Tin nông nghiệp Làm giàu ở nông thôn: Ăn nên làm ra là nhờ lúa giống

Làm giàu ở nông thôn: Ăn nên làm ra là nhờ lúa giống

Author Huỳnh Xây, publish date Monday. August 21st, 2017

Làm giàu ở nông thôn: Ăn nên làm ra là nhờ lúa giống

Ham học hỏi trong sản xuất và kinh doanh lúa giống, anh Phan Văn Thụ (SN 1974, ở ấp Tân Thuận, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã thu về trên 1,2 tỷ đồng mỗi năm. Cũng nhờ anh, vùng lúa sản xuất theo cách truyền thống đang dần chuyển sang trồng lúa chất lượng cao.

Anh Thụ bên vùng sản xuất lúa giống của mình. Ảnh: Huỳnh Xây

Tăng lợi nhuận từ việc sản xuất lúa giống

Nhận thấy vùng trồng lúa ở địa phương cho năng suất không cao và nguyên nhân chính là do lúa giống có chất lượng thấp, anh Thụ đã đi học cách sản xuất lúa giống. Anh Thụ kể: “Năm 2004 tôi tham gia khóa tập huấn về kỹ năng chọn tạo giống lúa tại cộng đồng do ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức. Học xong, tiếp thu được kiến thức cơ bản, tôi bắt đầu sản xuất thử 1,5ha lúa giống. Kết quả, năng suất đạt cao hơn sản xuất lúa thường và bán được giá hơn thị trường vài trăm đồng mỗi ký”.

Theo tính toán của anh Phan Văn Thụ, mỗi năm công ty thu lời từ các hoạt động sản xuất kinh doanh trên 1,2 tỷ đồng. Từ năm 2005 đến nay, anh Thụ nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Hội Nông dân, UBND tỉnh An Giang trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Mới đây, anh Thụ được Ban tổ chức Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017”.

Từ thực tiễn hiệu quả trên, anh Thụ tiếp tục tham gia các lớp tập huấn, tham quan, hội thảo do ngành nông nghiệp và các cấp Hội Nông dân tổ chức; kết hợp chịu khó tìm tòi nghiên cứu sách báo, các thông tin khoa học trên mạng để bổ sung kiến thức cho mình. Theo đó, những cố gắng của anh liên tục nhận được “quả ngọt”. “Năm 2005, tôi tăng diện tích lúa lên 5ha và thu lợi nhuận 120 triệu đồng/năm. Đến năm 2006, tôi mua thêm 1ha, tổng lợi nhuận đạt 140 triêu đồng/năm” – anh Thụ chia sẻ.

Nhận thấy nhu cầu về lúa giống ở các nơi rất cao, năm 2007, anh Thụ vận động một số bà con nông dân ở vùng lân cận thành lập 2 tổ nhân giống lúa, với 6 thành viên tham gia (tổng diện tích sản xuất lúa giống 2 tổ lúc bấy giờ là 20ha). Sản phẩm lúa giống làm ra của những nông dân này có nhãn hiệu, logo và địa chỉ rõ ràng.

Anh Phan Văn Thụ "khoe" những hạt lúa giống được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, đạt chất lượng cao.

Để giúp sản phẩm lúa giống của địa phương phát triển mạnh hơn nữa trên thị trường và để cạnh tranh, sau khi được Hội Nông dân các cấp giới thiệu tham gia học các lớp như: Quản trị kinh doanh, marketing, khởi sự doanh nghiệp và lớp kiểm nghiệm kiểm định…năm 2015, anh Thụ quyết định  đứng ra thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ sản xuất lúa giống Hai Thụ. 2 tổ nhân giống lúa trước đây sẽ phối hợp công ty của anh Thụ trong sản xuất lúa giống. Được biết, lúc này, công ty do anh Thụ điều hành bán gần 10.000 tấn lúa giống/năm.

Tiếp tục theo đuổi nguyện vọng

Theo anh Thụ, lúa giống của anh đạt chất lượng rất tốt, từ khâu sản xuất đến phơi sấy, vận chuyển, bảo quản đều được kiểm soát nghiêm ngặt. “Lúa giống của tôi khác các nơi khác là được kiểm soát rất chặt. Cũng như những diện tích sản xuất của công ty (khoảng 50ha); các diện tích của các hộ liên kết (trên 50ha) đều được tôi và cán bộ kỹ thuật trực tiếp đi kiểm tra từng khâu. Lúa giống của chúng tôi được sản xuất theo chương trình “3 giảm 3 tăng”, chương trình “1 phải 5 giảm” nên hạ được giá thành, tăng cao năng suất” – anh Thụ tự tin chia sẻ về quy trình sản xuất lúa giống.

Để xây dựng thương hiệu uy tín về lúa giống, anh Thụ đã thành lập doanh nghiệp.

Lúa giống của công ty anh Thụ có trên 10 loại, trong đó phần lớn là giống OM 5451, IR50404. Những loại lúa giống này đã tiêu thụ tại hầu hết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, TP.HCM, Tây Ninh, Đăk Lăk và cả Campuchia. Hiện nơi đây có 25 lao động địa phương đang phụ sản xuất, vận chuyển lúa giống.

Về định hướng trong thời gian tới, anh Thụ chia sẻ, sẽ mở văn phòng đại diện của công ty bên Campuchia để thuận tiện cho việc tiêu thụ lúa giống. “Ở Campuchia, do thổ nhưỡng thích hợp (lúa không bị bạc bụng, thơm ngon hơn) và nhu cầu thị trường cao nên vẫn có một số vùng sản xuất lúa IR50404. Vì vậy, tôi sẽ nhân giống lúa và bán ở thị trường này” - anh Thụ thông tin thêm.

Cũng theo anh Thụ, cuối năm 2017 này, anh sẽ phối hợp nhiều người dân địa phương thành lập tổ sản xuất lúa hữu cơ, không sử dụng phân thuốc và có kết hợp với công ty lớn trong tiêu thụ. Bước đầu, mô hình sẽ có quy mô nhỏ, nếu thành công, sẽ tiếp tục nhân rộng.

“Tôi có nguyện vọng là sẽ cùng người dân biến vùng sản xuất lúa truyền thống này thành nơi cung ứng lúa hữu cơ, an toàn cho người tiêu dùng trong cả nước. Trước đây, một trong những nguyên nhân tôi thành lập công ty (thay vì để với nghĩa Hợp tác xã sẽ được hỗ trợ nhiều lĩnh vực hơn) cũng chỉ vì muốn thuận tiện hơn trong việc thực hiện nguyện vọng của mình” – anh Thụ bộc bạch.

Ngoài việc thi đua sản xuất, anh Thụ còn tích cực tham gia vận động bà con nông dân trong xóm, ấp xây dựng và phát triển nông thôn mới như làm cầu, đường nông thôn và thường xuyên làm công tác từ thiện… 


Nông nghiệp công nghệ cao là tất yếu Nông nghiệp công nghệ cao là tất yếu Rau sạch trên quê lúa từng bước mở rộng thị trường Rau sạch trên quê lúa từng bước mở…