Mô hình kinh tế Làm Giàu Từ Cây Tầm Vông Ở Bình Phước

Làm Giàu Từ Cây Tầm Vông Ở Bình Phước

Publish date Saturday. April 6th, 2013

Làm Giàu Từ Cây Tầm Vông Ở Bình Phước

Ở thị xã Bình Long và huyện Hớn Quản (Bình Phước) hiện có rất nhiều hộ khá lên nhờ trồng cây tầm vông. Giá tầm vông tương đối ổn định, khi thu hoạch tùy loại lớn nhỏ có giá bình quân từ 10 đến 25 ngàn đồng/cây. Sau mỗi đợt thu hoạch, trừ chi phí nông dân thu lãi gần 60 triệu đồng/ha tầm vông. Loại cây này còn rất hiệu quả trong việc sử dụng quỹ đất xấu.

THOÁT NGHÈO VÀ LÀM GIÀU TỪ TẦM VÔNG

Nhiều nông dân trồng tầm vông trong tỉnh cho biết, tầm vông không những dễ trồng mà còn giữ đất tốt. Ngày trước, người dân trồng tầm vông ở những bãi đất vành đai gần sông, suối để tránh xói mòn, sạt lở. Sau này thấy cây trồng này đem lại nguồn thu không nhỏ, nông dân đã tận dụng mọi quỹ đất để mở rộng diện tích. Ở huyện Bình Long cũ có nhiều nông dân trồng tầm vông đã thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Điển hình như gia đình anh Điểu Queo ở ấp Đông Phất; anh Điểu Nông, Điểu Quốc ở ấp Tổng Cui Lớn, xã Phước An...

Anh Điểu Queo chia sẻ: Để có được cây tầm vông cao, to và cho năng suất cao, anh bắt đầu chăm sóc cây ngay từ khi ra măng. Thời điểm đó, ngoài việc phải giữ vườn đề phòng trộm măng thì người trồng phải tiến hành chọn măng. Ưu tiên những búp măng to, khỏe có thân ngầm mọc dưới mặt đất, từ đáy (bụi) và phân bố đều trên bụi để nuôi dưỡng thành cây. Đồng thời phải chặt bỏ bớt cây già, cây xấu và nếu cần thiết phải bao bọc măng lại để tránh sâu bọ chích. Trước khi mùa mưa đến phải phát quang bụi rậm, đào xới quanh gốc và bón nhiều phân chuồng, NPK... cung cấp dưỡng chất cho măng phát triển. Trồng tầm vông chỉ vất vả vụ đầu và duy trì khả năng phát triển kinh tế trong nhiều năm sau. Sau mỗi vụ thu hoạch chỉ cần để nguyên phần gốc, dọn vệ sinh vườn, chú ý dưỡng măng để sinh cây cho vụ sau.

Ông Nguyễn Đình Ngọc, Chủ tịch Hội nông dân phường Hưng Chiến (TX. Bình Long) đánh giá: Tầm vông là loại cây có tiềm năng kinh tế cao trong việc sử dụng quỹ đất xấu không phù hợp với các loại cây công nghiệp. Phường hiện có hơn 12 ha tầm vông. Tuy nhiên, đa số các hộ dân đều trồng tự phát, chưa được chuyển giao kỹ thuật canh tác. Thời gian tới người nông dân rất cần sự định hướng của ngành chức năng để loại cây này trở thành cây giảm nghèo bền vững, giúp nông dân ổn định cuộc sống.

CÂY GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

Hiện toàn tỉnh chỉ còn 3 vựa lớn thu mua tầm vông ở thị xã Bình Long và Hớn Quản, đó là vựa Út Trong ở khu phố Đông Phất; vựa ông Vũ Viết Chính, khu phố Xa Cam 2, phường Hưng Chiến và vựa của ông Ngô Hoàng Phủ ở ấp Chà Là, xã Thanh Bình (Hớn Quản). Trong đó, vựa Út Trong do vợ chồng anh Điểu Út và chị Thị Hiệp làm chủ có quy mô lớn, tập trung tầm vông với số lượng nhiều.

Anh Điểu Út cho biết, để đáp ứng đủ nguồn hàng cho các vựa nhỏ ở miền Tây và Đà Lạt thì trung bình mỗi tháng anh phải thu mua không dưới 60 ngàn cây. Và để thực hiện các bước hoàn chỉnh trước khi giao cho các vựa thì anh cần khoảng 50 lao động. Hiện số lao động làm việc cho vựa Út Trong chủ yếu là người dân tộc thiểu số.

Ông Điểu Như ở sóc Trào B, xã Tân Lợi (Hớn Quản) là một trong những người chặt tầm vông lành nghề và lâu năm nhất của vựa Út Trong cho biết: Tôi sống nhờ cây tầm vông. 7 - 8 năm trước tôi thu mua rồi bán lại cho Điểu Út, nhưng 2 năm nay thì chỉ đi chặt thuê. Nhờ cây tầm vông mà tôi nuôi sống được cả gia đình, lo cho 2 con đầy đủ. Chia sẻ về công việc của mình, ông Như nói: Chặt tầm vông phải có nghề, không phải ai làm cũng được. Muốn chặt nhanh phải dùng xén đặt gần gốc và dùng búa quai một cách chính xác để cây đứt lìa.

Người chặt tầm vông phải biết cây già, cây đạt tiêu chuẩn mới thu hoạch. Mỗi người chặt phải có 7 - 8 người đi theo dùng rựa róc nhánh nhỏ và 2 người vác tầm vông lên xe. Một ngày 10 công lao động giỏi chỉ chặt được 2.000 - 2.500 cây, thu nhập trung bình khoảng 200 ngàn đồng/người/ngày. Với thợ uốn, thu nhập cao hơn thợ chặt, dao động 250 - 300 ngàn đồng/người/ngày. Anh Vũ Viết Chính, thợ uốn giỏi, đồng thời là chủ vựa ở khu phố Xa Cam 2 cho biết: Một thợ uốn giỏi thì 1 giờ uốn được 50 cây. Cái lành nghề của thợ uốn là sự tinh mắt nhìn được cây thẳng ở độ lửa nào, sau đó nhanh tay trở và đẩy cây qua lửa cho vừa nám da hoặc cháy xém. Anh Chính đã từ bỏ công việc của một phụ xe, thậm chí bán đất để có tiền mở vựa, với hy vọng đổi đời nhờ loại cây này.

HƯỚNG ĐI NÀO CHO CÂY TẦM VÔNG?

Anh Điểu Út gắn bó với cây tầm vông đã 20 năm nay và cơ ngơi tiền tỷ anh có được ngày hôm nay cũng nhờ cây tầm vông. Anh bắt đầu từ việc vừa đi học, vừa thu mua cho vựa ông Ngô Hoàng Phủ ở ấp Chà Là, xã Thanh Bình để có tiền trang trải cuộc sống. Năm 1996, thấy việc thu mua tầm vông “có ăn” nên anh Út quyết định mở vựa. Ban đầu anh chỉ bỏ tầm vông cho các mối nhỏ, mỗi tháng 5 xe, mỗi xe 3.000 cây về các tỉnh Long An, Tiền Giang để người dân làm đê chắn vuông tôm hoặc trại gà, trại vịt. Lúc đó vốn liếng của anh có ít, lại bỏ mối theo kiểu gối đầu nên lời lãi chẳng là bao.

Cơ hội chỉ thực sự đến với anh Út vào năm 2005, khi anh thâm nhập vào thị trường Đà Lạt. Với đặc tính dẻo dai, tầm vông thực sự thích hợp là nguyên liệu làm giàn để người dân Đà Lạt trồng các loại rau sạch, trồng hoa. Vì vậy chỉ 1 năm sau, thương hiệu tầm vông Út Trong đã có mặt khắp các huyện từ Đức Trọng đến Lạc Dương, thành phố Đà Lạt, trung bình 15 xe mỗi tháng, mỗi xe 4.000 cây. Hết huyện này đến huyện kia, hết đợt này đến đợt khác những chuyến tầm vông của anh Điểu Út đều đều cung cấp cho các vựa nhỏ ở Đà Lạt và miền Tây, đặc biệt sôi động vào tháng 1 đến tháng 6 hằng năm, khi các nhà vườn đồng loạt sản xuất.

20 năm trong nghề, đây là thời điểm anh Điểu Út lo ngại về tương lai của chính mình và cây tầm vông. Anh Út cho biết: Hiện diện tích tầm vông trong tỉnh chỉ còn khoảng 300 ha, giảm hơn một nửa so với 10 năm trước. Những vườn tầm vông nhỏ lần lượt được thay thế bằng cao su, điều, tiêu... và nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cứ quẩn quanh chặt, trồng và nghèo. Anh Út phân tích: 1 ha tầm vông hiện cho thu nhập trung bình 60 triệu đồng/năm, so ra không thua cao su là mấy. Tầm vông lại dễ trồng, đầu tư ít, thích hợp với nhiều loại đất, nhất là đất khô cằn, hoang hóa, triền đồi. Tầm vông cho thu hoạch tới 55 - 60 năm theo kiểu tre già măng mọc, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết hay sâu bệnh, giá lại ổn định, thế nhưng tâm lý nông dân vẫn thích chạy theo phong trào nên diện tích tầm vông ngày càng co hẹp.

Anh Út cho biết thêm: Hiện các vườn tầm vông lớn trên 10 ha đều thuộc các chủ vườn có kinh tế khá. Còn nông dân nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thì nhà nào cũng đua nhau chặt tầm vông để trồng cao su, cả ở những vùng đất không phù hợp với loại cây đó. “Vì vậy các ngành chức năng nên có định hướng rõ ràng cho người dân về việc nên trồng cây gì, ở đâu và khẳng định lại giá trị kinh tế của cây tầm vông tại một số vùng đất nhất định. Rõ ràng tầm vông cũng là một loại cây xóa đói giảm nghèo, thế nhưng nó vẫn chỉ là loại cây vô danh, không ai để ý tới”, anh Út nói.


Giá Cá Tra Nguyên Liệu Tăng Ở Giá Cá Tra Nguyên Liệu Tăng Ở Cà Mau Mở Rộng Chương Trình Bảo Hiểm Nông Nghiệp Cà Mau Mở Rộng Chương Trình Bảo Hiểm…