lĩnh vực mang tính chi phối lớn như công nghiệp chế biến thì giá trị sản xuất nông nghiệp thế mạnh ở Hậu Giang cũng đã có tác động tích cực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Văn Thân khẳng định sản lượng cây trồng, vật nuôi đều vượt so với kế hoạch đề ra nên đã quyết định đến sự tăng trưởng 9 tháng và cả năm đối với khu vực I (nông, lâm, thủy sản).

Trước hết là nhờ tình hình thời tiết thuận lợi; mặt khác là do công tác phòng, chống dịch bệnh trên động, thực vật đạt hiệu quả tích cực; cũng như giá cả thị trường tương đối ổn định đã giúp cho người dân canh tác có lời hơn.

Tất cả đã “kích thích” tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 1994) 9 tháng đầu năm đạt 12,8%, vượt 0,28% kế hoạch; và ước thực hiện cả năm đạt 13%.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng thông tin tới đây, nhu cầu gạo bàn giao theo hợp đồng còn lớn nên ngành chuyên môn cần tranh thủ thời cơ tiêu thụ lúa hàng hóa trong dân, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu cho tỉnh.

Đáng kể là giá mía hiện nay khá hấp dẫn, từ 950 đồng/kg trở lên, trong khi giá thành sản xuất đã hạ xuống dưới mức 650 đồng/kg.

Cho nên sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi héc-ta, người trồng mía có thể thu lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng. 

Tập trung giải pháp hỗ trợ sản xuất

Những tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có trên 280 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn trên 1.303 tỉ đồng.

Riêng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã thu hút được 6 dự án, với tổng số vốn đăng ký lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, cho biết hiện các dự án lớn đều được các nhà đầu tư triển khai khá tốt.

Chẳng hạn như Công ty Aqua One, Nhà máy sản xuất trái cây đang gấp rút xây dựng để có thể vận hành vào cuối năm 2016.

Một phần là nhờ tỉnh quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, đặc biệt là kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn Hậu Giang, trong 9 tháng đầu năm, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh không có nhiều biến động (trừ những tháng cao điểm Tết Nguyên đán), lượng hàng hóa được tiêu dùng ổn định, giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, gas, lương thực, thực phẩm biến động giảm nhiều hơn tăng nên đã làm cho mức tăng trưởng chung của khu vực III (thương mại, dịch vụ) chỉ đạt gần 74% kế hoạch đề ra.

Đáng lo ngại là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trực tiếp ước đạt 70% kế hoạch và tăng không đáng kể so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ước cuối năm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trực tiếp vẫn có thể đạt kế hoạch đề ra.

Nhưng đòi hỏi các cơ quan chức năng Hậu Giang phải có chính sách và biện pháp hữu hiệu nhằm kịp thời giải quyết khó khăn trong quá trình sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh, những tháng đầu năm nền kinh tế tỉnh nhà đã có sự tăng trưởng tốt.

Song, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần quan tâm, trong đó có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trực tiếp đạt thấp so với kế hoạch.

Vì thế cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư, hỗ trợ thị trường xuất khẩu, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Trong tổng số 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của tỉnh, hiện đã có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch như xây dựng nông thôn mới, thu nội địa, số dự án khoa học công nghệ được chuyển giao ứng dụng vào nông nghiệp và nông thôn, quốc phòng - an ninh;

7 chỉ tiêu thực hiện đạt trên 75%, trong đó có giá trị gia tăng bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhóm chỉ tiêu lao động và việc làm; 1 chỉ tiêu đạt thấp là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 70%; 2 chỉ tiêu về tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo, nhóm chỉ tiêu về y tế sẽ được tính vào cuối năm.

Ước tính cả năm sẽ thực hiện đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu đã đề ra.


Bước tiến trong sản xuất nông nghiệp Bước tiến trong sản xuất nông nghiệp Lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long đang lên cơn sốt Lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long đang…