Làm giàu từ mô hình gọi ngược kiểu THÍCH ĐỦ THỨ
Ông Trần Văn Thật (60 tuổi ngụ ấp 6 B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) kể vui: “Người ta thường nói làm kinh tế theo mô hình VAC ( vườn – ao – chuồng) nhưng tôi gọi ngược cách làm của mình là CVA (chuồng – vườn – ao). Hàng chục năm qua tôi tập trung nhiều nhất cho đàn lợn thịt, kế đến là chuyện làm vườn trồng nhiều loại cây ăn trái sau cùng mới nuôi ao cá. Bởi vậy có người kêu tôi ôm đồm, kiểu nuôi, trồng "thích đủ thứ".
Ông Trần Văn Thật bên vườn trái cây của gia đình. ảnh: Tư liệu
Mát tay nuôi lợn
Hàng năm, lão nông Trần Văn Thật xuất bán trên vài trăm con lợn thịt, thu về hơn trăm triệu đồng bởi ông rất am hiểu về kỹ thuật chăn nuôi. Ông tính toán để giảm chi phí đầu tư cho thức ăn, nhưng vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng của đàn lợn. Thức ăn cho heo được ông phối trộn từ nhiều loại thức ăn tổng hợp.
Ông Lê Văn Tỏ, ngụ cùng địa phương với ông Thật cho biết: “Ở đây bà con gọi anh ấy là tay nuôi lợn giỏi bởi “rất mát”, lợn lớn nhanh, hiếm khi xảy ra dịch bệnh. Bữa giờ lợn rớt giá, nhưng nhà ảnh vẫn duy trì được đàn lợn nuôi…”.
Nói về chuyện này, ông Thật cho biết : “Chuyện giá cả thì “hên, xui” lắm. Tuy nhiên, với quy luật cung – cầu thì lợn sẽ sớm ổn định giá. Nếu ở mức thấp quá, người nuôi lỗ thì ngừng mua giống, còn với giá hiện giờ tôi vẫn tiếp tục “tái đàn”.
Không chỉ có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi lợn, ông Thật còn được nông dân địa phương rất nể vì có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong trồng trọt mang lại hiệu quả rất cao. Trên diện tích 3 công đất trồng vú sữa lò rèn, mỗi năm ông thu về gần 100 triệu đồng sau khi trừ hết các khoản chi phí đầu tư.
Xoài cát Hòa Lộc của gia đình ông Trần Văn Thật. Ảnh: Trương Thanh Liêm.
Bên cạnh đó, với 2 công xoài cát Hòa Lộc, ông Trần Văn Thật thu hoạch mỗi năm 2 lần vào mùa nghịch lẫn mùa thuận, ông Thật có thêm khoảng 160 triệu đồng. Chưa kể, 20 cây xoài tứ quý cũng đã mang về cho gia đình ông xấp xỉ thêm 40 triệu đồng…
Lão nông nhiều “tài lẻ”
Năm 2017, ông Trần Văn Thật vinh dự được chọn là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu của huyện Châu Thành A về thành tích xuất sắc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhận bằng khen của UBND tỉnh Hậu Giang.
Không dừng lại ở đây, lão nông Trần Văn Thật còn nhiều “tài lẻ” khác. Chẳng hạn, ông rất nổi tiếng với “nghệ thuật” trồng lúa luôn đạt năng suất và sản lượng cao nhất xã Tân Hòa. Với diện tích canh tác 13 công đất lúa 3 vụ, hàng năm ông có lãi từ 110-130 triệu đồng.
Dưới mặt nước của các vườn xoài, vú sữa, ông Thật có thả nuôi rất nhiều loại cá như mè dinh, cá chép, mè trắng, rô phi... mang thêm về cho ông hàng năm từ 25-30 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Thật còn mở đại lý buôn bán vật tư nông nghiệp, phân bón và một số nguồn hàng nông nghiệp khác. Ông bật mí: “2 công bưởi da xanh của tôi sắp cho trái, nếu ổn định, bán trúng giá mỗi năm tôi sẽ kiếm vài chục triệu đồng nữa”.
Vú sữa trồng trong vườn của gia đình ông Trần Văn Thật được thương lái ưa chuộng thu gom. Ảnh: Trương Thanh Liêm.
Ông Thái Văn Tám, ngụ xã Tân Hòa tấm tắc kể: “Anh Thật làm lúa năm nào cũng trúng. Nhờ có tài lẻ, nên nhà anh Thật thường xuyên có bà con nông dân tới trao đổi, học tập kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt. Ai “bí” tiền, anh ấy bán cây, con giống chịu không tính lời, khi thu hoạch lúa, trái cây, cá thì mới trả”.
Với vai trò là Chi hội trưởng nông dân ấp 6B, ông Thật luôn tận tâm hướng dẫn, chỉ cách làm ăn cho trên 370 hội viên của mình bằng kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt thực tế của gia đình. Nhờ vậy số hội viên nghèo toàn ấp nay chỉ còn 1,5% và dự kiến con số này sẽ gần như không còn vào cuối năm 2017.
Với mô hình ông tự nhận là mô hình CVA, hàng năm ông Trần Văn Thật đã có thu nhập từ 700-800 triệu đồng, trở thành nông dân sản xuất giỏi các cấp nhiều năm liên tục. /.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao